Lào Cai chủ động chống rét, phòng dịch COVID-19 cho học sinh vùng cao

Những ngày này, nhiệt độ trên địa bàn một số huyện vùng cao của Lào Cai xuống rất thấp, nhiều nơi dưới 10 độ C, xuất hiện băng giá, sương muối ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là học sinh các trường bán trú.

Bên cạnh việc thích ứng linh hoạt, phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo công tác dạy và học, tùy vào điều kiện thực tế, các trường học ở địa bàn vùng cao Lào Cai đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho học sinh và coi đây như giải pháp quan trọng để duy trì tỉ lệ học sinh tới lớp, chất lượng giáo dục không giảm.

Chú thích ảnh
Học sinh Trưởng tiểu học Thị xã Sa Pa uống nước nóng để đảm bảo sức khỏe trong giờ ra chơi. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Thích ứng linh hoạt trong dạy và học

Trường Tiểu học thị xã Sa Pa nằm trên địa bàn phường Sa Pa. Tính đến ngày 19/1, theo phân loại cấp độ dịch, địa bàn này thuộc cấp độ 3 (vùng cam); có 8 F0, 41 F1 là học sinh và giáo viên đã dừng đến trường từ ngày 30/12. Các học sinh là F1 đang học trực tuyến. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Pa, thầy Dương Xuân Chính cho biết, trường điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa bàn Sa Pa, trang bị cho giáo viên ở các lớp hệ thống mạng Internet và các thiết bị đảm bảo việc dạy học trực tuyến. Để phòng, chống dịch trong lớp học, các giáo viên chủ nhiệm đều có đầy đủ khẩu trang, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay. Hằng ngày, học sinh đến trường đều được giáo viên đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn. 

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa Nguyễn Trường Chinh cho biết, hiện nay trên địa bàn có 27 thầy cô và học sinh là F0, đều đã được sàng lọc và cách ly tại Bệnh viện dã chiến Sa Pa. Qua theo dõi, các giáo viên và học sinh sức khỏe đều tốt, có 7 trường hợp đã khỏi bệnh. Tỷ lệ giáo viên đã được tiêm vaccine phòng COVID mũi 2 và 3 của Sa Pa đạt 98%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi từ 12 đến 17 đã được tiêm chủng là hơn 92%. "Với tỷ lệ này, khi có ca mắc mới trong cộng đồng, trừ những lớp có F0 sẽ chuyển sang học trực tuyến, còn lại chúng tôi vẫn tiến hành dạy học bình thường", ông Nguyễn Trường Chinh nhấn mạnh.

Hiện nay, ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện Bát Xát đều có “Tổ an toàn COVID-19”. Các thành viên là hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, Tổng Phụ trách Đội, Ban đại diện cha mẹ học sinh và Trưởng thôn, bản..., thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Lù có trên 500 học sinh với gần 148 em bán trú (ăn ở và học tập tại trường 5 ngày/tuần, chỉ về nhà vào thứ Bảy và Chủ nhật). Hiện tại, trường đang tổ chức học trực tiếp trên lớp, duy trì 2 buổi/ngày, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 98% trở lên. Trong các giờ học, học sinh đều đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong thời gian bán trú tại trường, học sinh học tập theo thời khóa biểu và sinh hoạt theo nền nếp quy định, có giáo viên phụ trách nên bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19. Để bảo đảm an toàn, nhà trường lập “Tổ an toàn COVID” để phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương với Tổ phòng, chống dịch cộng đồng ở thôn, bản và cha mẹ học sinh, nhằm kiểm soát, phát hiện và thông báo kịp thời nguy cơ lây nhiễm, chủ động phòng ngừa dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Trưởng tiểu học Thị xã Sa pa sử dụng đèn sưởi ấm cho học sinh trong lớp học. Ảnh: Quốc Khánh/ TTXVN

Ngoài thực hiện "5K" theo quy định của Bộ Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đã chỉ đạo các trường học hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người ngoài lớp học; phân chia khung thời gian tới trường, tan trường khác nhau giữa các khối lớp để giảm tập trung đông người khu vực cổng trường, sân trường; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19, phương án tổ chức các hoạt động giáo dục theo từng cấp độ phù hợp với điều kiện thực tế, sẵn sàng chuyển trạng thái tổ chức các hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại.

Tăng cường phòng, chống rét

Thực hiện song song vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa giữ ấm cho học sinh, các trường học vùng cao của tỉnh Lào Cai chủ động lên các phương án dạy học linh hoạt, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh bằng cách bổ sung trang thiết bị phòng, chống rét trong học tập, sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Sa Pa vốn là "rốn rét" của Lào Cai và cả nước. Mùa Đông ở đây không chỉ khắc nghiệt với băng, tuyết sương mù mà còn vô cùng ẩm ướt gây nhiều bất lợi cho sinh hoạt và học tập của học sinh. Ngay từ khi bước vào mùa Đông, Trường Tiểu học thị xã Sa Pa đã lắp đặt hệ thống nước ấm dẫn vào toàn bộ 35 lớp học và khu vực sinh hoạt chung ở sân trường. Cửa phòng luôn đóng kín để tránh gió lùa. Mỗi lớp học được lắp đặt hệ thống điện 3 pha để đảm bảo an toàn lưới điện cho từ 2 đèn sưởi trở lên ở mỗi lớp, đảm bảo giữ ấm cho học sinh. Học sinh của trường hạn chế sinh hoạt ngoài trời và chỉ vận động nhẹ trong thời gian ngắn ở những khu vực có mái che trong điều kiện thời tiết phù hợp. 

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống rét cho học sinh trong mùa Đông năm nay, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết, đơn vị đã triển khai mua chăn, đệm, quạt sưởi điện cho học sinh mầm non, học sinh bán trú các trường với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Từ đầu mùa Đông, Phòng đã kêu gọi ủng hộ được 700 áo rét và 300 cặp lồng cơm cho học sinh bán trú.

Mới vào mùa Đông, trên địa bàn một số xã vùng cao của huyện Bát Xát đã xuất hiện những đợt rét đậm, gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập của các thầy, cô giáo và học sinh. Công tác phòng, chống rét cho 148 học sinh bán trú được Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Lù (huyện Bát Xát) được chuẩn bị sớm với việc huy động xã hội hóa và hỗ trợ của ngành được khoảng 200 bộ quần áo rét, 150 đệm, 150 chiếc gối và 200 chiếc chăn bổ sung để thay toàn bộ số đệm chăn chất lượng kém, đảm bảo mỗi giường học sinh có tối thiểu 2 chiếc chăn.

Theo Hiệu trưởng nhà trường, trường đặc biệt quan tâm vấn đề dinh dưỡng cho học sinh. Quá trình tổ chức nấu ăn đảm bảo cơm canh liên tục được gia nhiệt, nóng sốt, tăng cường khẩu phần ăn. Mặt khác, trường thường xuyên nhắc nhở các em mặc đủ ấm, không tổ chức các hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp; phối hợp với cán bộ y tế xã thực hiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại các trường, đảm bảo cho các em có sức khỏe tốt nhất để học tập. 

Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Lào Cai sẽ có thêm nhiều đợt rét đậm, rét hại. Có những nơi nền nhiệt độ xuống dưới mức 0 độ C, xuất hiện sương muối và băng tuyết. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thầy, cô giáo tại các trường học vùng cao đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, giúp các em vừa an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vừa yên tâm, vững bước tới trường giữa mùa Đông giá rét.

Hương Thu (TTXVN)
Gần 250 nghìn học sinh vùng cao Hà Giang phấn khởi tựu trường
Gần 250 nghìn học sinh vùng cao Hà Giang phấn khởi tựu trường

Sáng 23/8, gần 250 nghìn học sinh các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã bước vào ngày học chính thức đầu tiên của năm học mới 2021-2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN