Phân quyền rõ từ cấp Bộ tới địa phương
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nêu rõ các điểm mới của kỳ thi năm nay. Cụ thể, trong bối cảnh của dịch bệnh COVID-19, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và lùi ngày tổ chức muộn hơn các năm trước gần 2 tháng.
Kỳ thi được tổ chức với mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để đánh giá công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục và chất lượng dạy, học của trường phổ thông; Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Đề thi có nội dung nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch COVID-19; Bảo đảm mục đích của Kỳ thi, trong đó mức độ phân hóa của đề thi cũng được điều chỉnh phù hợp.
Theo Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020, học sinh học xong chương trình giáo dục phổ thông nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông”.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo và chịu trách nhiệm chung về kỳ thi; Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT và văn bản hướng dẫn tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT; Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức kỳ thi trên phạm vi toàn quốc; Xây dựng và cung cấp đề thi để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước; Xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức thi ở các địa phương bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan của kỳ thi.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức kỳ thi tại địa phương. Thanh tra Chính phủ tham gia Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia năm 2020; Chỉ đạo và hướng dẫn Thanh tra tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hoạt động của các đoàn thanh tra thi.
Không để thí sinh nào phải bỏ thi
Về các nhiệm vụ, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thành lập Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì; Tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, bố trí các điểm thi bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra; công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Các tỉnh huy động công chức, viên chức, giáo viên của tỉnh làm nhiệm vụ coi thi, giám sát phòng thi; Thực hiện đổi chéo giáo viên giữa các trường phổ thông trong tỉnh, bảo đảm nguyên tắc bố trí hai cán bộ coi thi trong phòng thi đến từ hai trường phổ thông khác nhau, mỗi cán bộ coi thi không coi thi quá một lần tại cùng một phòng thi.
Đồng thời, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị; Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức kỳ thi; Bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự để tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghi cho thí sinh và người thân ở tất cả các điểm thi; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa và thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự kỳ thi; Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế.
Thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh trong tỉnh để đánh giá công tác tổ chức thi hướng đến đảm bảo thi cử thực sự là động lực thúc đẩy và điều chỉnh quá trình dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Chỉ đạo Sở GD&ĐT tổ chức cho Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh học xong chương trình giáo dục phổ thông nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu.
Về nhiệm vụ của các bộ, cơ quan khác, Thanh tra Chính phủ cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và chỉ đạo Thanh tra địa phương cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi của địa phương. Chỉ đạo và hướng dẫn Thanh tra tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hoạt động của các đoàn thanh tra thi.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về kỳ thi và công tác tuyển sinh; Chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin bảo đảm các điều kiện về cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông tạo thuận lợi cho việc công bố kết quả thi, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và chuyển phát hồ sơ nhập học của thí sinh.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi, đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, vận chuyển bài thi, coi thi, chấm thi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tuyển sinh các trình độ của giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tuyển sinh, tổ chức tốt việc thanh tra, kiểm tra, truyền thông đầy đủ, kịp thời về công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT nêu rõ 32 nội dung công tác trong kế hoạch kỳ thi, trong đó nội dung đầu tiên là tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi phải hoàn thành chậm nhất ngày 10/6. Nội dung cuối cùng là gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT về Văn phòng Bộ, hoàn thành chậm nhất ngày 30/9. Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 27/8.