Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một chương trình giáo dục tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo mục tiêu giáo dục mới.
Việc biên soạn sách giáo khoa được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, với nhiều bộ sách khác nhau. Bên cạnh những mặt tích cực, dư luận cũng “dậy sóng” về những tồn tại đang hiện hữu của chương trình và sách giáo khoa mới.
Xóa bỏ độc quyền, thổi “làn gió mới” vào dạy và học
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức đây là một nhiệm vụ quan trọng, trong đó, đặc biệt là việc thực hiện thống nhất cả nước dùng một chương trình và mỗi một môn học có một số sách giáo khoa. Để triển khai chương trình mới đối với lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt, cho phép sử dụng 46 sách giáo khoa thuộc 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của 3 nhà xuất bản. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa đã tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh lựa chọn và khắc phục tình trạng độc quyền sách giáo khoa như trước đây.
Sau một học kỳ triển khai, chương trình, sách giáo khoa mới đã bước đầu “thổi làn gió” tích cực vào công tác dạy - học của các nhà trường. Những tiết học của học sinh lớp 1 trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động giáo dục được thầy cô tổ chức nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, quan trọng hơn là để các em được tự tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh tri thức; từ đó hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết.
Nhiều giáo viên cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông mới giao quyền chủ động chuyên môn cho giáo viên, các nhà trường, giúp thầy cô được chủ động, sáng tạo xây dựng và tổ chức bài dạy sao cho hiệu quả, phù hợp với đối tượng học sinh. Sự “cởi trói” về chuyên môn này được giáo viên, các nhà trường đón nhận tích cực và từng bước thực hiện hiệu quả.
Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), chia sẻ: Đối với các thầy cô Trường Tiểu học Kim Ngọc, khi bắt đầu tiếp cận với chương trình mới cũng có tâm lý e ngại. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn, tạo điều kiện, động lực để thay đổi, các giáo viên đã sẵn sàng cho việc đổi mới với tâm thế thoải mái, vướng ở đâu thì giải quyết ở đó.
Từ thực tế cơ sở, sau thời gian học sinh, phụ huynh và giáo viên được tiếp cận với sách giáo khoa mới, các thầy cô quản lý ở Trường Tiểu học Kim Ngọc thấy rằng, điểm mạnh chung về hình thức là kênh hình, kênh chữ được sắp xếp rất khoa học, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 1; trình bày bắt mắt, cuốn hút. Đây là những điểm đầu tiên tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập.
Về nội dung, các bài học được sắp xếp theo từng chủ đề, có những gợi ý tạo thuận lợi cho giáo viên tổ chức hoạt động dạy học và định hướng phát triển phẩm chất năng lực, hoạt động nào thì năng lực ấy. Một điểm đặc điểm nữa là về sách điện tử, sách rất thuận lợi cho giáo viên giảng dạy trên lớp, từ việc chuẩn bị bài đến thực thi dạy học. Trong các bài học thường có hoạt động giúp học sinh hoạt động. Đây cũng là công cụ giúp giáo viên biến mỗi tiết học thành một tiết học vui cho học sinh.
Trên cương vị là giáo viên, cô Đinh Duyên Thịnh (Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long, Hà Nội) cho rằng đổi mới và không ngừng sáng tạo là một trong những đặc thù của nghề giáo. Chương trình mới giúp chúng tôi tạo ra những bài giảng gần gũi hơn với học sinh, giúp các em hứng thú hơn trong mỗi tiết học. Sau một học kỳ, cô và trò đã có những thay đổi rất cụ thể. Học sinh có ý thức hơn trong việc học, biết chuẩn bị bài học, ý thức hơn để tự hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm đầu tiên này, những khó khăn gặp phải là không thể tránh khỏi. Cùng với đó, đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nên cơ hội tập huấn cũng như đi thực tế của giáo viên cũng bị hạn chế, đa phần là tập huấn trực tuyến nên hiệu quả có phần bị giảm đi. Song, ở chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa chỉ còn là tài liệu dạy học; chương trình mới là "pháp lệnh" để giáo viên thực hiện theo. Không còn chuẩn đầu ra cho từng bài học trong sách giáo khoa. Giáo viên được trao quyền tự chủ về chuyên môn, thêm tự tin và không ngừng đổi mới, sáng tạo để truyền cảm hứng cho học trò.
