Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Giáo dục và đào tạo nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn

Sáng 18/11, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Giáo dục và đào tạo nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TH

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với các nhà giáo, sứ mệnh được giao càng lớn, yêu cầu và kỳ vọng càng cao thì càng đòi hỏi giáo dục nước nhà đã đổi mới thì phải càng cần đổi mới nhanh hơn, chất lượng đã từng bước nâng cao thì càng cần nâng cao nhanh hơn. Đất nước muốn phát triển nhanh để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất tốt, năng lực tốt, thể chất tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt, đặc biệt là nhân lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, các ngành đem lại vị thế, ưu thế cạnh tranh cho đất nước trên trường quốc tế. Đây là đòi hỏi lớn và khó đối với ngành giáo dục.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Giáo dục cũng dẫn chứng, lịch sử dân tộc ta và lịch sử ngành giáo dục đã từng làm nên những kỳ tích tưởng nhưkhông thể làm được trong quá khứ, và chúng ta đã từng làm được và tin tưởng rằng, trong tương lai giáo dục sẽ viết tiếp những kỳ tích lớn hơn. Giáo dục toàn thế giới đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ về tri thức, thách thức của trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật, dữ liệu lớn, siêu máy tính, trường học ảo, với các phương pháp và công cụ sư phạm mới. Những nhân tố mới xuất hiện khiến cho nhiều người đặt câu hỏi và nghi ngờ sự tồn tại của giáo dục trường học và vai trò những người thầy trong tương lai.

Đồng thời khẳng định, chúng ta cần đối mặt với thách thức, không lảng tránh, không sợ hãi. Chúng ta đứng vững trên nền tảng của khoa học giáo dục và bản lĩnh của người thầy để đón nhận những điểm lợi thế của thời đại, để tranh thủ lợi thế, để phát triển nhanh hơn.

Trí tuệ nhân tạo không và không thể thay thế con người, vai trò nhà giáo không thể thay thế. Với trí tuệ nhân tạo và các phương tiện số mới, chúng ta cần coi chúng là những công cụ sắc bến và hữu hiệu mới. Công cụ và vũ khí càng sắc bén lợi hại, thì càng cần người sử dụng chúng có năng lực tư duy cao hơn, kỹ năng tốt hơn để chế ngự, để sử dụng. Nền giáo dục mới sẽ thất bại nếu chỉ chạy theo trang bị kiến thức, nhưng sẽ là sai lầm nếu lại buông bỏ hoàn toàn kiến thức. Cơ sở dữ liệu lớn không thay được cho cơ sở dữ liệu tuy nhỏ nhưng nó tồn tại chủ động nơi và trong người học và thực sự thuộc về bên trong người học, được chuyển hóa bởi sự tiếp nhận và qua tư duy của người học. Cần trang bị những kiến thức cơ bản để học sinh lấy đó làm công cụ cho tư duy, dạy cho các em khả năng thích ứng và tự học để phát triển bản thân, bởi trước mắt là 4.0, rồi 5.0 và nhiều nữa trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại. Đó là đem cái bất biến ứng phó với vạn biến. Đó là triết lý thích ứng và triết lý phát triển bền vững nền giáo dục của chúng ta.

Trước những thách thức mới của giáo dục, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, các nhà giáo trong kỷ nguyên mới, cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng nhà giáo phát triển, để từng nhà giáo giỏi hơn. Thách thức lớn càng lớn nhà giáo lại cần quay về đứng chắc, củng cố với nơi các giá trị cốt lõi của người thầy để kiến tạo một tầng lớp trí thức mới, một đội ngũ nhà giáo mới. Những giá trị từ truyền thống như “học không biết chán, dạy không biết mỏi”, tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò. Đó là các giá trị vĩnh hằng để người thầy xứng đáng là người thầy trong mọi thời đại. Phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số là những điều nhà giáo chúng ta cần phải nắm chắc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, ngày nay, chưa bao giờ tầng lớp trí thức, các nhà giáo, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo lại được những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước coi trọng, đề cao và đặt ở vị trí quốc sách hàng đầu như hiện nay. Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCHTW khóa 11 đã khẳng định đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định việc đổi mới. Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục khẳng định quan điểm ưu tiên, tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo. Nghị quyết 45-NQ/TW của BCHTW khóa 13 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới cũng khẳng định “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp; nguyên khí quốc gia; và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội”. Với các chủ trương lớn này, lực lượng trí thức, các nhà giáo, hoạt động giáo dục và khoa học công nghệ được đặt ở vị trí vinh dự đi đầu - vị trí được coi trọng chưa từng cótrong lịch sử. Đây là thời cơ lớn cho sự phát triển của giáo dục, thời cơ lớn cho các nhà giáo, các bậc tri thức cần thể hiện hết mình, thi thố tài năng, tất cả vì sự phát triển của quốc gia dân tộc. “Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”, đất nước trước cơ hội hưng thịnh, trí thức có trách nhiệm rất rất lớn. Các nhà giáo, các bậc tri thức, chúng ta dứt khoát cần phải trả lời câu hỏi: làm thế nào để đáp lại sự phó thác, tin tưởng, giao trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân? Sự báo đáp của người trí thức xưa nay vẫn phải và nên theo tinh thần ơn nước một bầu cần đáp lại bằng cả dòng sông.

Bộ trưởng cũng khẳng định: Trong các chỉ đạo gần đây của đồng chí Tổng Bí Thư Tô Lâm đã một lần nữa khẳng định vai trò của lực lượng nhà giáo, là “đầu tầu của giáo dục”, là lực lượng quan trọng nhất quyết định tới giáo dục. Tổng Bí thư bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các nhà giáo khi dặn dò trong phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về Luật Nhà giáo rằng “luật Nhà giáo ban hành ra phải làm cho các nhà giáo phấn khởi, tươi vui, đón nhận…”. Nhà giáo phải có chỗ làm việc, có nhà ở công vụ, được tôn trọng và bảo vệ, … Đó là những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư với ngành Giáo dục, với trí thức khiến cho các nhà giáo thấy rất phấn chấn, thấy được quan tâm có chiều sâu, thấy người đứng đầu của Đảng thấu thực tiễn, thấu nhân tình, có tính chiến lược vĩ mô của dân tộc vầ tầm nhìn thời đại. 

Lê Vân/Báo Tin tức
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Mong ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục tiên phong
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Mong ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục tiên phong

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Chỉ có nền giáo dục thanh lịch hướng tới chuẩn quốc tế, mới có thể tạo dựng được những con người Thủ đô văn minh, thanh lịch trong thời đại mới".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN