Mỗi ngày khi đến trường, cô bé Rose Hayes, 8 tuổi, sống tại Woonsocket, Rhode Island (Mỹ) lại được học tập cùng một nhóm giáo viên và các chuyên gia trị liệu đặc biệt. Họ là những người đã được đào tạo kỹ lưỡng để hỗ trợ những trẻ khuyết tật về gene di truyền như Rose có thể nhận thức và tiếp thu tốt giáo trình học tập. Họ luôn đặt mục tiêu cho quá trình học đọc của Rose, cùng em tập vật lý trị liệu để cải thiện sự cân bằng và đảm bảo rằng em luôn phát triển đúng hướng.
Thế nhưng, trong hai tuần qua, sự kết nối duy nhất giữa Rose và trường học là thông qua màn hình máy tính, do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến các trường học trên toàn nước Mỹ phải đóng cửa. Giờ đây, Rose phải tự làm theo các bài học mà giáo viên của em đăng lên YouTube, trong khi các chuyên gia trị liệu của em sẽ kiểm tra kết quả học tập thông qua trò chuyện video. Song song với những điều ấy, Rose phải tự mình làm các bài tập hằng ngày được giao.
Cha mẹ của Rose công nhận rằng đây đã là những giải pháp tốt nhất mà họ có thể có được, nhưng họ vẫn ước muốn mọi thứ sẽ có thể thuận lợi hơn nữa. Trên thực tế, cô bé Rose luôn gặp khó khăn khi phải tự mình học tập và làm mọi thứ, do đó cha mẹ cô bé luôn phải túc trực bên em. Khi không có những thiết bị trị liệu mà Rose thường sử dụng ở trường, cha mẹ của cô bé phải tìm cách ứng biến.
Anh Rob Hayes - cha của Rose cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng để trở thành giáo viên. Chúng tôi đang cố gắng trở thành nhà trị liệu. Hiện tại chúng tôi có mỗi thứ một chút trong cả hai thứ ấy, và lúc nào đầu óc của chúng tôi cũng rất căng thẳng".
Anh Rob và vợ làm việc cho các công ty dược phẩm. Khi đại dịch COVID-19 bủa vây nước Mỹ, việc giao dịch kinh doanh của anh giờ đã chuyển thành việc ở nhà với Rose và em gái 2 tuổi của cô bé.
Không chỉ có gia đình nhà Hayes, trên khắp nước Mỹ, nhiều trường học và nhiều hộ gia đình đang phải đối mặt với những thách thức mới trong việc duy trì việc học tập cho các học sinh khuyết tật trí tuệ. Giáo viên luôn nỗ lực tìm tòi những phương thức mới để có thể cung cấp các bài học từ xa một cách hiệu quả nhất. Ngoài việc các bậc phụ huynh nhận được nhiệm vụ "bổ sung" do ban giám hiệu nhà trường giao phó, những học sinh khuyết tật trí tuệ cũng khá chật vật khi phải thích ứng với các phương thức học tập mới, các bài học thực hành và quản lý về mặt hành vi.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc học trực tuyến, cô Darlene Gildersleeve ở Hopkinton (New Hampshire) - mẹ của một học sinh 14 tuổi thừa nhận: "Tôi không biết làm thế nào để vào Google Classroom".
Theo số liệu thống kê của Mỹ, trong năm 2019, gần 7 triệu người ở nước này trong độ tuổi từ 3 đến 18 được tiếp nhận các dịch vụ giáo dục đặc biệt. Bộ Giáo dục Mỹ luôn yêu cầu các học sinh khuyết tật trí tuệ cũng phải được trao cơ hội học tập giống như những học sinh khác.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các trường buộc phải lập kế hoạch giảng dạy riêng cho từng học sinh. Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể đáp ứng được những sự điều chỉnh này. Với một số người - vấn đề của họ là thời gian; trong khi một số người khác - vấn đề nằm ở chỗ họ không thể tiếp tục sử dụng những công nghệ đắt tiền vốn được sử dụng ở trường để giúp con cái họ giao tiếp. Nhiều phụ huynh đã do dự khi phải chuyển đổi sang hình thức giáo dục đặc biệt trực tuyến. Điều này đã khiến các trường học ở một số quận thuộc Philadelphia, trong đó bao gồm cả những trường công lập, từ bỏ kế hoạch học tập trực tuyến do không thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả các đối tượng học sinh.
Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ việc học trực tuyến lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các học sinh khuyết tật trí tuệ tiếp tục được học tập trong thời gian các trường học đóng cửa phòng dịch bệnh. Theo họ, các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc nghỉ học - thậm chí chỉ trong 1 hoặc 2 ngày - có thể làm mai một các kỹ năng mà những học sinh đặc biệt này bắt đầu thành thạo.