Về chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường Trung học phổ thông công lập và trường Trung học phổ thông công lập tự chủ, một số trường công lập không có lớp chuyên có chỉ tiêu tuyển sinh cao là các trường Trung học phổ thông: Việt Đức 765 chỉ tiêu; Trần Phú – Hoàn Kiếm, Lê Quý Đôn – Đống Đa, Yên Hòa, Cầu Giấy, Trương Định, Việt Nam – Ba Lan, Thạch Bàn, Phúc Lợi, Đại Mỗ mỗi trường 720 chỉ tiêu.
Tiếp theo là các trường có 675 chỉ tiêu, gồm: Phạm Hồng Thái, Tây Hồ, Thăng Long, Trần Nhân Tông, Đoàn Kết – Hai Bà Trưng, Đống Đa, Kim Liên, Quang Trung – Đống Đa, Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân, Hoàng Văn Thụ, Đông Mỹ, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát – Gia Lâm, Đa Phúc, Bắc Thăng Long, Cổ Loa, Liên Hà, Nguyễn Thị Minh Khai, Xuân Phương, Đan Phượng, Ngọc Tảo, Thạch Thất, Quốc Oai, Lê Quý Đôn – Hà Đông, Quang Trung – Hà Đông, Trần Hưng Đạo – Hà Đông, Chúc Động, Chương Mỹ A, Chương Mỹ B, Xuân Mai.
Các trường Trung học phổ thông công lập không có lớp chuyên còn lại có chỉ tiêu tuyển sinh từ 280 đến 630. Riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú có chỉ tiêu tuyển sinh là 140 học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng giao chỉ tiêu cụ thể đối với các trường Trung học phổ thông công lập có lớp chuyên. Cụ thể, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam 655 chỉ tiêu, trong đó hệ chuyên gồm 16 lớp cho 12 môn chuyên với 560 chỉ tiêu; 45 chỉ tiêu cho 1 lớp Pháp song ngữ hệ không chuyên; 50 chỉ tiêu cho hệ song bằng tú tài. Trường Trung học phổ thông Chu Văn An 715 chỉ tiêu, trong đó hệ chuyên 10 lớp cho 10 môn chuyên với 350 chỉ tiêu; 315 chỉ tiêu cho hệ không chuyên và 50 chỉ tiêu cho hệ song bằng tú tài. Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ 525 chỉ tiêu gồm 15 lớp cho 11 môn chuyên. Trường Trung học phổ thông Sơn Tây 585 chỉ tiêu, trong đó hệ chuyên gồm 315 chỉ tiêu cho 9 lớp chuyên và 270 chỉ tiêu cho hệ không chuyên.
Chỉ tiêu tuyển sinh của 9 trường Trung học phổ thông công lập tự chủ như sau: hai trường Phan Huy Chú - Đống Đa và Lê Lợi mỗi trường 350 chỉ tiêu; Hoàng Cầu là 540 chỉ tiêu; Tiểu học, THCS&THPT Thực nghiệm 160 chỉ tiêu; ba trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Khoa học giáo dục, Lâm nghiệp (mỗi trường 450 chỉ tiêu); hai trường Phổ thông năng khiếu Thể dục Thể thao và THCS&THPT Trần Quốc Tuấn (mỗi trường 270 chỉ tiêu).
Về chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường Trung học phổ thông ngoài công lập, trong số 102 trường, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất là 720 cho 2 cơ sở. Tiếp theo là các trường Trung học phổ thông FPT, THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy mỗi trường 675 chỉ tiêu.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2021-2022 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11/6 với 4 môn thi, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử. Học sinh có thể tự chọn để đăng ký ngoại ngữ thi là một trong 5 môn ngoại ngữ sau: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Hàn.
Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2021-2022 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố, Hà Nội được chia làm 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa vào 3 trường Trung học phổ thông công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Trong đó, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải đăng ký vào trường Trung học phổ thông thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh hoặc bố, mẹ của học sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể đăng ký vào trường Trung học phổ thông thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, nếu học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng vào 1 Trường trung học phổ thông công lập thì trường này có thể thuộc 1 khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Nếu học sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng vào 2 trường Trung học phổ thông công lập thì trong đó, nguyện vọng 1 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng 2 thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng quy định rõ một số trường hợp không bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng theo quy định về khu vực tuyển sinh. Cụ thể, học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên tại các trường Trung học phổ thông chuyên, các trường Trung học phổ thông có lớp chuyên; học sinh đăng ký dự tuyển vào các trường Trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính và trường Trung học phổ thông ngoài công lập; học sinh đăng ký dự tuyển học chương trình tiếng Pháp hoặc chương trình tiếng Pháp tăng cường...
Những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì được phép đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện: Nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải đăng ký dự tuyển vào 2 trường Trung học phổ thông công lập trong khu vực tuyển sinh đã thay đổi, nguyện vọng còn lại (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Học sinh có nguyện vọng đổi khu vực tuyển sinh thì làm đơn (theo mẫu), trong đơn nêu rõ lý do đổi và được hiệu trưởng nhà trường xác nhận.