Người thầy 70 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”

Trái tim người thầy đã sống gần trọn một thế kỷ, trong đó có 70 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người" (1943-2013) ngừng đập chiều ngày 27/9/2013. Người thầy kính yêu đó là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai (1919-2013). Lớp lớp thế hệ sinh viên, học sinh ở cả hai miền Nam - Bắc được thầy dìu dắt, dạy dỗ nhớ mãi hình ảnh và nhân cách cao đẹp của thầy.


Tấm gương ngời sáng


Mới gần đây thôi, sáng chủ nhật, 22/9/2013, lớp Văn khóa 8, Khoa Ngữ - Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi họp mặt kỷ niệm 50 năm tựu trường (1963-2013). Chúng tôi tuổi tác đã trên, dưới 70, đều hồ hởi nhắc đến những kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc về tình nghĩa thầy, trò; tình bạn bè trong suốt bốn năm ngồi trên ghế giảng đường đại học. Một trong những giáo sư đã để lại cho chúng tôi tấm gương sáng ngời về cốt cách, bản lĩnh người thầy; truyền cho chúng tôi ngọn lửa nhiệt tình và tình yêu văn học, nghệ thuật để hướng tới chân, thiện, mỹ là thầy giáo Hoàng Như Mai.


GS Hoàng Như Mai (bên phải) tiếp đoàn đại biểu UBND TP.HCM nhân Ngày nhà giáo VN năm 2007. Như Hùng


Những giờ lên lớp của thầy thật sinh động và hấp dẫn vô cùng. Thầy hoàn toàn làm chủ bài giảng, tuy có mang theo giáo án và tài liệu minh họa, nhưng thầy hầu như không sử dụng. Thầy giảng rõ ràng, mạch lạc, đầy sức truyền cảm, thuyết phục. Giọng thầy rất ấm và vang nên càng làm cho bài giảng có sức cuốn hút sinh viên một cách kỳ lạ. Thầy có biệt tài cảm thụ tinh tế và phát hiện được nhiều cái hay, cái đẹp do văn học mang lại cho con người và cuộc đời. Chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh thầy ung dung, với giọng nói hết sức tự nhiên như rót vào tai sinh viên khi thầy phân tích, diễn giải có lý có tình về những bài thơ tuyệt vời mà có thời kỳ bị coi là "có vấn đề", vì giọng điệu bi quan, “tiểu tư sản”. Đó là các bài Tây tiến của Quang Dũng, Không nói của Nguyễn Đình Thi, Màu tím hoa sim của Hữu Loan...


Tôi nhớ đến bài giảng của thầy về chuyên đề thơ ca đấu tranh thống nhất nước nhà. Tôi rất ngạc nhiên về trí nhớ đặc biệt của thầy. Thầy thuộc lòng khá nhiều bài thơ, đoạn thơ hay của Tố Hữu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Trinh Đường, Lưu Trọng Lư, Trần Nguyên...


Có thể nói thời gian học đại học hai năm cuối ở nơi sơ tán ở thôn Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là dịp chúng tôi được học tập, gần gũi thêm với các thầy giáo, cô giáo. Nhà thầy Hoàng Như Mai chỉ là hai gian tranh tre, nứa lá, dựng tạm bên con suối Đôi thơ mộng. Mùa mưa bão, nhà thầy bị gió mạnh thổi tốc mái, siêu vẹo, nước tràn vào sân. Mấy sinh viên chúng tôi gọi nhau ra sửa giúp nhà cho thầy. Lúc giải lao, thầy, cô mời chúng tôi ăn mấy miếng sắn bở, ngon và tươi mới nhổ ở vạt đất vườn. Tôi tranh thủ giở xem mấy cuốn sổ tay đặt trên bàn thầy. Thầy giáo thấy tôi chăm chú xem, bèn bảo: "Em mang về xem rồi trả cho thầy sau nhé". Đêm hôm ấy (20/3/1966), bên ngọn đèn dầu của nhà bác Nguyễn Đình Chung, tôi đã miệt mài chép những tư liệu quý của thầy. Đó là truyện ngắn Nỗi buồn của thầy Mạnh của Minh Đạo, đăng trên báo Tự trị của Tổng hội sinh viên số 10, 22/6/1945; các bài thơ Độc hành ca 2 của Thâm Tâm, Hẹn về cố đô của Đinh Hùng, Giản dị của Lê Khắc Thiền... Tôi thầm càng cảm phục thầy, vì mặc dù thầy cảm thụ rất sâu, thuộc rất nhiều áng văn, thơ nhưng thầy vẫn chịu khó ghi chép và suy ngẫm, bình luận văn chương.


Tâm hồn tươi trẻ mãi


Thầy Hoàng Như Mai đến với con đường văn học, nghệ thuật và giáo dục như một lẽ tự nhiên. Trong lá thư tay dài 4 trang giấy, khổ A4, viết từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho tôi, đề ngày 25/11/2003, thầy đã cắt nghĩa lý do thầy gắn bó với sự nghiệp "trồng người": "Vì học sinh, sinh viên làm cho tôi yêu mến nghề thầy giáo. Nghề thầy giáo luôn cho tôi được sống với tuổi thanh xuân".


Quả thật vậy, cho đến tận những năm cuối đời, khi sức khỏe đã giảm sút nhiều, thầy vẫn giữ được phong độ và tâm hồn thanh xuân ấy. Thương tiếc thầy đi xa, tôi lại nhớ những lời dạy quý báu của thầy năm xưa. Trong sổ tay, tôi đã ghi hầu như nguyên văn bài nói chuyện của giáo sư Hoàng Như Mai về thơ Bác, tại Câu lạc bộ Hội nhà báo Việt Nam, tối ngày 29/4/1968. Trong hai giờ đồng hồ liền, giáo sư đã nói "vo", dẫn chứng chính xác cả thơ chữ Việt lẫn thơ chữ Hán của Bác, cuốn hút sự chú ý của hàng trăm nhà báo, trong đó có nhiều người là học trò của thầy giáo. Bây giờ đọc lại sổ tay, tôi cảm thấy những ý kiến chí lý của thầy vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự, hấp dẫn.


Tôi xin dành bài viết này như một nén tâm nhang thành kính dâng lên Giáo sư Hoàng Như Mai - người thầy đức độ, tài hoa đã cùng với bao thầy, cô khác ở Khoa Ngữ - Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tận tâm, tận lực chăm sóc, đào tạo lớp lớp học trò trở thành những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, những nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội v.v... tâm huyết, trong đó có các nhà báo đã và đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí, xuất bản khác.


Hà Nội, đêm 27/9/2013.


Nguyễn Huy Thông - Nhà phê bình văn học

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN