Giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Ngày 16/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có buổi làm việc tại tỉnh Hậu Giang, giám sát “Tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".

Chú thích ảnh
Ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá: Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo rất sát sao, chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51. Các thầy, cô giáo tự tin trong việc đổi mới cách dạy cả về kiến thức lẫn kỹ năng; công tác xã hội hóa giáo dục của tỉnh được thực hiện tốt.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng lưu ý, tỉnh cần nhận thức việc thực hiện Nghị quyết 88 phải là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự phối hợp giữa các sở, ngành chứ không chỉ của ngành Giáo dục. Chính quyền, phụ huynh học sinh và học sinh phải nhận thức rõ giáo dục Tiểu học là bắt buộc để thực hiện tốt. Việc thực hiện các Nghị quyết phải theo lộ trình. Các cơ sở giáo dục cần sáng tạo, năng động trong việc tạo trải nghiệm cho học sinh.

Đội ngũ giáo viên cần thống nhất quan điểm tiêu chí đánh giá học sinh phải là đạt chất lượng chứ không phải là thành tích; cần thay đổi phương pháp giảng dạy, tiếp tục thực hiện tập huấn chương trình mới; cân đối số lượng giáo viên các môn học. Việc phát huy xã hội hóa nên nhìn nhận ở góc độ không chỉ huy động kinh phí mà phải huy động cả xã hội cùng chăm lo các vấn đề khác của giáo dục.

"Tỉnh cần có đầu mối theo dõi, thực hiện nghị quyết. Hội đồng nhân dân tỉnh cần ra nghị quyết về triển khai Nghị quyết 88, từ đó Ủy ban nhân dân lập đề án thực hiện. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết cần rút kinh nghiệm ngay năm nay để chỉ đạo vào năm sau và phải tính toán cho phù hợp thực tiễn địa phương" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh buổi làm việc.

Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội, Ủy ban nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý phục vụ triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn dựa trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan báo chí trong tỉnh thực hiện thông tin, tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn nội dung giáo dục địa phương và Kế hoạch Tổ chức biên soạn và triển khai nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến nay, bản thảo Đề cương Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hậu Giang (từ lớp 1 đến lớp 12) và bản thảo Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 giảng dạy thực nghiệm tại một số trường tiểu học trong tỉnh đã hoàn thành.

Đồng thời, tỉnh thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa để triển khai trên địa bàn; xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51; chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Năm học 2019 - 2020, tỉnh Hậu Giang có 333 trường từ Mầm non đến Trung học Phổ thông, một trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố. 71,9 % trường đạt chuẩn quốc gia đạt. Ngoài ra, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh (thuộc Bộ Tư pháp), Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) và Trường Đại học Võ Trường Toản (đại học tư thục) đứng chân trên địa bàn tỉnh.

Tin, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)
Chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là lựa chọn
Chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là lựa chọn

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1. Nhưng đến nay việc tập huấn cho giáo viên về sách giáo khoa mới vẫn chưa hoàn tất vì dịch COVID-19. Nhiều băn khoăn của phụ huynh về sách giáo khoa sẽ được ngành giáo dục cụ thể hoá trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN