Thầy Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, Hà Nội: Thầy cô giáo cần xác định lại vai trò khi đứng lớp
Những ngày qua, sự việc giáo viên phạt học sinh quỳ trên lớp hoặc giáo viên đánh liên tục vào các học sinh trong giờ kiểm tra, khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Trước vấn đề này, nhà trường đã đưa ra thảo luận trong hội đồng giáo viên, ban giám hiệu; để tìm cách xử lý, thậm chí, từng giáo viên đặt mình trong tình huống đó sẽ xử lý như thế nào.
Theo tôi, các giáo viên cần xác định rõ vai trò của mình khi làm công tác giảng dạy, đứng lớp. Từ trước tới nay, thầy cô trong nhà trường thường gắn liền với hình ảnh quyền uy. Tất cả học sinh phải tuân thủ quy định, làm sai phải kỷ luật, bất kể điều gì không đúng quan điểm của giáo viên là trái kỷ luật, cần xử lý. Cách thức này tồn tại từ xưa cho tới nay. Thậm chí, trước những sự việc này, một số giáo viên còn nói: “Hãy trả lại cho người thầy cái thước”. Theo tôi, suy nghĩ này là không còn phù hợp với môi trường hiện nay. Cái uy của người thầy thời nay chính là sự tôn trọng của học sinh đối với thầy. Muốn thế, thầy phải tôn trọng học sinh. Thầy cô giáo là người truyền cảm hứng, truyền đam mê, hướng dẫn học sinh trong học tập, chứ không phải người áp đặt. Nếu còn suy nghĩ theo kiểu trên, dù có xử lý, buộc thôi việc, chuyển công tác... thì ở thời điểm khác, câu chuyện tương tự còn tiếp diễn.
Ví dụ, đối với quy định sử dụng điện thoại di động trong nhà trường. Trước tiên, chúng tôi cho học sinh thảo luận về mặt tích cực, tiêu cực của việc sử dụng điện thoại di động trong nhà trường. Trên cơ sở đưa ra một số gợi ý. Học sinh tổ chức diễn đàn, trao đổi, nhà trường bổ sung thành văn bản thì mới ra được quy định. Từ đó, học sinh nhận thức được vấn đề sẽ tự giác tuân thủ. Kỷ luật tích cực không phải từ sự trừng phạt mà xuất phát từ sự tôn trọng.
Trong nhà trường có những quy định trong điều lệ trường THPT, những điều học sinh không được làm. Và hiệu quả của những quy định này phụ thuộc vào cách triển khai của nhà trường, của giáo viên; trên cơ sở phù hợp với tâm lý, lứa tuổi. Tâm lý của học sinh THCS, THPT không thích áp đặt, nếu áp đặt sẽ phản kháng.
Ở trường tôi, thậm chí nhiều năm nay có câu nói: “Không phạt học sinh dưới mọi hình thức”. Khi ấy giáo viên có nói: “Thế thì em dạy học sinh như thế nào, như thế là giáo viên bị tước quyền”. Tôi nghĩ đó là cách hiểu chưa đúng về kỷ luật tích cực. Kỷ luật tích cực là sự tôn trọng của thầy cô đối với học sinh, là đặt mình ở vị trí của học sinh, biết yêu thương, nhẫn nại với các em. Bằng sự nhận thức của mình để học sinh nhận được vấn đề. Kỷ luật tích cực được hiểu như sự nghiêm khắc chứ không hà khắc. Không phạt học sinh dưới mọi hình thức không phải là không dạy học sinh. Đó là, giáo dục của cô giáo chủ nhiệm kết hợp với phụ huynh, giữa cô giáo chủ nhiệm kết hợp với các đoàn thể, kết hợp với hiệu trưởng, … Qua từng mức độ, học sinh dần nhận thức được vấn đề.
Giáo viên không phải là nghề nhàn nhã như hình dung từ xưa đến nay. Cường độ giáo viên giảng dạy ngày càng nhiều hơn, đặc biệt ở những giáo viên dạy giỏi. Do đó, thời gian của nhiều thầy cô bị hạn hẹp. Thay vào đó, nhà trường duy trì cuốn “Nhật ký giáo viên chủ nhiệm” ở mỗi lớp, mỗi học sinh. Đó là, những ghi chép của các giáo viên về thay đổi của học sinh trong từng giai đoạn, từng thời điểm. Qua 2 năm, học sinh nhận được những tín hiệu tích cực trong lối sống, đạo đức. Cách làm này của trường nhận được sự hưởng ứng của các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Một số trường cũng học tập và triển khai. Đây là cách tiếp cận được học sinh và khuyến khích kịp thời để các em tin tưởng, tôn trọng và hứng thú học tập.
TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Nhà trường còn nặng về dạy kiến thức
Hiện nay, sự chuyển biến về tâm lý học sinh (đặc biệt từ 12-17 tuổi) là khá mạnh mẽ. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách ở con người. Cùng với đó là tâm lý không ổn định và với một cái tôi cá nhân quá cao. Do đó, chỉ cần có những tác động kích thích xấu các em cũng học theo. Trong khi đó, giáo dục trong nhà trường còn nặng về kiến thức văn hoá, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người. Cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một phần xã hội đã đẩy ngã những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo. Trong khi đó, môi trường gia đình, ảnh hưởng từ xã hội như phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử, đồ chơi… cũng tác động không nhỏ đến các em.
Để hạn chế được những vấn đề đang gây bức xúc dư luận hiện nay chính nhà trường cần tạo môi trường giáo dục thân thiện. Mỗi thầy cô hãy là nơi để học sinh tin tưởng, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc. Phụ huynh phải nắm được các tâm tư, nguyện vọng, thay đổi của các em để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Từ đó cùng với nhà trường, đồng thuận với cách giáo dục của giáo viên để cùng giúp các em tiến bộ.
Do đó, cần tăng cường tuyên truyền phòng ngừa xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là sử dụng mạng xã hội facebook, fanpage… đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến. Tạo cơ sở phục vụ tốt nhu cầu tra cứu, học tập, tìm hiểu về chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật của các thầy cô giáo, các em học sinh trong nhà trường một cách thuận tiện, hiệu quả.