Cuối tháng 4 vừa qua, nhờ tham gia đoàn công tác "Tiến ra biển đảo quê hương" do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng dẫn đầu, tôi đã được tận mắt chứng kiến những hình ảnh về ngôi trường giữa đại dương, ngôi trường của tình thương và trách nhiệm.
Mỗi lần có khách đất liền ra là Trường Sa một lần có lễ hội. Từ đám trẻ nhỏ cho tới vị khách tóc muối tiêu, thậm chí cả vị Chuẩn đô đốc Hải quân dạn dày sóng gió cũng hồi hộp chờ thời khắc tiếng trống trường vang lên: Trường Sa khánh thành ngôi trường đầu tiên của huyện đảo sau gần 40 năm kể từ ngày giải phóng!
Những viên gạch hồng
Ngôi trường là kết quả của cuộc vận động “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” do quỹ học bổng Vừ A Dính phát động. 10,5 tỷ đồng là con số không nhỏ nhưng cũng không thể nói hết được tình cảm của đất liền gửi gắm ra khơi xa. "Đã có rất nhiều học sinh, trong đó có cả những em khuyết tật đã dành những đồng tiền ít ỏi của mình góp một viên gạch hồng xây trường cho các bạn nhỏ ở Trường Sa", nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính không giấu được sự xúc động cho hay.
Cắt băng khánh thành Trưởng Tiểu học Trường Sa (5/2013). |
Để có được ngôi trường ấy, còn có sự chung tay góp sức của rất nhiều con dân đất Việt, bất kể tôn giáo, bất kể giàu nghèo, từ những cán bộ cao cấp, doanh nhân, doanh nghiệp, đến bà con Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới, các nhà tu hành, những người dân lao động trên cả nước. Họ đóng góp không phải với tâm thế của một người làm từ thiện mà với trách nhiệm của mỗi người con với Tổ quốc mình. “Ngôi trường là tình cảm, là trách nhiệm đối với đất nước của tất cả những người con đất Việt đang ngày đêm hướng về Trường Sa thân yêu…" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng nói. Ông mong mỏi: Ngôi trường sẽ giúp các thầy cô giáo, các em học sinh trên đảo có thêm động lực để vượt qua khó khăn. Các cháu an tâm học tập, thầy cô cũng thấy ấm lòng khi nhận được sự chia sẻ những khó khăn từ đất liền. Với điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp học mới, các thầy, cô giáo và các em học sinh của đảo Trường Sa vượt qua khó khăn để “dạy tốt, học tốt”.
Mong ước của cô giáo
Vừa nghẹn ngào, mừng rỡ vì từ năm học mới, đám trò nhỏ sẽ có trường học mới, nhưng cô Bùi Thị Nhung không giấu nổi nỗi buồn. 5 năm, kể từ năm 2008, cô đã gắn bó với Trường Sa, đã chứng kiến không biết bao nỗi buồn ngày chia tay “lũ chim non” khi chúng học xong Tiểu học phải vào đất liền để học tiếp lên THCS. Và lần này đến lượt cô. Sau 5 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Trường Sa, cô phải thuyên chuyển trở về đất liền.
Năm học mới sắp tới, đảo lại chào đón những học sinh mới là con em của các hộ dân mới ra đảo định cư. Rồi chúng sẽ có các thầy cô giáo mới nhưng sau nhiều năm gắn bó với đảo, trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả bám trường bám lớp, yêu thương học sinh như con; cô sẽ không còn được đứng trên bục giảng của ngôi trường thân thương này.
"Nếu phải thuyên chuyển về đất liền, tôi sẽ không được tiếp tục phát huy kinh nghiệm, đóng góp cho giáo dục nơi đây nữa" cô Nhung chia sẻ. Vì vậy, sau khi bàn bạc, thuyết phục chồng, cô Nhung đã đề đạt nguyện vọng tiếp tục gắn bó với Trường Sa.
Trong hành trình “Tiến ra biển, đảo quê hương” có Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa Hoàng Thị Lý. Đem tâm tư của cô giáo Bùi Thị Nhung chia sẻ với bà Lý. Bà không giấu nổi sự tự hào: “Nhung là một giáo viên nhiệt huyết, tận tâm với nghề, hết lòng với học sinh trên đảo, được các em học sinh yêu quý. Tỉnh Khánh Hòa cũng đang xem xét nguyện vọng của cô giáo”.
Dạy và học theo mô hình trường học mới
Để khắc phục khó khăn đặc thù của các điểm trường trên các đảo, Sở GD&ĐT Khánh Hòa sẽ đưa mô hình trường học mới (VNEN) vào giảng dạy tại các điểm trường này. Chủ trương này của tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép triển khai. “Đây sẽ là điều lý tưởng cho việc dạy và học ở Trường Sa. Mô hình Trường học mới với các phương pháp giảng dạy rất phù hợp với các lớp ghép tại đảo, phù hợp với trình độ của các học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau trong lớp học” - bà Lý khẳng định.
Phó Giám đốc Hoàng Thị Lý tin tưởng không có trở ngại nào trong việc áp dụng mô hình mới này bởi mọi giáo viên dạy chương trình Tiểu học hiện nay đều có thể giảng dạy mô hình này. Mô hình là tập hợp các phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. Cái mới ở đây là cách thức tổ chức lớp học, khuyến khích học sinh tự học, học theo nhóm. Mô hình này áp dụng vào các lớp ghép trên đảo sẽ khuyến khích học sinh phát huy tính chủ động trong học tập, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở cho học sinh. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang tuyển giáo viên, sau đó sẽ tiến hành tập huấn phương pháp và kĩ năng dạy học theo VNEN để dạy học tại các đảo. Đây sẽ là luồng sinh khí mới thổi vào các lớp học ghép ở Trường Sa.
Hy vọng, đây sẽ là luồng sinh khí mới thổi vào các lớp học ghép ở Trường Sa, các em được tiếp cận với phương pháp dạy học mới giúp phát triển tư duy, tài năng những công dân tương lai của biển đảo. Người dân trên đảo an tâm hơn trong lao động, sản xuất, bám biển, gắn bó xây dựng huyện đảo Trường Sa góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.
Nguyễn Bá Hải
Kịp thời cấp cứu ngư dân Ngày 19/8 vừa qua, ngư dân Nguyễn Văn Trực, 38 tuổi ở xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đang chuyển cá sang tàu thu mua ở khu vực biển cách đảo Song Tử Tây khoảng 60 hải lý thì gặp tai nạn bị chấn thương cột sống. Ngư dân Trực đã được đưa vào đảo Song Tử Tây cấp cứu. Sau khi đưa vào đảo điều trị, tình trạng của ngư dân bị nạn vẫn có chiều hướng xấu. Lúc 16 giờ 40 phút ngày 20/8, ngư dân bị nạn đã bị liệt nửa người dưới, sốt nhẹ, bụng chướng và không tiểu tiện được, các bác sĩ trên đảo Song Tử Tây yêu cầu đưa ngư dân bị nạn về bờ điều trị. Thanh Tùng Hội thao huấn luyện tàu, xe năm 2013 Nhằm đánh giá thực chất kết quả huấn luyện, Vùng 5 Hải quân đã chỉ đạo Lữ đoàn 127, Tiểu đoàn 557 tổ chức hội thao huấn luyện tàu, xe năm 2013. Tham dự hội thao huấn luyện chuyên ngành tàu có 16 tàu cùng 168 đồng chí, huấn luyện chuyên ngành xe có 42 đồng chí. Các đơn vị đã tham gia tranh tài trên 5 nội dung: Kiểm tra nhận thức chính trị; hội thao các chuyên ngành tàu, xe; chuyên ngành hậu cần; chuyên ngành kỹ thuật; hội thao điều lệnh, thể dục thể thao. Kết quả 100% các nội dung hội thao đạt yêu cầu; trên 85% khá, giỏi. Đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ tham gia hội thao cọ xát, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và thể hiện trình độ, bản lĩnh của mình trong học tập, công tác. Đây cũng là dịp để đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 127 và Tiểu đoàn 557, Vùng 5 Hải quân về huấn luyện, vận hành máy móc, vũ khí trang bị của tàu, thuyền và các loại xe tăng, xe thiết giáp. Hoàng Quốc Hùng Trưng bày chuyên đề về biển đảo Tại thành phố Hải Dương, Bảo tàng tỉnh Hải Dương phối hợp với Bảo tàng Hải quân khai mạc trưng bày chuyên đề “Biển, đảo và người chiến sỹ Hải quân; Hải Dương với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc". Với 40 pa-nô, 175 ảnh tư liệu, 2 bản đồ, 14 bản thống kê thành tích và video trình chiếu về truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam, chủ đề "Biển, đảo và người chiến sỹ Hải quân" gồm 3 phần: Giới thiệu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển Việt Nam với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh đất nước; giới thiệu về truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam; xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. Phương Thúy |