Ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhiều học sinh không đủ sách, vở, quần áo và đồ dùng học tập khi đến trường. Trước khó khăn trên, tại Đăk Pxi, xã vùng III của huyện Đăk Hà, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ đã xây dựng nhiều mô hình hay để giúp học sinh tự tin đến trường.
Hôm nay, các thầy cô giáo dọn dẹp, vệ sinh trường sau 1 tuần học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19. Tại Phòng "Vui đến trường", các cô giáo tranh thủ phơi khô đồ, dùng bàn là ủi lại quần áo cho các em. Thầy giáo Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Đầu năm học, nhiều em đến trường nhưng không có giày dép, quần áo đã cũ, rách, sách vở không đủ. Nhà trường đã phát động cán bộ, giáo viên, nhân viên, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ trường xây dựng mô hình “Vui đến trường” để trang bị cho các em một số đồ dùng cơ bản. Nhà trường đã huy động được hơn 300 bộ quần áo cũ nhưng còn dùng tốt, sau đó được các thầy cô giặt, là cẩn thận. Ngày khai trường, khi đến lớp nhiều em đã bất ngờ khi được thầy cô giáo đưa tới Phòng“Vui đến trường” để lựa chọn quần áo phù hợp cho mình.
Đến trường sớm một ngày, em Y Trâm lớp 1B đã được các cô giáp chọn cho mình bộ đồng phục phù hợp. “Ở nhà không có áo đẹp, được thầy cô cho áo mới, con rất vui và các bạn đều cũng vui khi đến trường. Con sẽ cố gắng học tốt”, Y Trâm chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên Tổng Phụ trách Đội, người được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ giao phụ trách mô hình “Vui đến trường” cho biết, khi xây dựng mô hình, chúng tôi không nghĩ lại được nhiều người hưởng ứng và lan tỏa yêu thương nhanh như vậy. Nhận được quần áo, những hư hỏng nhỏ như đứt nút, rách đường chỉ, các cô khâu lại. Sau khi giặt, tất cả đều được là, treo lên để các em dễ lựa chọn. Học sinh nào khó khăn, không có đồng phục hoặc bị rách, chuyển màu, các thầy, cô đưa đến Phòng "Vui đến trường" tìm những bộ áo quần tốt, đẹp, sạch hơn để các em mặc vào lớp.
Giúp học sinh tự tin đến lớp, thầy và cô giáo còn vận động tài trợ thêm sách, vở cho các em. Thầy Nguyễn Trung Dũng cho biết thêm, tủ sách dùng chung của trường đã giúp gần 100 học sinh có sách giáo khoa. Mô hình Thư viện yêu thương khuyến khích các em xây dựng văn hóa đọc. Với vở học, mỗi em được cấp tối thiểu 7 cuốn, đảm bảo cho các em học cả năm. Số vở này được Quỹ Bảo về và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum hỗ trợ...
Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương mà các thầy, cô giáo dành cho học sinh, ông U Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho rằng, sáng kiến kêu gọi giáo viên, rồi người thân giáo viên hay nhà hảo tâm có điều kiện tốt góp hỗ trợ quần áo, sách, vở, giày dép đã giúp học sinh ở vùng đặc biệt đặc biệt khó khăn như Đăk Pxi tự tin đến trường. Các mô hình "Vui đến trường", "Thư viện yêu thương" hay "Tủ sách dùng chung" rất phù hợp cho xã vùng III như Đăk Pxi. Mô hình đã lan tỏa yêu thương, tạo sự gắn kết giữa thầy cô giáo và học sinh. Đây là những mô hình hiệu quả, rất cần nhân rộng đến các trường ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.