Vừa làm - vừa sửa
Tuy nhiên, bên cạnh những phản hồi tích cực, chỉ sau vài tuần triển khai, chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới cũng vấp phải những ý kiến trái chiều từ phía dư luận, đặc biệt là môn Tiếng Việt. Theo đó, một số ý kiến đánh giá, chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 nặng. Lý giải về điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng một phần là do chương trình mới, với quan điểm học sinh đọc thông viết thạo sẽ học tốt hơn các môn học khác nên đã cơ cấu thời gian đầu của cấp tiểu học, học sinh học Tiếng Việt nhiều hơn. Bên cạnh đó, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình mới, với nhiều điểm mới nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 xảy ra, học sinh chưa có điều kiện làm quen và giáo viên tập huấn trực tuyến là chính, ít có thời gian tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Chưa dừng lại ở đó, dư luận lại xôn xao, với nhiều ý kiến gay gắt trên các diễn đàn về một số nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách “Cánh Diều” như: lựa chọn từ ngữ khó hiểu, vắng bóng những tác phẩm đặc sắc trong kho tàng văn học Việt Nam, sử dụng nhiều truyện ngụ ngôn nước ngoài…
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Hội đồng thẩm định, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả sách Tiếng Việt 1 của bộ “Cánh Diều” để rà soát, kiểm tra, kết luận cụ thể các nội dung liên quan. Tất cả các bên đều thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến để chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng đã đồng ý phê duyệt phương án điều chỉnh nội dung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ "Cánh Diều" và yêu cầu nhà xuất bản khẩn trương cung cấp tài liệu này đến cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh Tiểu học đang sử dụng sách.
Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát sách giáo khoa lớp 1. Theo đó, cả 4 bộ sách giáo khoa gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, đều phải chỉnh sửa nội dung, không chỉ với sách Tiếng Việt 1 mà nhiều môn khác cũng phải chỉnh sửa. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉnh sửa những lỗi sai trong các bản sách này trong lần tái bản các bản mẫu sách giáo khoa sắp tới để phục vụ năm học 2021-2022.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, đổi mới giáo dục là vấn đề được cả xã hội quan tâm, vì thế, đối với việc sách giáo khoa có "sạn", Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xử lý sớm, yêu cầu các tác giả, nhà xuất bản chỉnh sửa ngay, không thể để đến sang năm. Như thế sẽ thiệt thòi cho học sinh vì phải học những sản phẩm không hoàn chỉnh.
Trước những “lùm xùm” liên quan đến sách giáo khoa lớp 1, để quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa chặt chẽ, công bằng, minh bạch hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thực hiện những bước điều chỉnh trong công tác thẩm định. Cụ thể, nếu như trước đây, các nhà xuất bản phối hợp với tác giả chủ động tổ chức việc thực nghiệm thì tới đây sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước khi gửi lên bộ để thẩm định, các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng sách giáo khoa nhằm nâng cao chất lượng bản mẫu. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sau đó sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu tốt hơn.
Bộ cũng yêu cầu mở rộng đối tượng góp ý bản mẫu sách giáo khoa. Theo đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục tham gia góp ý các bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 thành 3 đợt, trước khi đưa vào giảng dạy. Với sự thận trọng, đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố các bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đạt thẩm định để đưa vào sử dụng trong năm học tới.
Có thể thấy, đổi mới giáo dục là hành trình chưa bao giờ dễ dàng, bởi đây là vấn đề liên quan đến từng người, từng nhà. Song hành cùng cơ hội, ngành giáo dục cần sẵn sàng tâm thế đối mặt với nhiều thách thức.
Trong cuộc chia sẻ với các thầy, cô giáo nhân dịp 20/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh: Nếu chúng ta cứ bị cuốn vào những điều chưa làm được hoặc những vấn đề mà dư luận chưa hài lòng thì sẽ không thể thực hiện được các nhiệm vụ lớn của sự nghiệp đổi mới. Chúng ta cần cố gắng có suy nghĩ, hành động tích cực. Cái gì chưa chuẩn thì cần phải chỉnh. Chúng ta phải kiên định, kiên trì, thậm chí là kiên nhẫn để thực hiện từng bước thì sự nghiệp đổi mới giáo dục chắc chắn thành công.