Tại chương trình, các học sinh lớp 5 đã vẽ tranh và thuyết trình, giới thiệu về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu Mao Điền. Đây là những sản phẩm sau các chương trình học tập ngoại khóa tại di tích. Các em còn được tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, rồng rắn lên mây, ô ăn quan, nhảy dây... tham gia biểu diễn hoạt cảnh về Đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh.
Em Lê Đình Quân, học sinh lớp 5C chia sẻ: "Em thường được đến Văn Miếu Mao Điền với bố mẹ vào dịp Tết hoặc trước những kỳ thi quan trọng. Đến tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại Văn Miếu, em cảm thấy hiểu hơn và tự hào về di tích quê hương mình. Qua những bức tranh của mình vẽ, em mong muốn giới thiệu với bạn bè mọi miền hiểu thêm về di tích quê em".
Theo cô Hoàng Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, thực hiện chương trình, giáo viên nhà trường đã triển khai các hoạt động phù hợp. Học sinh khối lớp 4, 5 được đến di tích tham quan, vẽ tranh, dọn vệ sinh môi trường. Học sinh lớp 1, 2 được giới thiệu về di tích, nghe kể những câu chuyện về danh nhân lịch sử được thờ tại Văn Miếu, tham gia các trò chơi dân gian. Các chương trình ngoại khóa cho học sinh thăm các di tích tại địa phương được triển khai sinh động, hấp dẫn gắn với thi vẽ tranh, thi hái hoa dân chủ tìm hiểu về di tích, viết cảm nghĩ sau chuyến tham quan, học tập…
Đánh giá về hiệu quả hoạt động giáo dục di sản trong nhà trường, thầy Nguyễn Khắc Lộc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Điền nhận định: Chương trình góp phần "làm giàu" kiến thức về di sản văn hóa cho học sinh, nhất là những giá trị di sản của quê hương, hình thành và nâng cao ý thức của các em trong việc tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa tại địa phương.
Theo đại diện Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, khi triển khai chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường, các giá trị di sản văn hóa được tích hợp trong các tiết học trên lớp và trong các buổi học tập trải nghiệm trực quan ở di tích. Qua đó, vừa bổ sung, trang bị các kiến thức phong phú, sinh động về di sản văn hóa cho học sinh, vừa khơi dậy cho các em tình yêu di sản văn hóa của quê hương mình, đồng thời góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục về lịch sử trong nhà trường.
Để chương trình phát huy hiệu quả hơn, cô giáo Hoàng Thị Hường mong muốn các cấp, các ngành quan tâm về kinh phí để có thể tổ chức nhiều hơn những hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm cho học sinh; để các em không chỉ được đến các di tích ở địa bàn mà còn đến nhiều di tích khác trong tỉnh hơn nữa.
Giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường là hoạt động nhằm cụ thể hóa hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học, được tỉnh Hải Dương triển khai từ năm 2015. Đến nay, chương trình đã được tổ chức tại Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Miện, Ninh Giang, Thanh Hà, Cẩm Giàng.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã ký chương trình phối hợp các hoạt động tham quan, học tập, trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh và các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025…