Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là địa bàn khó khăn nhất cả nước. Kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí thấp. Do đặc điểm này mà vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xem là một đối tượng đặc thù cần có các mục tiêu, giải pháp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, trong đó có phát triển giáo dục.
Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã xác định các mục tiêu phù hợp cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, như: “ưu tiên ngân sách nhà nước dành cho phát triển giáo dục phổ cập và các đối tượng đặc thù”; “xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội bình đẳng để ai cũng được học, học suốt đời, đặc biệt đối với người DTTS, người nghèo, con em diện chính sách”...
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, bức tranh giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều khởi sắc, trình độ dân trí của đồng bào dần được nâng lên. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, đây vẫn là vùng trũng, cần có sự quan tâm đặc biệt.
Còn nhiều hạn chế, bất cập
Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án, đề án cho giáo dục và đào tạo vùng DTTS và miền núi. Mạng lưới trường lớp các cấp được củng cố, mở rộng. Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hoàn thiện hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT); phát triển nhanh hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Mạng lưới giáo dục thường xuyên phát triển rộng khắp trong toàn quốc đã mở rộng cơ hội học tập cho mọi người.
Tuy nhiên các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều hạn chế. Càng lên vùng núi cao, hệ thống trường lớp càng phân tán nhỏ lẻ, tỷ lệ kiên cố hóa càng thấp, điểm trường, lớp ghép vẫn tồn tại nhiều ở vùng DTTS và miền núi. Cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, phòng học xuống cấp vẫn còn nhiều, một số địa phương vẫn còn phòng học tạm, hệ thống phòng chức năng thiếu và yếu, công trình vệ sinh thiếu và không đảm bảo, thiếu công trình nước sạch. Hệ thống trường PTDTBT còn nhiều thiếu thốn. Phần lớn hiện nay Các trường PTDTBT thiếu chỗ ở, bếp nấu ăn, thiếu nước sạch, thiếu công trình vệ sinh.
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Dân tộc, còn 4.355 trường (mầm non, tiểu học, THCS, THPT…) ở vùng DTTS và miền núi chưa được kiên cố hóa. Vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học trung học cơ sở chỉ đạt 84%; còn tỷ lệ học sinh đi học trung học phổ thông thấp hơn rất nhiều, mới chỉ đạt 41,8%; có 03 DTTS chưa có người học đại học.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2011-2019 khoảng 462.791 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đầu tư mới chỉ đáp ứng một phần sự thiếu hụt cơ sở vật chất. Vẫn còn nhiều địa phương thiếu trường lớp. Tỷ lệ kiên cố hóa còn thấp. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chưa cao. Các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các nguồn lực đầu tư chủ yếu trông chờ từ ngân sách trung ương hỗ trợ, cùng với đó ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế.
Kỳ vọng ở Chương trình mục tiêu quốc gia
Ủy ban Dân tộc đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình). Dự thảo xác định chi tiết hệ số và định mức hỗ trợ cho từng Dự án thành phần.
Đối với Tiểu dự án "Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường PTDT có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số", Dự thảo chỉ rõ đối tượng đầu tư bao gồm: Hệ thống các trường PTDTNT, trường PTDTBT và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đang trực tiếp quản lý, giảng dạy và học sinh đang học tập tại các nhà trường. Ưu tiên đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT, trường PTDTBT ở vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn, biên giới, hải đảo, các trường chưa có cơ sở vật chất hoặc có nhưng còn phải thuê, mượn, xuống cấp; Cán bộ quản lý, giáo viên, người tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ (già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng, trụ trì, sư, tăng lữ tại các chùa, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm…) ở vùng DTTS và miền núi. Ưu tiên đầu tư cho cho các địa phương ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng còn quy định rất chi tiết về định mức đầu tư, hỗ trợ, như: Bổ sung, nâng cấp phòng công vụ giáo viên, định mức 144,6 triệu/phòng; phòng ở cho học sinh bán trú, học sinh nội trú, định mức 144,6 triệu/phòng; nhà ăn và nhà bếp, định mức 578,4 triệu/phòng; phòng quản lý học sinh bán trú, học sinh nội trú, định mức 144,6 triệu/phòng; phòng ở cho trường phổ thông dân tộc có học sinh ở bán trú, định mức 450 triệu/phòng; công trình vệ sinh, nước sạch, định mức 450 triệu/công trình.
Bổ sung, nâng cấp nhà sinh hoạt, giáo dục văn hóa dân tộc, định mức 450 triệu/nhà; phòng học thông thường và phòng học bộ môn, định mức 375 triệu/phòng.
Bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác (sân chơi, bãi tập, vườn ươm cây…), định mức 200 triệu/công trình.
Có thể thấy rằng, trong mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, học sinh cả nước nói chung, học sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng luôn được tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển cả về thể lực, trí lực và tâm lực. Đây là tiền đề quan trọng để giáo dục vùng DTTS và miền núi tiếp tục đạt được những thành tựu đột phá trong giai đoạn mới.