Năm 2024, Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh đại học chính quy theo 4 phương thức với hơn 6.000 chỉ tiêu.
Với phương thức 1, Trường Đại học Giao thông vận tải xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế.
Phương thức 2, trường tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội (mã GHA): Sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (theo học bạ trung học phổ thông) để xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có tổng điểm ba môn học trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên (ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ thông báo chi tiết sau), trong đó điểm của ba môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5.50 điểm.
Với thí sinh dùng tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh có thể sử dụng chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) thay thế cho điểm học bạ môn tiếng Anh và được quy đổi theo quy định của nhà trường.
Tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh (mã GSA): Sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông để xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh. Thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có tổng điểm ba môn học trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình học kỳ 1 lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên (ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ thông báo chi tiết sau), trong đó ba môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5.50 điểm.
Phương thức 3: Trường xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội và xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh.
Phương thức 4, trường xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) và tổng điểm hai môn học (môn Toán và 1 môn không phải Ngoại ngữ) trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 15.00 điểm trở lên, áp dụng với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội. Ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ thông báo chi tiết sau. Khi tính tổng điểm xét tuyển, sử dụng quy đổi điểm từ chứng chỉ Ielts theo quy định của trường.
Trường Đại học Dược Hà Nội dự kiến tuyển 940 sinh viên theo bốn phương thức năm 2024 và thông báo dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao.
Trường giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (phương thức 1); xét kết hợp học bạ THPT với chứng chỉ SAT, ACT (phương thức 2A) hoặc xét kết quả học tập đối với học sinh chuyên (phương thức 2B); dựa vào điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (phương thức 3) và điểm thi tốt nghiệp THPT (phương thức 4).
Với xét tuyển kết hợp học bạ THPT với bài thi chuẩn hóa quốc tế, thí sinh cần có điểm SAT 1350/1600 hoặc ACT 30/36 với ngành Dược; SAT tối thiểu 1300 và ACT 27 điểm với ngành khác. Đồng thời, thí sinh phải có học lực giỏi 3 năm, kết quả học tập lớp 10, 11, 12 của mỗi môn thuộc tổ hợp xét tuyển không dưới 8.
Ở phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội chỉ áp dụng cho ngành Dược học. Điều kiện cần là học sinh đạt trên 7 điểm ở môn Toán, Vật lý, Hoá học trong ba năm học. Điều kiện này cũng áp dụng với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với ngành Dược học và Hoá dược.
Ở mọi phương thức, trường sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào liên quan đến điểm thi tốt nghiệp THPT sau.
Trường Đại học Dược Hà Nội cộng điểm khuyến khích với các thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức 2B, 3 và 4 nếu có chứng chỉ IELTS từ 5.5 (cộng từ 0,25 đến 2 điểm) hoặc đạt giải ở kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh; giải khuyến khích cấp quốc gia (cộng 0,25 đến 1 điểm).
Năm 2024, Học viện Quân y tuyển sinh ngành y khoa hệ quân sự gồm 2 tổ hợp môn xét tuyển gồm: Toán-Lý-Hóa; Toán-Hóa-Sinh và y học dự phòng quân sự, tổ hợp môn xét tuyển là Toán-Hóa-Sinh. Đối tượng tuyển sinh là đối tượng thí sinh nam, nữ trong cả nước, qua sơ tuyển tại cơ quan quân sự địa phương, bảo đảm đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, phẩm chất chính trị, lý lịch rõ ràng, đủ điều kiện kết nạp vào Đảng theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học viện Quân y sẽ xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, tuyển học sinh giỏi (không quá 15% chỉ tiêu). Đối với thí sinh có kết quả học tập lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt giỏi, hạnh kiểm tốt, kết hợp với 1 trong các điều kiện: Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh/thành phố thuộc một các môn theo tổ hợp xét tuyển; chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 55 trở lên; kết quả thi đánh giá năng lực SAT từ 1.068/1600 điểm trở lên; kết quả thi đánh giá năng lực ACT từ 18/36 điểm trở lên. Quá trình học tập, các học viên được miễn học phí; được bảo đảm đầy đủ nơi ăn, ở, sinh hoạt, tài liệu học tập, quân tư trang cá nhân… Học viên được hưởng khoản tiền phụ cấp từ khoảng 800.000-1.500.000 đồng/người/tháng (tăng dần theo năm học, bấc bậc quân hàm).
Kết thúc học kỳ, năm học dựa vào kết quả học tập và rèn luyện được xét tặng học bổng của quỹ học bổng Vallet, IBS (10-20 triệu/suất học bổng). 100% học viên được Bộ Quốc phòng điều động, phân công công tác sau khi tốt nghiệp.