Tại buổi đối thoại, sinh viên và giảng viên của nhà trường đã chia sẻ, đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến việc phát triển hệ thống y tế của tỉnh; phát triển du lịch khám chữa bệnh; thúc đẩy phát triển y học dự phòng; xây dựng cơ chế tăng cường ứng dụng các nghiên cứu khoa học trong y khoa vào thực tiễn; hỗ trợ cơ chế chính sách để phát triển trường và bệnh viện trường; hỗ trợ cơ chế xây dựng trung tâm mô phỏng y khoa và sát hạch năng lực y khoa; xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố đại học...
Sinh viên Nguyễn Quỳnh Như cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác phòng chống dịch COVID-19 đã và đang được tỉnh Thừa Thiên – Huế triển khai quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đã đạt được nhiều kết quả tốt, chưa có ca nhiễm trong cộng đồng. Trong hai đợt dịch vừa qua, sinh viên Trường Đai học Y Dược, Đại học Huế cũng đã tích cực tham gia vào việc phân luồng tại các chốt kiểm dịch, sẳn sàng tăng cường giúp sức cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bệnh khi tỉnh có yêu cầu. Hiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, địa phương đã xây dựng các kịch bản như thế nào để phòng chống dịch bệnh; từ đó nhà trường có kế hoạch tập huấn cho sinh viên tham gia công tác phòng chống dịch bệnh.
Sinh viên Nguyễn Minh Đạt chia sẻ: Tỉnh Thừa Thiên - Huế trên tiến trình xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó tập trung xây dựng và nâng cao năng lực các thiết chế y tế trên địa bàn để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Là sinh viên năm cuối, bản thân em và nhiều bạn mong muốn được cống hiến sức mình để xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế. Em mong, chính quyền địa phương, có cơ chế chính sách để tạo điều kiện việc làm cho sinh viên ra trường, đồng thời góp phần phát triển nền y tế địa phương.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ của sinh viên và giảng viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, việc phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế trong những năm tới có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng thanh niên, sinh viên, trong đó có sự đóng góp quan trọng của sinh viên Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế. Trường là một trong những trụ cột y tế của tỉnh nhà. Để góp phần xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế; có cơ chế, chính sách giữ chân những chuyên gia đầu ngành, cũng như đội ngũ y bác sỹ dày dặn kinh nghiệm, thu hút nhân tài; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, tránh hiện tượng chảy máu chất xám; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển y khoa.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị, nhà trường cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học; cập nhật những thành tựu y học hiện đại; trang bị hiện đại hệ thống thực hành tại bệnh viện trường; nhằm xây dựng thương hiệu cho trường để sinh viên khi ra trường luôn được các cơ sở y tế trong cả nước chào đón. Bên cạnh đó, Thừa Thiên – Huế là địa phương có tiềm năng, thế mạnh dược liệu, nhà trường cần tích cực hợp tác với ngành y tế địa phương để xây dựng nền Đông Y xứng tầm.
Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế là đơn vị phát triển mạnh mẽ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Đến nay, nhà trường đã đào tạo được hơn 20.000 cán bộ y tế trình độ đại học và hơn 10.000 cán bộ y tế trình độ sau đại học cho các tỉnh. Hiện toàn trường có 1.145 cán bộ, viên chức và người lao động; trong đó có 58 Giáo sư và Phó giáo sư, 127 Tiến sĩ. Nhà trường đang đào tạo 22 ngành và chuyên ngành trình độ đại học và 99 chuyên ngành sau đại học với quy mô khoảng 9.500 sinh viên, học viên. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành trong năm đầu tiên đạt từ 95-97%.
Hiện nay, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển mô hình Trường – Viện cấp quốc gia, hướng đến chuẩn quốc tế; thực hiện tự chủ đại học, đảm bảo tự chủ các khoản chi thường xuyên; không ngừng đổi mới đào tạo và kiểm định quốc tế.