Trường THPT Pác Khuông (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) |
Xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn với hơn 60% hộ nghèo, chủ yếu có 3 dân tộc Nùng, Tày và Dao sinh sống. Địa hình đồi núi rộng lớn và kinh tế kém phát triển tác động rất lớn đến việc học của các em học sinh nơi đây.
Theo thống kê của Trường THPT Pác Khuông, toàn trường có 595 học sinh thì 524 em (chiếm 90%) phải ở lán tạm bợ trọ học quanh trường. Đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc ít người thuộc diện hộ nghèo ở những nơi hẻo lánh thuộc 8 thôn bản đặc biệt khó khăn của xã, có nơi cách trường đến 30km, việc đi lại vô cùng vất vả. Để có thể bám trụ với trường, học sinh Trường THPT Pác Khuông đã mượn đất của người dân xung quanh khu vực trường dựng lán để ở. Phần lớn các lán trọ học đều làm bằng mái lá, tường đất hoặc tre gỗ tạm bợ không đảm bảo an toàn mỗi khi trời mưa hoặc có gió mạnh. Mặc dù phần lớn các lán được dựng rất đơn sơ nhưng nhiều em vẫn phải chung nhau một lán. Trong số 524 em phải trọ học, chỉ có hơn 60 lán được dựng, trung bình 8 đến 9 em ở chung một lán.
Lán các em học sinh tự dựng để làm nơi ở, sinh hoạt trong thời gian học. |
Lán trọ học của em Đàm Thị Sao, học sinh lớp 12A4 Trường THPT Pác Khuông rộng khoảng 20m2, là chỗ ở của 6 anh chị em cùng họ học tại trường. Vách tường ghép bằng ván gỗ bỏ đi nhiều lỗ hổng được bịt bằng bạt ni lông và bìa cứng. Điện được mắc nhờ từ nhà dân sang bằng những đường dây cũ nát, cả phòng chỉ có một chiếc bóng đèn để tiết kiệm điện. Nước sinh hoạt được các em đi xin từ nhà dân và vào khe núi lấy. Tất cả không gian sinh hoạt gói gọn quanh dãy phản làm giường và khoảng trống gần cửa làm khu vực nấu ăn, khu vệ sinh không có. Em Đàm Thị Sao cho biết: "Mùa đông gió lùa qua các khe gỗ rất lạnh, mùa hè thì nóng vô cùng vì chật chội. Nhưng chúng em sợ nhất là trời mưa, vì nhà dột tứ bề làm ướt hết chăn chiếu và sách vở. Ước mong của chúng em là được ở một phòng trọ kín đáo, đủ nước sinh hoạt hàng ngày để yên tâm học tập".
Em Lương Văn Tú, học sinh lớp 12A4 Trường THPT Pác Khuông ở trong lán rộng 9m2, bên trong chỉ có duy nhất một chiếc giường làm bằng các tấm ván ghép lại, kê gạch lên để ngủ. Tú cho biết: Nhà em cách trường 8km đường núi nên đi bộ phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đến được trường. Để tiện cho việc học, em dựng lán ở gần trường, khoảng 2 tuần mới về nhà 1 lần. Điện thì mắc nhờ từ nhà dân sang, mỗi tháng hết 15 nghìn đồng.
Tất cả học sinh của trường THPT Pác Khuông đều thuộc diện đặc biệt khó khăn nên mỗi em được hỗ trợ 15kg gạo/tháng, mỗi năm chia làm 2 đợt nhận gạo. Bên cạnh đó trên 80% học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo nên cũng được trợ cấp của nhà nước về học phí và sách vở, trung bình mỗi em được nhận 2 triệu đồng cho 6 tháng. Thầy Tô Mạnh Thường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Pác Khuông cho biết: Do điều kiện người dân còn nghèo, đi lại khó khăn nên công tác vận động học sinh đến trường là một trong những việc khó khăn nhất của nhà trường. Việc không có phòng bán trú cũng khiến các em phải trọ học tạm bợ với điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn, không đủ đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt, nhất là mùa mưa bão càng nguy hiểm. Đã có những em theo được đến gần hết lớp 12 thì bỏ học vì khổ quá. Bởi vậy, mong muốn của nhà trường cũng như học sinh là được đầu tư xây dựng phòng ở bán trú để các em yên tâm theo học, đồng thời thuận lợi cho công tác quản lý học sinh.
Trước tình trạng khó khăn thiếu thốn của học sinh Trường THPT Pác Khuông, chính quyền xã Thiện Thuật đã cố gắng giúp đỡ các em bằng cách tạo điều kiện cho tạm trú trên các khu đất người dân cho mượn. Ông Hoàng Mạnh Thìn, Chủ tịch UBND xã Thiện Thuật cho biết: Tình trạng khó khăn của các học sinh trọ học quanh Trường THPT Pác Khuông đã diễn ra từ 10 năm nay. Chính quyền địa phương, nhà trường, người dân và bản thân các em học sinh đều mong có được một khu phòng học bán trú nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do thiếu kinh phí./.