Không để học sinh phải bỏ học vì thiếu kinh phí

Các bộ, ngành có liên quan cũng như Ngân hàng Chính sách xã hội cần nỗ lực để hoàn thành tốt mục tiêu, tạo nên đội ngũ trí thức có tay nghề, đảm bảo không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì không đủ kinh phí.

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên diễn ra sáng 21/2.

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều học sinh, sinh viên nghèo được theo đuổi ước mơ học tập của mình. Ảnh: chinhphu.vn


* Chương trình đã đi vào cuộc sống


Sau 5 năm triển khai, Chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên đã cho hơn 3 triệu lượt học sinh sinh viên được vay vốn; đến nay, đang có 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu học sinh sinh viên đi học. Tổng doanh số cho vay đến cuối năm 2012 đạt hơn 43,3 tỷ đồng, doanh số cho vay bình quân là hơn 7.220 tỷ đồng/năm. Dư nợ đến cuối tháng 12/2012 là hơn 35.800 tỷ đồng; trong đó, nợ quá hạn là 167 tỷ, chiếm tỷ lệ 0,47%.

Đánh giá hiệu quả chương trình, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: Chương trình đã được triển khai sâu rộng đến các địa phương trên toàn quốc; phương thức cho vay dân chủ, công khai, nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tác dụng. Kết quả đạt được cho thấy, đây là chính sách có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hoá cao có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, cả cộng đồng. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội.

Việc cho vay trực tiếp thông qua uỷ thác một số nhiệm vụ đối với các tổ chức chính trị - xã hội đã chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người vay và ngân hàng. Việc xã hội hoá chương trình đã tạo được sự minh bạch trong thực hiện chính sách, giảm thiểu được rủi ro, phát huy được vai trò trách nhiệm của cả xã hội, của gia đình, dòng tộc và của học sinh, sinh viên trực tiếp sử dụng vốn vay; vì vậy, họ có ý thức trách nhiệm hơn trong việc tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn thu nhập từ gia đình để trả nợ khi hết hạn.

Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả to lớn, đảm bảo phần nào việc học của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Em Nguyễn Thị Thuỳ Linh (Thừa Thiên Huế), cha mẹ đều mất sớm, bản thân bị bệnh không thể lao động nặng; nhờ được vay vốn mà em không phải bỏ học, tiếp tục theo đuổi ước mơ tại trường Đại học Nông lâm.

Em Nguyễn Hoàng Phong (Cần Thơ) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải gánh vác công việc gia đình, nuôi các em còn nhỏ, bà ngoại già yếu. Gia đình ông Bùi Xuân Giáp (Nghệ An) có 6 người con, trong đó có 5 người dã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; nhờ có chương trình vay vốn, gia đình ông đã chấm dứt cảnh phải đi vay mượn nóng lãi cao bên ngoài, nuôi cả 5 người con ăn học tử tế.

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, chính quyền địa phương để động viên hộ vay vốn có ý thức trách nhiệm để trả nợ khi đến hạn. Triển khai giảm lãi tiền vay đối với người vay trả nợ trước hạn... Do vậy, rất nhiều người sau khi được vay vốn tiếp tục hoàn thành việc học, kiếm được việc làm đã hoàn thành tốt việc trả nợ, thậm chí trả nợ trước hạn, giúp chương trình có nguồn vốn ổn định để tiếp tục hỗ trợ những thế hệ tiếp theo.

Năm 2011, số tiền gốc trả nợ trước hạn là 1.163 tỷ đồng, năm 2012 là 2.500 tỷ đồng. Nhiều gia đình chưa có khả năng trả nợ 100% thì đều cố gắng trả dần phần lãi hàng tháng.

Gia đình ông Đinh Văn Minh (Phú Thọ) có 4 người con đều theo học tại các trường đại học và được vay hơn 100 triệu đồng; sau khi ra trường, các con ông đều tham gia trả nợ vốn và đã trả được hơn 2/3 số tiền vay. Em Quách Chí Toàn (Sóc Trăng) đã được vay hơn 16 triệu đồng, sau khi ra trường, em đã tìm được việc làm và trả trước hạn số tiền vay.

Trong giai đoạn 2013-2017, dự kiến tổng nguồn vốn chương trình khoảng 45.000 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa chương trình, tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách. Thu hồi và xử lý nợ đến hạn để đảm bảo nguồn vốn cũng như thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng tín dụng.

* Cần phát huy hơn nữa sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể

Trong số những khó khăn còn tồn tại, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho biết, ngoài khó khăn về vốn, về công tác thông tin tuyên truyền thì sự phối kết hợp giữa Ngân hàng chính sách xã hội với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác ở một số nơi còn chưa tốt. Do vậy, nhiều địa phương còn chưa chú trọng đến việc quản lý, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và đặc biệt là về trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: tình trạng ỷ lại vào tín dụng chính sách của một bộ phận người dân ở một số địa phương có xu hướng gia tăng, đặc biệt là một số tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên. Điều này đặt ra việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao ý thức của người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm - vay vốn, phát huy hơn nữa vai trò của các Hội, đoàn thể và sự tham gia cụ thể, hiệu quả, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành liên quan.

Tình trạng học sinh sinh viên ra trường không có việc làm hoặc việc làm thu nhập thấp, việc làm không phù hợp với ngành được đào tạo chính là do việc chưa làm tốt khâu kết nối giữa việc giới thiệu cho vay vốn với việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho con em các hộ gia đình trước khi quyết định lựa chọn ngành nghề.

PGS.TS Ngô Văn Dưỡng - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng cho biết, do hiện nay, quy định không buộc học sinh sinh viên phải báo cáo kết quả vay vốn cho nhà trường, công tác phối hợp giữa các ngân hàng chính sách xã hội với các trường chưa đồng bộ nên trường chưa có đầy đủ thông tin hai chiều về việc triển khai chương trình, bộ phận quản lý gặp khó khăn trong việc theo dõi và nắm bắt số liệu chính xác để tổng hợp, báo cáo.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực của các Bộ, ngành có liên quan cũng như của Ngân hàng Chính sách xã hội và một số ngân hàng có phối hợp. Phó Thủ tướng khẳng định, đây là một trong số những chương trình thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế những tiêu cực phát sinh. Thông qua các đoàn kiểm tra, đã phát hiện 3.639 hộ vay sai chính sách, chiếm tỷ lệ 0,62% số hộ được kiểm tra và kiên quyết xử lý.

Về kiến nghị của các đơn vị như nâng mức vay, tình trạng chậm trả nợ... Phó Thủ tướng cho rằng, việc nâng hạn mức cho vay luôn được quan tâm để đảm bảo chi phí theo giá cả hiện hành, so với thời điểm mới triển khai chương trình, mức cho vay hiện nay đã được thay đổi và trong thời gian tới sẽ tiếp tục thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, do đề án học phí đã được phê duyệt có sự khác biệt giữa các ngành nghề đào tạo nên ngân hàng chính sách xã hội cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại để xác định mức cho vay cũng cần được tính toán để phù hợp với từng ngành nghề, không cào bằng.

Trong thời gian tới, có thể sẽ xem xét mức cho vay để ngoài việc đảm bảo học phí, còn có thể hỗ trợ phần nào việc ăn ở, sinh hoạt của học sinh, sinh viên. Đồng thời rà soát để chia rõ các đối tượng không có việc làm, hoàn toàn không có khả năng chi trả nợ với những đối tượng chưa có việc làm chính thức nhưng vẫn có công việc phụ để gia hạn nợ... Việc thu nợ phải trên nguyên tắc không gây sức ép lên học sinh sinh viên, phải giúp họ có ý thức trách nhiệm trong việc trả nợ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền để triển khai tốt hơn trong giai đoạn tới. Các bộ, ngành có liên quan cũng như Ngân hàng Chính sách xã hội cần nỗ lực để hoàn thành tốt mục tiêu, tạo nên đội ngũ trí thức có tay nghề, đảm bảo không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì không đủ kinh phí.

Cũng tại hội nghị, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đã được trao tặng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2 cá nhân: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng trao bằng khen, giấy khen cho một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai hoạt động thời gian qua.


Ngọc Anh

Hiệu quả sau 5 năm thực hiện tín dụng học sinh, sinh viên
Hiệu quả sau 5 năm thực hiện tín dụng học sinh, sinh viên

Tháng 5/2003, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH tiếp nhận Chương trình tín dụng HSSV từ Ngân hàng Công thương Việt Nam với nguồn vốn 160 tỷ đồng, dư nợ 76 tỷ đồng, trên 35.000 HSSV còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn là 13,04%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN