Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về nhu cầu nhân lực ngành vi mạch bán dẫn của toàn cầu, cũng như tại Việt Nam?
Ngành Công nghệ bán dẫn rất rộng, gồm nhiều công đoạn từ quy trình nghiên cứu thiết kế chế tạo kiểm thử cũng như ứng dụng nó đc tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới cùng sự tham gia của nhiều tập đoàn khác nhau.
Hiện nay, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này rất lớn, nhưng câu chuyện dự báo về nguồn nhân lực ở Việt Nam rất khó. Chúng ta có thể hình dung con số tổng, nếu cam kết của các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư vào đúng như báo chí đã đưa.
Chính phủ có chủ trương, nhưng đó là tổng nhân lực có thể cần cho toàn ngành Công nghiệp bán dẫn, trong đó cơ cấu nhân lực rất khác nhau, từ trình độ cao đẳng đến đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Những ngành đào tạo cũng đa dạng từ kỹ thuật điện tử, khoa học máy tính, những ngành vật lý vật liệu, hoá học và những ngành khác hỗ trợ thêm chứ không chỉ những ngành như thiết kế vi mạch công nghiệp bán dẫn. Sự khác nhau giữa ngành công nghiệp này với ngành công nghiệp khác ở một số khâu, đòi hỏi những chuyên gia từ khâu chế tạo đến kiểm thử và phần thiết kế vi mạch.
Ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực về thiết kế vi mạch sẽ lớn nhất, việc đào tạo về nghiên cứu cũng đỡ tốn kém hơn nếuv đi sâu vào nghiên cứu chế tạo vật liệu bán dẫn và chế tạo sản xuất. Song, nhu cầu nhân lực cần ở ngành nào, trình độ nào phụ thuộc nhiều vào sự đầu tư của tập đoàn nước ngoài. Đây là bài toán "con gà quả trứng ", các tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư vào phải nhìn thấy nguồn nhân lực có sẵn, nhưng để thu hút và đào tạo sinh viên, cần đặt ra chỉ tiêu đào tạo, kế hoạch đào tạo, phải biết dự báo nhu cầu nguồn nhân lực.
Người học cũng phải biết thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các tập đoàn thế nào? Đây là bài toán rất khó. Cách tiếp cận là chúng ta phải xây dựng những chương trình đào tạo theo những ngành rộng.
Trong bối cảnh và điều kiện hiện tại của Việt Nam, các trường đại học nên xây dựng chương trình đào tạo như thế nào cho phù hợp, thưa Thứ trưởng?
Do khả năng dự báo nhu cầu cơ cấu nhân lực theo ngành, theo trình độ khó đoán định, kể cả trên thế giới và cả ở Việt Nam, nhất là Việt Nam phụ thuộc vào sự đầu tư của tập đoàn nước ngoài, nên cách tiếp cận hiệu quả là phải xây dựng chương trình đào tạo như kỹ sư thiết kế vi mạch hay vị trí cao hơn, nền tảng chính là ngành kỹ thuật điện tử.
Bên cạnh đó, cần dành thời lượng nhất định đào tạo nâng cao vào những năm cuối cho sinh viên tốt nghiệp như những ngành kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, cơ điện tử, khoa học máy tính... Như vậy, khả năng thích ứng với công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp rất tốt. Chúng ta không ngại đầu tư ít hay đầu tư nhiều, vì sau khi tốt nghiệp, các tân kỹ sư đều cần lựa chọn những chuyên ngành có trình độ chuyên sâu. Khi các tập đoàn nước ngoài vào đầu tư nhiều và có nhu cầu lớn, cần có khả năng chuyển đổi.
Liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu phát triển, sản xuất nguyên vật liệu bán dẫn, nhu cầu nhân lực nhiều, cần đầu tư nghiên cứu phát triển ở trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Khi đó cần sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước để vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực về thiết kế vi mạch trong thời gian tới, vừa hướng đến tương lai phát triển bền vững ngành công nghiệp bán dẫn.
Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn cần nguồn nhân lực trình độ cao, vậy Việt Nam nên chọn phân khúc nào đào tạo cho phù hợp, thưa Thứ trưởng?
Đây là bài toán khó vì nhu cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn có nhiều phân khúc từ kỹ thuật viên trình độ cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, cơ cấu thế nào rất khó định trước.
Trước hết, nên đầu tư vào đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch trên cơ sở chuyển đổi các ngành, cũng như đào tạo nâng cao, có trường mở ngành mới về thiết kế vi mạch, nhưng chỉ một số trường làm được với quy mô không nhiều.
Bên cạnh đội ngũ hàng ngày tham gia thiết kế, cần có những chuyên gia không chỉ ở trình độ thạc sỹ, tiến sĩ, mà còn phải đào tạo nâng cao chuyên sâu về những kiến thức, kỹ năng... Từ trước tới nay, số lượng đào tạo sau đại học về lĩnh vực này còn ít, nên cần tập trung vào đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ ngành kỹ thuật điện tử.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!