Miệt mài gắn bó với học sinh xã đảo

Những ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo của học sinh xã đảo Hưng Phong đã tiếp thêm động lực để cô giáo Nguyễn Thị Dạ Thảo, Trường Tiểu học Hưng Phong, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vượt qua mọi khó khăn, thực hiện nhiệm vụ.

Chú thích ảnh
Cô giáo Nguyễn Thị Dạ Thảo trên bục giảng. 

Bén duyên với môi trường sư phạm từ năm 17 tuổi, cô Nguyễn Thị Dạ Thảo đã có gần 35 năm công tác trong ngành Giáo dục. Khi mới 17 tuổi, chuẩn bị vào học lớp 12, Trường Bồi dưỡng giáo dục huyện Giồng Trôm có nhu cầu tuyển người đi học khóa học cấp tốc để làm thư ký (tương tự như cán bộ văn thư), cô đã nghỉ học để tham gia do gia đình khó khăn. Học xong khóa học cấp tốc, đầu tháng 11/1986, cô Dạ Thảo được nhận vào làm thư ký tại Trường Trung học Cơ sở Tân Thanh (huyện Giồng Trôm). Sau một năm làm thư ký, cô được đứng lớp dạy học lớp 4 và lớp 5 tại Trường Trung học Cơ sở Tân Thanh. Không ngờ ước mơ từ nhỏ của bản thân là được làm cô giáo đứng trên bục giảng đã trở thành hiện thực.

Để có thêm kiến thức giảng dạy, cô Dạ Thảo tham gia các khóa đào tạo sư phạm, học bổ túc lấy bằng cấp 3 và sau đó học lên đại học. Khi tham gia học các lớp bồi dưỡng, cô Dạ Thảo quen chồng cũng là giáo viên và theo chồng về xứ cù lao công tác. Thấm thoắt, vợ chồng cô Dạ Thảo đã dạy tại ngôi trường này hơn 14 năm.

Dịch COVID-19 bùng phát, ngành Giáo dục Bến Tre chủ trương chuyển qua dạy học online, hầu như cô không có thời gian ngơi nghỉ. Cô luôn tìm kiếm thông tin trên mạng để học hỏi, ứng dụng cách dạy học trực tuyến hiệu quả nhất. Cô Dạ Thảo cho hay, tuy đã lớn tuổi nhưng cô vẫn mày mò học hỏi trên mạng để thích ứng. Một mặt giáo viên phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng, mặt khác phải vận động, hướng dẫn phụ huynh áp dụng học theo hình thức mới này.

Cô Dạ Thảo cho biết, do vùng xã đảo còn nhiều khó khăn, phụ huynh học sinh phải đi làm nên ít quan tâm, tiếp cập cách học mới. Do đó, cô Dạ Thảo phải đến từng nhà để cài ứng dụng học trực tuyến, hướng dẫn phụ huynh thực hiện. Có học sinh nhà nghèo, ba mẹ làm ăn xa, ông bà lớn tuổi, cô trực trực tiếp dạy cho hai em tại trường...

Ngoài ra, một số gia đình hai, ba anh em cùng học online nhưng chỉ có một máy nên cô phải chia ra dạy nhiều khung giờ khác nhau để học sinh nếu không học được khung giờ này có thể học khung giờ khác thay vì mỗi ngày chỉ cần dạy khoảng 2 tiếng là hoàn thành nhiệm vụ. Hình ảnh cô Dạ Thảo đến từng nhà vận động các em đi học trở lại, chạy xe chở học sinh đi học rồi chở về hàng ngày đã trở nên quen thuộc với người dân xã đảo.

Chú thích ảnh
Cô Nguyễn Thị Dạ Thảo nghiên cứu phương pháp dạy trực tuyến cho học sinh.

Cô Thảo cho biết, hầu hết học sinh ở xã đảo này đều thuộc gia đình khó khăn, ba mẹ đi làm ăn xa các em phải sống với ông bà. Các em còn thiếu thốn về mọi mặt như thiếu dụng cụ học tập, không có phương tiện giao thông phục vụ, việc đi lại gặp khó khăn do đường sá hư hỏng nhiều...

Trưởng Phòng Giáo dục huyện Giồng Trôm Trần Thị Ngọc Trinh cho biết, cô Dạ Thảo có 35 năm gắn bó, luôn tận tụy với công việc trồng người. Cô luôn hỗ trợ các hoạt động của nhà trường, luôn tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm quý báu và truyền tải đến cho nhà trường cũng như đồng nghiệp nhân rộng. Cô Thảo là giáo viên có năng lực rất tốt với bề dày kinh nghiệm, dù công tác ở xã đảo khó khăn nhưng cô cùng đồng nghiệp luôn vượt qua, yêu nghề mến trẻ.

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình dịch diễn biến phức tạp, cô luôn sát cánh cùng với nhà trường, hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên dạy học trực tuyến, từng bài giảng, từng thao tác hướng dẫn học sinh, cô đều đồng hành với ban giám hiệu, giáo viên. Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, cô luôn quan tâm tốt chất lượng soạn giảng của từng giáo viên, chất lượng học tập của từng học sinh, nắm bắt những hạn chế của giáo viên để có biện pháp hỗ trợ. Cô mạnh dạn đưa ra các chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong tình hình hiện nay. Cô Dạ Thảo luôn là tấm gương sáng để thầy cô noi theo.

Với những nỗ lực và cố gắng trong gần 35 năm công tác, cống hiến cho ngành Giáo dục, cô Dạ Thảo đã vinh dự đạt được những thành tích cao: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, nhận được Bằng khen cấp tỉnh, cấp Bộ và của Thủ tướng Chính phủ...

Cô Dạ Thảo chia sẻ, đã chọn nghề giáo là phải cống hiến, phải cháy hết mình để xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo Ưu tú được Nhà nước trao tặng, xứng đáng với tin tưởng của phụ huynh giao.

Ở tuổi 52 nhưng cô vẫn tràn đầy năng lượng, hừng hực lửa nghề. Cô luôn phấn đấu và cố gắng hơn nữa trong công tác giảng dạy, không ngừng học tập, rèn luyện, luôn tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ của mình; vững tay chèo để lái con đò tri thức được cập bến thành công.

Bài và ảnh: Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Nhà văn, nhà giáo Lê Phương Liên ra mắt sách đúng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Nhà văn, nhà giáo Lê Phương Liên ra mắt sách đúng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Tuyển tập truyện ngắn và tản văn “Câu hỏi trẻ thơ” của nhà văn, nhà giáo Lê Phương Liên ra mắt đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây cũng là dịp nhà giáo, nhà văn Lê Phương Liên kỉ niệm 50 năm ra đời truyện ngắn đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN