Nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến

Ngày 5/11, Đoàn giám sát do bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về triển khai công tác dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022.

Chú thích ảnh
Năm học 2021-2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 232.000 học sinh phổ thông tham gia học trực tuyến. Ảnh: Ngọc Sơn/TTXVN

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Giáo dục đã thực hiện việc dạy và học theo hình thức trực tuyến (trừ huyện Côn Đảo học trực tiếp), bắt đầu từ ngày 6/9 đối với khối Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và từ 20/9 đối với khối Tiểu học.

Năm học 2021-2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 232.000 học sinh phổ thông tham gia học trực tuyến. Tỷ lệ học sinh Tiểu học tham gia học trực tuyến khoảng 99,1%; Trung học Cơ sở đạt 99%; Trung học Phổ thông đạt trên 99,5%. Qua đó cho thấy vẫn còn một số lượng học sinh không tham gia học trực tuyến. Lý do như một số địa phương báo cáo là có phụ huynh lo cho sức khỏe của học sinh nên hạn chế cho con tham gia học trực tuyến, không phải do khó khăn về thiết bị hay đường truyền. Đây là khó khăn của ngành trong việc huy động học sinh tham gia học trực tuyến.

Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập huấn giáo viên, nắm bắt tình hình của học sinh để tổ chức dạy, học trực tuyến. Đa số giáo viên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện dạy học trực tuyến bằng một số ứng dụng như: Google Meet, LMS, MS Teams. Các học sinh cũng đã thích ứng được với cách học tập mới, rèn luyện kỹ năng học tập và hệ thống kiến thức qua các bài ôn tập, các tiết dạy bài mới.

Với sự hỗ trợ, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp cũng như nhiều cá nhân, cán bộ công chức và sự quyết liệt trong chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh thì đến 20/10 tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh đều có thiết bị đáp ứng cho việc học trực tuyến. Ngành Giáo dục nhận định, công tác tổ chức dạy, học trực tuyến bước đầu đã nhận được sự đồng tình của xã hội, phụ huynh và các học sinh. Phụ huynh học sinh đã quan tâm, hỗ trợ kịp thời khi con em tham gia học trực tuyến.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, việc học trực tiếp vẫn tốt hơn cho học sinh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh thì phương pháp dạy học trực tuyến là phù hợp nhất vào thời điểm này. Học trực tuyến tại nhà vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh vừa đảm bảo học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức trong năm học 2021 - 2022.

Qua thời gian thực hiện việc dạy, học trực tuyến, bà Trần Thị Ngọc Châu đánh giá, cán bộ quản lý và giáo viên ở các cấp, các trường đã chủ động bắt tay vào xây dựng thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy phù hợp nhất đối với học sinh ở mỗi cấp học. Trước đó, do khâu chuẩn bị tốt nên chất lượng dạy, học đã và đang được nâng cao, các học sinh dần quen với việc học trực tuyến. Việc tiếp cận công nghệ của giáo viên được nâng cao, phương thức soạn, giảng trực tuyến của giáo viên ngày càng cải thiện. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục vẫn tiếp tục duy trì hình thức dạy, học trực tuyến. Hiện nay, việc kiểm tra đánh giá định kỳ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều thay đổi. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ chỉ là một phần trong việc đánh giá kết quả học tập của các em. Do đó, Sở đã chuẩn bị các phần mềm để các giáo viên tổ chức đánh giá định kỳ trực tuyến; cố gắng kiểm soát tốt để việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến đánh giá đúng năng lực của học sinh, hỗ trợ các em hoàn thiện kiến thức trong thời gian học trực tuyến.

Tuy nhiên, công tác dạy và học trực tuyến vẫn còn gặp một số khó khăn: học sinh cấp Tiểu học còn nhỏ tuổi (nhất là lớp 1, 2), nhiều em chưa thể tự mình tham gia học, cần có sự hỗ trợ của người lớn; khả năng tập trung còn hạn chế khiến hiệu quả của tiết học chưa cao. Các tiết học trực tuyến hạn chế tương tác giữa giáo viên và học sinh, hoạt động trao đổi nhóm. Chất lượng của đường truyền Internet không ổn định nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy - học…

Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số bộ, ngành liên quan có quy định thống nhất về thời lượng tiết học trực tuyến cho từng cấp học để bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Sớm hướng dẫn quy đổi tiết dạy trực tiếp với tiết dạy trực tuyến trong việc tính tiết vượt trội cho giáo viên. Bố trí nguồn lực cho việc đầu tư hạ tầng thông tin, viễn thông với mục tiêu phủ sóng và bảo đảm chất lượng ổn định đường truyền điện thoại và Internet trên toàn tỉnh; tìm giải pháp, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại một số địa phương; quan tâm, ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho giáo viên và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho học sinh; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; có các chính sách hỗ trợ tín dụng với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị các địa phương, ngành Giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học bằng hình thức trực tuyến, nhất là đối với cấp Tiểu học; quan tâm, hỗ trợ các học sinh khuyết tật hoặc có hạn chế về năng lực; có phương án hỗ trợ đối với các học sinh không thể tham gia học trực tuyến; có giải pháp thực hiện đối với các học sinh và giáo viên đang ngoài tỉnh; có hướng tổ chức dạy, học đối với cấp học Mầm non trong thời gian tới; nâng cao chất lượng đường truyền để phục vụ cho công tác dạy, học trực tuyến...

Huỳnh Sơn (TTXVN)
Kinh nghiệm cải thiện phương pháp dạy học trực tuyến trong đại dịch ở Trung Quốc
Kinh nghiệm cải thiện phương pháp dạy học trực tuyến trong đại dịch ở Trung Quốc

Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều khu vực của Trung Quốc, bao gồm thủ đô Bắc Kinh, Ninh Hạ và khu tự trị Nội Mông, các nhà chức trách giáo dục nước này đã yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cho học sinh tạm dừng đến trường và mở các lớp học trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN