Góp ý hoàn thiện tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển

Ngày 20/7 tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo: “Tiêu chí phân định vùng Dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi theo trình độ phát triển, giai đoạn 2021-2025”.

Chủ trì hội thảo gồm: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Hà Ngọc Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông. Tham dự Hội thảo còn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành, địa phương; các đại biểu Quốc hội…

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Hà Ngọc Chiến khẳng định: Từ năm 1996 đến nay, vùng DTTS và miền núi đã có 4 lần phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển. Mặc dù các tiêu chí giai đoạn vừa qua đã có những tiến bộ nhất định, song quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số bất cập như: Việc phân định không đề cập đến tỷ lệ hộ DTTS tại địa phương; thôn đặc biệt khó khăn chưa phù hợp giữa các xã quy mô lớn, có nhiều thôn với xã quy mô nhỏ có ít thôn...

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội thảo.

Những bật cập này dẫn đến việc nguồn lực thực hiện các chính sách bị dàn trải, phân bổ nguồn lực dầu tư và áp dụng các chính sách có sự bất cập. Để khắc phục vấn đề này trong giai đoạn mới, vùng DTTS và miền núi được quy định là các xã, thôn có trên 15% hộ DTTS sinh sống tập trung thành cộng đồng. Vùng DTTS và miền núi tiếp tục phân định thành 3 khu vực để đảm bảo tính kế thừa và thống nhất trong áp dụng và tổ chức thực hiện.

Theo tiêu chí xác đinh mới, vùng DTTS và miền núi giảm 1.851 xã không có hoặc có rất ít đồng bào DTTS sinh sống, số thôn đặc biệt khó khăn đầu tư theo các chương trình giảm 2.767 thôn, số xã đặc biệt khó khăn giảm 398 xã. Nếu tính riêng ngân sách đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, ngân sách giảm 1.223 tỷ đồng. Đây là điều kiện để nâng dịnh mức, ưu tiên cho những địa bàn đặc biệt khó khăn có đồng bào DTTS sinh sống đảm bảo được quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển là rất cần thiết, để làm căn cứ triển khai thực hiện các Kết luận, Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tùy điệu kiện đặc thù của từng địa phương, các đại biểu đã đóng góp cụ thể về tiêu chí phân định cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, như: Xem xét đối với những xã, thôn bản ĐBKK thuộc thị trấn; xem xét về tiêu chí vùng DTTS và miền núi với 15% trở lên số hộ đồng bào DTTS sinh sống bởi nhiều nhiều khu vực rất khó khăn, đồng bào DTTS sống đan xen nên không đủ tiêu chí số hộ; đề nghị bổ sung thêm tiêu chí về số hộ cận nghèo; có quy định đặc biệt cho các xã biên giới, bãi ngang ven biển…

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi hội thảo.

Kết luận buổi Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Để đảm bảo tính khách quan, khoa học, Thường trực Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp để thống nhất ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Sau đó, sẽ dành thời gian cho các địa phương rà soát lại một lần nữa trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận.

TN/Báo Tin tức
Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030
Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN