Chuẩn bị đón năm học mới 2012- 2013 ngành giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) đã có những đánh giá về thành tựu năm học 2011- 2012. Điều đáng ghi nhận là công tác chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ được duy trì ổn định và có những bước chuyển biến tích cực.
Mở trang mới cho Giáo dục mầm non
Một thành tựu dễ nhận thấy nhất trong năm học 2011 - 2012 là bậc học mầm non có bước phát triển mạnh mẽ. Mới đây nhất vào tháng 6/2012, tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình đã trở thành 2 địa phương đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Lễ công bố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non tại Bắc Ninh. |
Trong điều kiện vô cùng thiếu thốn: Thiếu trường lớp (21.058 phòng học), thiếu giáo viên (22.800), thiếu thiết bị dạy học, thiếu kinh phí và nhận thức về GDMN của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa đầy đủ thì việc ngành giáo dục đặt quyết tâm thực hiện thêm một nhiệm vụ mới so với trước đây là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi thật đáng trân trọng.
Đến nay, cả nước đã có hơn 42% số xã được các tỉnh công nhận đạt mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Có gần 3.500 trường bán công chuyển sang công lập; tăng thêm 610 trường mầm non; trên 34.000 giáo viên được tuyển dụng vào biên chế và 111.000 giáo viên đã được hưởng lương theo thang bậc và tăng lương theo định kỳ; thêm 160.000 trẻ được đi học. Nhiều trẻ em đã được hưởng chính sách của Nhà nước. Các tỉnh, thành phố đều quyết tâm hoàn thành các mục tiêu Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo lộ trình đã đặt ra.
Đảm bảo công bằng và chăm lo tốt hơn cho học sinh dân tộc
Cùng với giáo dục mầm non, năm học vừa qua đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về việc đảm bảo sự công bằng và chăm lo tốt hơn cho học sinh vùng dân tộc khó khăn. Người đứng đầu ngành giáo dục ngay từ khi mới nhận nhiệm vụ đã chọn các địa bàn có đông học sinh dân tộc và khó khăn nhất cả nước là: Điện Biên, Tây Nguyên,... là nơi đầu tiên đi khảo sát. Hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục dân tộc tiếp tục được hoàn thiện, có ý nghĩa như một sợi dây bảo hiểm đảm bảo cho trẻ em thiệt thòi được theo kịp các trẻ em vùng thuận lợi. Đó là chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh DTTS đi học, đảm bảo sĩ số, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm học sinh dân tộc thiểu số. |
Năm học 2011 - 2012, hệ thống trường PTDTNT tiếp tục được củng cố và phát triển về quy mô, mạng lưới. Trường PTDTNT được thành lập ở 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 294 trường, bao gồm: 3 trường trực thuộc Bộ GDĐT, 50 trường cấp tỉnh, 241 trường cấp huyện; với quy mô 80.832 học sinh PTDTNT được hưởng học bổng chính sách, trong đó có 52.220 HS cấp THCS và 28.612 HS cấp THPT. Các trường PTDTNT đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông. Sáng tổ chức dạy học theo chương trình của Bộ ban hành, buổi chiều tổ chức dạy học các môn tự chọn, chủ đề tự chọn, giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông, giáo dục quốc phòng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Nhìn chung, chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo của các trường PTDTNT ngày càng được nâng cao, giáo dục đạo đức, giáo dục toàn diện học sinh dân tộc được đẩy mạnh.
Đặc biệt năm học 2011 - 2012 là năm đầu tiên ngành giáo dục áp dụng chính sách xét tuyển thẳng vào đại học cho học sinh tốt nghiệp THPT ở 61 huyện nghèo nhất cả nước. Sự quan tâm và chú ý tới học sinh dân tộc đã mang lại những thành quả bước đầu 50% học sinh các trường PTDTNT đỗ vào đại học, cao đẳng. Tại một số tỉnh, chất lượng giáo dục các trường PTDTNT chỉ đứng sau trường THPT chuyên của tỉnh (Tuyên Quang, Lào Cai, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An,…).
Năm học bội thu các giải thưởng quốc tế
Dấu ấn rõ rệt nhất của năm học 2011 - 2012 là hàng loạt giải thưởng quốc tế đã được học sinh Việt Nam "rinh" về cho đất nước. Học sinh giỏi (HSG) Việt Nam tham dự kì thi Olympic châu Á và quốc tế các môn toán, lý, hóa, sinh đã đoạt được 29 huy chương (HC); trong đó có 7 HC Vàng, 12 HC Bạc, 10 HC Đồng. Tất cả các em dự thi các môn đều đoạt huy chương, đặc biệt đây là lần đầu tiên đoàn Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi thế giới về nghiên cứu khoa học kỹ thuật (Intel ISEF). Đội tuyển toán đã quay trở lại đứng trong tốp 10 nước mạnh nhất thế giới. Không kém cạnh, đội tuyển vật lý đã ghi dấu ấn sâu đậm với 2 HCV thuộc về hai học sinh của Hà Nam và Sơn La, những địa phương chưa từng có tên trong bảng vàng thành tích thi Olympic thế giới của Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ GD& ĐT cùng 4 học sinh đoạt huy chương tại cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế 2012. Ảnh: Bích Ngọc – TTXVN |
Kết quả này ghi nhận sự đổi mới trong việc cải tiến phương pháp tuyển chọn và bồi dưỡng tài năng và cũng cho thấy giáo dục Việt Nam đã có tâm thế chủ động hơn khi hội nhập quốc tế. Trong khâu thi chọn HSG, Bộ đã chú ý cải tiến tăng về mặt thời gian và nội dung thi. Cụ thể, đối với những môn khoa học tự nhiên, đã bố trí thi 2 buổi; thời gian của mỗi buổi thi đã tăng lên so với trước đây để gần giống với thời gian thi của các kì thi quốc tế. Do vậy, HS vừa được rèn luyện kĩ năng, nghiệp vụ cũng như được thử thách về mặt sức khỏe, tinh thần, làm quen với cường độ, thời gian và áp lực của những kì thi quốc tế.
Đối với các môn thi thực nghiệm như vật lý, hóa học, sinh học, Bộ đã tăng cường những câu hỏi phần thực hành trong kì thi chọn HSG quốc gia. Sau đó, các em được học thực hành tại các trung tâm bồi dưỡng HSG của Bộ để tham gia thi chọn HSG cho các đội tuyển tham dự các kì thi quốc tế.
Hướng tới một nền giáo dục có trách nhiệm hơn
Tiếp tục lộ trình đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng hiệu quả và thiết thực, năm học 2011 - 2012 đánh dấu hàng loạt các nỗ lực của ngành giáo dục từ Trung ương tới cơ sở nhằm đảm bảo kỷ cương trong nhà trường.
Nếu như vài năm trước, nhận xét “buông lỏng” quản lý giáo dục xuất hiện khá phổ biển thì nay đã bớt đi rất nhiều. Có được nỗ lực đó là do ngành giáo dục đã thực hiện sự phân cấp quản lý mạnh mẽ hơn theo hướng: Việc gì cấp dưới làm được thì cấp trên không làm thay. Phân cấp cũng đồng nghĩa với phân định trách nhiệm rõ hơn.
Chính nhờ vậy mà các vụ việc “nóng” phát sinh nhanh chóng được quy trách nhiệm và xử lý. Tiêu biểu như vụ tiêu cực trong thi cử tại trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang. Mặc dù Bộ không trực tiếp xử lý nhưng với sự chỉ đạo kiên quyết và sự phân cấp mạnh nên ngay sau đó cán bộ quản lý và giáo viên của trường xảy ra tiêu cực đã bị cách chức. Đây là một điển hình về việc xử lý nhanh và triệt để các vi phạm quy chế thi so với các vụ tiêu cực tương tự ở các địa phương khác, diễn ra thời gian trước.
Với các chuyển biến tích cực nêu trên ở tất cả các bậc học, các vùng miền trong năm học 2011 - 2012, hy vọng thời gian tới, theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định, nền giáo dục nước ta sẽ thực sự có bước chuyển mạnh mẽ từ phát triển quy mô sang nâng cao chất lượng.
Hoàng Hoa