Làm công nhân may, bán hàng online
Cô Nguyễn Thị Lành, giáo viên trường mầm non tư thục tại Hoàng Quốc Việt, Hà Nội cho biết: "Hai tuần đầu tiên nghỉ dạy vì dịch COVID-19 tôi vẫn chưa cảm nhận rõ về kỳ nghỉ này sẽ kéo dài. Nhưng sau gần 1 tháng, hiệu trưởng nói "dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài và nhà trường không thể trả lương cho giáo viên” thì tôi quyết định về quê".
Cô Lành về quê làm trong xưởng may của nhà người quen mỗi tháng cũng được 5 - 6 triệu đồng, tùy vào chất lượng và số lượng sản phẩm.
Còn vợ chồng cô giáo Thái Anh đều làm việc tại một trường tiểu học dân lập trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ý thức rõ về việc sẽ nghỉ dạy dài và không lương, chồng cô Thái Anh vào Quảng Nam để làm thêm ở xưởng gỗ. Cô Thái Anh về quê thu mua thực phẩm sạch của các hộ dân để cung cấp cho người quen ở thành phố.
Cô Thái Anh lập ra một fanpage bán hàng online. “Mặt hàng tôi bán thường là gà, vịt, trứng, rau, bánh đa khô, bún khô, lạc… Cứ thấy ở quê có gì thì tôi mua, mỗi tuần từ 1 - 2 chuyến cũng có lãi. Tôi “mát tay” muối dưa cà, nên cũng phục vụ luôn những ai có nhu cầu. Hai vợ chồng đều là giáo viên, lại có hai con nhỏ, nếu không làm thêm thì chúng tôi không thể có tiền để trang trải cuộc sống”.
"Tôi có người bạn làm trang trại ở Bắc Giang, đến mùa này mật ong hoa vải rất nhiều. Tôi xin làm chân quay mật, vừa giúp bạn, vừa giúp mình. Từ những sản phẩm vùng quê, những nơi tôi lấy thực phẩm sạch được bạn bè, phụ huynh đã tin tưởng, ủng hộ", cô Thái Anh cho biết thêm.
Với lợi thế là giáo viên tiếng Anh, cô Thu Hằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tham gia bán hàng online cùng nhóm làm bếp trên mạng xã hội. Trước đó cô đã khảo sát người dùng để có được những đơn hàng như lò nướng đa năng, nồi chiên không dầu, máy trộn bột làm bánh… Nhưng đây cũng không phải là công việc dễ dàng gì bởi thời điểm này, số người bán hàng online rất nhiều.
Ở TP Hồ Chí Minh, một số giáo viên người nước ngoài đã phải nhờ bạn bè của mình đăng thông tin tìm việc dạy tiếng Anh online để có tiền trả phí thuê nhà, sinh hoạt tại Việt Nam.
Thu hẹp cơ sở
Một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã phải đóng cửa một cơ sở của trường do không duy trì được việc trả tiền thuê trường hàng tháng. Chị N.T.T (Người điều hành trường) cho biết: “3 cơ sở của trường đều phải đi thuê, trong khi đó, tháng đầu tiên chúng tôi vẫn phải trả lương đầy đủ cho giáo viên. Nhưng tình hình dịch có thể kéo dài thì chúng tôi không duy trì được việc thuê mặt bằng. Một cơ sở đã phải tạm đóng cửa”.
Anh Q.T chủ một trường mầm non trên đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) đã phải đăng tin chuyển nhượng trường với giá trên 200 triệu đồng. Trường nằm tại khu vực đông dân cư, có mặt sàn 72 m2 xây 3 tầng, trang bị đầy đủ 6 phòng học, 1 bếp ăn, có sân chơi và đã được khai thác khá hiệu quả trong 3 năm qua.
Tình trạng những cơ sở tư thục như mầm non, trường có quy mô nhỏ lẻ đang bước vào giai đoạn khủng hoảng rõ nét.
Mới đây, đại diện cho150 trung tâm ngoại ngữ, trường tư thục trên địa bàn Hà Nội đã có thư gửi tới các cấp liên quan về việc giảm giá thuê mặt bằng khi dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được sự đồng thuận.
Theo Hiệp hội Giáo dục mầm non ngoài công lập, nếu dịch COVID-19 kéo dài tới 6 tháng, thì khoảng 80% số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị sụt giảm doanh số trên 50% và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu-chi.
Mới đây, Bộ GD&ĐT có công văn số 871/BGDĐT-KHTC gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp, chính sách để ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó, tập trung nêu rõ những khó khăn mà dịch COVID-19 gây ra cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Cụ thể, Bộ GĐ&ĐT chỉ ra, các cơ sở giáo dục dưới sự tác động của dịch COVID-19 đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn và các ảnh hưởng tiêu cực khó lường khác.
Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên (chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác) nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.