Nghiên cứu sinh muốn đưa dự án khoa học và hướng nghiệp về trường phổ thông Việt Nam

Nguyễn Thị Sao Ly - cô gái giành được học bổng Tiến sĩ danh giá 9,3 tỷ đồng của Đại học Johns Hopkins - mong muốn đưa Chương trình SARE (Summer Academic Research Experience - hướng tới đối tượng là các học sinh nghèo khó, yếu kém) vốn thành công từ Mỹ về các trường trung học ở Việt Nam. Dự kiến, hè 2020 mô hình này được thực hiện tại Đà Nẵng nơi Sao Ly sinh ra và lớn lên.

Giáo dục truyền cảm hứng nhân văn    

Nguyễn Thị Sao Ly sinh ra trong gia đình có truyền thống về giáo dục. Bố của Ly làm về giáo dục, mẹ hoạt động kinh doanh. Sao Ly bắt đầu đi du học khi 16 tuổi. Đến nay, sau 10 năm, Sao Ly hoàn thành cử nhân chuyên ngành Sinh học, thạc sĩ Y Tiến hoá tại trường Đại học California, Los Angeles (UCLA), nằm trong top 5% của trường. Cô gái Đà Nẵng với vẻ rạng rỡ và xinh đẹp này đang là nghiên cứu sinh tại trường ĐH Johns Hopkins - một trong những trường hàng đầu của Mỹ về đào tạo y học.    

Chú thích ảnh
Nguyễn Thị Sao Ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

 “Từ khi còn nhỏ, ba mẹ Ly đã đề cao những giá trị của giáo dục, không phải chỉ những kiến thức ở nhà trường mà còn ở cuộc sống, xã hội. Chỉ cần đó là cơ hội để Ly học hỏi và hoàn thiện bản thân thì ba mẹ sẽ cố gắng hết sức để Ly có được cơ hội đó. Và GS Douglas Robinson, ĐH Johns Hopkin mà Ly đang theo học - người sáng lập ra chương trình SARE - là người truyền cảm hứng cho Ly thấy được giáo dục có thể giúp một phần cải thiện xã hội như thế nào. Bác cũng cho Ly thấy được là người đi trước, người may mắn hơn nên có trách nhiệm với lớp trẻ đi sau, thiếu may mắn hơn”, Sao Ly chia sẻ.    

Sinh ra trong gia đình luôn được bố mẹ, anh chị ủng hộ phát triển giáo dục toàn diện nhưng Ly vẫn biết đến xung quanh vẫn còn nhiều hoàn cảnh đáng tiếc, đặc biệt là những học sinh ham học, có tố chất nhưng vì hoàn cảnh còn khó khăn nên chưa phát triển được.    

Sao Ly cho biết: “GS Douglas Robinson tin tưởng tất cả các vấn đề xã hội như thất nghiệp, thất học, tệ nạn,... ở độ tuổi thanh thiếu niên đều có thể được giải quyết khi các vấn đề giáo dục được cải thiện. Trong khi, ĐH ĐH Johns Hopkins nằm ở một thành phố nghèo nhất nước Mỹ với nhiều vấn đề tệ nạn. Từ thực tế và mong muốn, GS Douglas Robinson đã thành công chương trình SARE tại thành phố Baltimore trong 10 năm qua. Biết tới mô hình này và tham gia trong vai trò hướng dẫn trong hai năm gần đây, Ly thấy được tính nhân văn của chương trình này rất cao và rất hiệu quả, ít nhất là ở trong thành phố này. Nên Ly cũng thấy rằng có thể Việt Nam cần hỗ trợ khi vẫn chưa phải là một nước tiên tiến về giáo dục”.    

Mong muốn được góp sức cho Việt Nam    

Cuối tháng 11/2019, Sao Ly về Việt Nam tham gia chương trình Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 với mong muốn được giới thiệu mô hình SARE đến các chương trình trung học tại Việt Nam.    

Chú thích ảnh
Nguyễn Thị Sao Ly trình bày chương trình SARE muốn áp dụng tại Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Chương trình SARE là chương trình khuyến học nhằm đào tạo khoa học và hướng nghiệp. Chương trình chủ yếu nhắm đến các em học sinh có gia cảnh khó khăn và tạo điều kiện cho các em được học tập trong môi trường chất lượng cao, được tham gia thực nghiệm trực tiếp trên  phòng thí nghiệm với những nghiên cứu sinh và nhà khoa học ở các trường đại học. Các em cũng được trả lương khi tham gia hỗ trợ cho công trình nghiên cứu để phần nào trang trải cuộc sống.    

Sao Ly muốn đưa chương trình này về Việt Nam với hy vọng có thể giúp được một phần nào để giúp các em học sinh còn khó khăn được hướng nghiệp sớm và cải thiện kiến thức khoa học của mình ngay từ cấp 3.    

“Chương trình Sao Ly muốn áp dụng tại Việt Nam là 1 phần trong hệ 4 phần từ tiểu học cho đến bậc sau đại học của Chương trình SARE được sáng lập bởi GS Douglas Robinson. Ly chỉ có ý tưởng mang chương trình này về áp dụng tại Việt Nam thôi. Vì thế, khi có cơ hội được tham gia SARE và nhận thấy sự phù hợp của chương trình, Sao Ly muốn mang về nước những ý tưởng hay mà đã học được từ nước bạn”,  Sao Ly nhấn mạnh.    

Sao Ly cho rằng muốn mang những dự án, những mô hình hay về nước không có nghĩa là cái gì ở nước ngoài cũng tốt và cái gì ở Việt Nam cũng chưa tốt. “Được trải nghiệm giáo dục ở cả 2 nước, Ly chỉ đơn giản nghĩ có những dự án, chương trình gì hay, bổ ích và hợp lí và ở nước mình còn chưa có thì mình muốn mang về. Giáo dục ở đâu cũng vẫn sẽ còn những thiết sót và Ly hy vọng một phần nào đó mình sẽ giúp cải thiện cho những thiết sót này”, Sao Ly chia sẻ.    
Sao Ly đang trong giai đoạn hoàn thành chi tiết dự án để bắt đầu mở rộng kết nối, hợp tác với mọi người trong ngành giáo dục, đặc biệt là các trường đại học có phòng nghiên cứu y sinh và các hội khuyến học, nhà hảo tâm.    

Khẳng định Diễn đàn Tri thức trẻ toàn cầu vừa rồi là một cơ hội lớn để Ly được trình bày, thảo luận, lắng nghe góp ý và nhận xét để ý tưởng trở thành một cái gì đó thật hơn.    

Nói về hướng đi của mình, Sao Ly chia sẻ: Hiện tại,  tôimuốn tập trung hoàn thành luận án tiến sĩ thật tốt và hy vọng sẽ có một số bài báo khoa học trước khi tốt nghiệp. Đồng thời, Ly vọng dự án SARE dự định triển khai vào hè 2020 này sẽ là bước đệm tới những cơ hội lớn hơn nữa trong tương lai. Phát triển sự nghiệp tại Việt Nam chắc chắn đó là một trong những lựa chọn. Nếu trong tương lai có nhiều cơ hội và dự án để Ly phát triển khả năng mình tại Việt Nam thì chắc chắn Ly sẽ rất muốn về để ở cạnh gia đình và để đóng góp cho quê hương mình.

Lê Vân/ Báo Tin tức
GS trẻ nhất Việt Nam: Hãy hết mình với đam mê
GS trẻ nhất Việt Nam: Hãy hết mình với đam mê

Giáo sư - Tiến sĩ Sĩ Đức Quang (Khoa Toán - Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội) là một trong hai người được công nhận Giáo sư trẻ nhất năm 2019 khi anh mới 38 tuổi, là người thành danh nhờ con đường tự học, vượt lên hoàn cảnh để kiên trì theo đuổi đam mê khoa học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN