Video chuyên gia chia sẻ:
Xu hướng tất yếu nhưng cần môi trường
Bắt đầu mùa tuyển sinh đại học 2024, một số trường Top đầu có thế mạnh về đào tạo ngành Kinh tế mở thêm ngành Khoa học máy tính, công nghệ, khiến dư luận quan tâm.
Cụ thể, 5/6 ngành mới mở của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin. Còn Trường Đại học Ngoại thương mở ngành Khoa học máy tính thuộc chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế, kinh doanh.
Đây không phải năm đầu tiên các trường có truyền thống đào tạo ngành Kinh tế mở ngành Công nghệ. Từ năm 2020, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã mở ngành mới là Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh; năm 2021, Học viện Ngân hàng mở mới và tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin; năm 2023, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh mở một số ngành công nghệ như Robot, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ logistics.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để mở những ngành mới luôn có xu hướng thay đổi nhanh chóng.
Trao đổi về vấn đề này, GS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Thời gian vừa qua Việt Nam có một chính sách cởi mở và đáp ứng được nhu cầu phát triển đó là tự chủ đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bàn chuyện bài toán quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trong toàn quốc. Do đó, các trường có thế mạnh các lĩnh vực khác mà mở ngành Công nghệ - kỹ thuật là chuyện bình thường. Điều đó góp phần tạo ra môi trường đào tạo cởi mở, cạnh tranh, nâng cao số lượng, chất lượng đại học trong thời gian tới”.
Nhìn về nhân lực của ngành này tại Việt Nam, TS. Phạm Huy Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, Trường Đại học VinUni cho biết: “Nhu cầu nhân lực thị trường lĩnh vực Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu ở Việt Nam trong tình trạng vừa thiếu, vừa thừa. Thiếu những kỹ sư về Khoa học dữ liệu thực sự có trình độ, đầy đủ kỹ năng đáp ứng nhu cầu thực tế công việc và thừa nhiều chương trình đào tạo, nhưng chất lượng không đồng đều. Thực tế này dẫn đến sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc".
Vì vậy, với cơ sở mới mở ngành, GS. Chử Đức Trình cho rằng: “Hệ thống giảng viên là giá trị cốt lõi của các trường đại học. Các trường khác khi mở tập trung bắt đầu vào việc này”.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Huy Hiệu cho biết: “Khoa học máy tính là ngành tương đối đặc thù, đòi hỏi chuyên môn cao. Để đào tạo tốt về khoa học máy tính, công nghệ nói chung phải có 2 yếu tố chính: Đội ngũ giảng viên là những người phải thực sự có trình độ chuyên sâu về chuyên ngành. Điều đó có nghĩa muốn có chương trình đào tạo tốt, các trường đại học phải có đầy đủ đội ngũ giảng viên có trình độ”.
Lĩnh vực liên quan các ngành: Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật rất tốt để có thể vận hành được. Ví dụ, hệ thống máy móc có khả năng lưu trữ các cơ sở dữ liệu lớn hoặc các máy chủ tính toán đầy đủ năng lực tính toán, giải quyết mô hình học máy phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu...
"Khát" giảng viên
GS. Chử Đức Trình nhận định: “Xây dựng môi trường giảng dạy là bài toán khó. Nhà trường đầu tư nhiều nhân lực, vật lực mới có thể tạo ra được.
Còn TS. Phạm Huy Hiệu đánh giá: "Việt Nam đang thiếu về số lượng, chất lượng giảng viên. Các trường phải chạy đua với nhau để tìm giảng viên có trình độ đào tạo bài bản từ nước ngoài. Con số đó rất khiêm tốn".
Đồng quan điểm, TS Lê Đức Trọng, Chủ nhiệm bộ môn Khoa học máy tính, khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Số lượng giảng viên ngành khoa học kỹ thuật công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng tăng cho khoa học kỹ thuật công nghệ. Đặc biệt, với ngành Công nghệ thông tin (CNTT) và Khoa học máy tính nói riêng, số lượng giảng viên càng cấp thiết.
Hiện tại, giảng viên lĩnh vực Khoa học máy tính, CNTT đòi hỏi đào tạo bài bản, kiến thức nền vững chắc và cần thường xuyên cập nhật công nghệ mới, đảm bảo bắt nhịp xu hướng chung. Tại khoa CNTT, Trường Đại học Công nghệ có khoảng hơn 70 cán bộ, giảng viên. Trong đó, trên 60% là cán bộ có học vị TS, học hàm GS, PGS. Nhưng vấn đề tuyển dụng các giảng viên mới có học vị tiến sĩ để đáp ứng nhu cầu quy mô, chất lượng đào tạo ngày càng tăng theo định hướng của nhà trường đang là vấn đề được quan tâm.
TS. Phạm Huy Hiệu chỉ ra: Phải tách biệt 2 vấn đề, xu hướng mở rộng đào tạo liên ngành và xu hướng giáo dục đại học quốc tế. Trong tương lai, thế giới cần người có năng lực mang tính liên ngành và mang tính giải quyết vấn đề. Mở thêm khoa, viện liên quan công nghệ, lĩnh vực liên ngành là một hướng đi đúng.
"Với vai trò là nhà nghiên cứu, tôi cho rằng cần thận trọng và chỉ mở ngành khi có đầy đủ điều kiện cần thiết: Hạ tầng kỹ thuật giảng dạy và đặc biệt là đội ngũ. Cơ sở đào tạo tập hợp đủ đội ngũ giảng viên chất lượng hay chưa, chương trình đào tạo chất lượng, đạt được tiêu chí của Bộ GD&ĐT hay chưa?... Đây là những yếu tố cấp thiết", TS. Phạm Huy Hiệu khẳng định.