Nâng cao chất lượng giáo dục
Năm học 2020-2021, thành phố Hải Dương có 452 lớp mầm non, 806 lớp tiểu học và 464 lớp trung học cơ sở; tăng 3 lớp bậc tiểu học và 15 lớp bậc trung học cơ sở so với năm học trước.
Trước mùa khai giảng, công tác tuyển sinh đã được triển khai nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng học sinh. Theo bà Lê Thị Mỹ Phương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Dương, năm học này, thành phố Hải Dương thực hiện phân lớp học sinh theo phần mềm và tiến hành bốc thăm công khai giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và lớp 6. Việc chia lớp ngẫu nhiên đảm bảo sĩ số các lớp, giới tính học sinh được đồng đều. Sau khi chia lớp, nhà trường tiến hành bốc thăm giáo viên chủ nhiệm lớp.
“Với sự tham dự của cán bộ quản lý, Chủ tịch Công đoàn, thanh tra nhân dân, các giáo viên được dự kiến phân công chủ nhiệm lớp, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, đại diện cha mẹ học sinh khối lớp 1 và lớp 6, lãnh đạo xã, phường và Phòng Giáo dục và Đào tạo, việc bốc thăm giáo viên chủ nhiệm diễn ra công khai, minh bạch. Các trường rất đồng tình ủng hộ cách làm này vì giảm được áp lực so với trước. Tới đây, trên cơ sở đánh giá hiệu quả, chúng tôi sẽ cân nhắc áp dụng quy định này đối với các khối lớp khác”, bà Lê Thị Mỹ Phương cho biết.
Xác định chất lượng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu, trong năm học 2020-2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Dương yêu cầu giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sinh hoạt theo tổ nhóm chuyên môn. Ngành giáo dục cũng tăng cường kiểm tra công tác phối hợp của các trường với các đơn vị liên quan trong triển khai giảng dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Thành phố cũng tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cấm dạy thêm, học thêm.
Ủng hộ các quy định mới trên, chị Nguyễn Thị H., phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương chia sẻ: Việc phân lớp và bốc thăm giáo viên chủ nhiệm góp phần hạn chế được tình trạng chạy trường, chạy lớp, dẫn đến những tiêu cực. Đồng quan điểm, chị Đào ở phường Phạm Ngũ Lão cho biết: “Nếu như lần trước con đầu vào lớp 1, gia đình rất lo lắng khi phân lớp đầu năm thì năm nay khi cháu út vào lớp 1, nhà trường thực hiện phân lớp ngẫu nhiên và bốc thăm cô chủ nhiệm nên tâm lý bố mẹ cũng thoải mái hơn".
Đối với việc cấm dạy thêm, học thêm được thành phố Hải Dương triển khai, hầu hết phụ huynh rất đồng tình. Chị Nguyễn Thị D., phường Thanh Bình chia sẻ: “Không còn tham gia các lớp học thêm do các thầy cô giáo trong trường dạy, các con có thời gian vui chơi, học các lớp năng khiếu, tiếng Anh, kỹ năng sống, bổ ích và thiết thực hơn”.
Việc tổ chức thi học sinh giỏi ở thành phố Hải Dương trong năm học này cũng có một số hướng dẫn mới so với trước. Theo bà Lê Thị Mỹ Phương, kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố vẫn diễn ra nhưng yêu cầu không tổ chức thi học sinh giỏi cấp trường và nhà trường không tổ chức dạy bồi dưỡng học sinh giỏi. Điều này nhằm khuyến khích các trường đổi mới, sáng tạo trong dạy học, tránh tình trạng học sinh học lệch, mà vẫn đảm bảo mục tiêu tạo phong trào thi đua nâng cao chất lượng giáo dục, biểu dương kịp thời những học sinh học giỏi.
Thông thường, việc thu góp đầu năm học luôn là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Dương đã phối hợp với Phòng Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hướng dẫn triển khai các khoản thu góp đầu năm với phương châm đúng quy định, công khai, minh bạch. Nhà trường in rõ các khoản đóng góp, có đóng dấu xác nhận và gửi tới từng phụ huynh học sinh.
Đảm bảo an toàn trường học
Một trong những nội dung khác cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Dương chú trọng là công tác đảm bảo an toàn, an ninh trường học. Ngay sau khai giảng, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã ban hành văn bản yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh về các kiến thức nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định về phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực học đường, phòng chống cháy nổ, chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông…
Các trường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng trường học an toàn và các kế hoạch khác liên quan đến công tác an ninh trường học, trong đó phân công và nêu rõ trách nhiệm cá nhân phụ trách. Đối với các trường tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô, các trường phải xây dựng nguyên tắc, quy trình đưa đón học sinh đảm bảo an toàn, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín và chất lượng. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Dương yêu cầu các trường nêu cao vai trò người đứng đầu và trách nhiệm, tính gương mẫu của các thầy, cô giáo trong giao tiếp và thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Dương cũng đề nghị các trường học trên địa bàn quan tâm rà soát điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh học tập; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, các trường thường xuyên kiểm tra các điều kiện an toàn trong trường và khu vực xung quanh để kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn và có biện pháp khắc phục, tránh xảy ra tai nạn thương tích trong trường học; tiếp tục triển khai mô hình cổng trường an toàn, tổ chức cho phụ huynh ký cam kết không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy.
Trong năm học vừa qua, việc xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã dấy lên lo ngại của phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. Trước thực tế này, năm học 2020-2021, đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cũng là một nội dung được ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Dương chú trọng ngay từ đầu năm học. Bà Lê Thị Mỹ Phương cho biết, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương đã ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn các đơn vị cung ứng thực phẩm cho các bếp ăn bán trú trường học. Tới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ có hướng dẫn cụ thể nội dung này để các nhà trường triển khai.