Với tính chất quan trọng của kỳ thi “2 trong 1” này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo, điều hành công tác phối hợp giữa Trường Đại học chủ trì cụm thi với các Sở GD&ĐT và các trường đại học, cao đẳng tham gia tổ chức kỳ thi, đảm bảo chặt chẽ, trung thực, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Có phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra. Ưu tiên cử cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn tham gia coi thi, chấm thi... Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN |
Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng đào tạo Đại học Ngân hàng cho biết: “Năm nay là năm thứ 2 Đại học Ngân hàng cũng như các trường Đại học khác trên cả nước tổ chức kỳ thi gộp. Chúng tôi đã hoàn tất công tác chuẩn bị như kiểm tra hồ sơ dữ liệu thi, cơ sở vật chất và tổ chức đảm bảo an ninh. Các khâu được chuẩn bị theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Về cơ bản, nhà trường chưa gặp bất cứ khó khăn gì, chúng tôi sẽ tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh về dự thi”.
Chỉ thị 2071/CT-BGDĐT ngày 17/6/2016 của Bộ GD&ĐT về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 đối với các cơ sở giáo dục đại học nêu rõ: Các trường được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia tổ chức kỳ thi, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi. Rà soát tổng thể kế hoạch triển khai kỳ thi; cùng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh kiểm tra cụ thể sự phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan đoàn thể tại địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự, không để xảy ra ách tắc giao thông ở các điểm thi.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, điện nước và làm tốt công tác huy động các tổ chức, cá nhân, các lực lượng xã hội tham gia hỗ trợ cho thí sinh và người nhà trong việc ăn, nghỉ, đi lại. Xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường như thời tiết, thiên tai, cháy nổ,… Kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thi, bảo đảm an ninh, an toàn và điều kiện y tế tại các điểm thi. Tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm việc công bố kết quả thi tại cụm thi được thông suốt.
Em Trần Thu Trang, Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội cho biết: Bước vào kỳ thi này, nhà trường đã phổ biến rất chi tiết về quy chế thi và em cũng đã truyền đạt lại quy chế thi này cho các bạn cùng lớp, cùng khóa mà mọi người vẫn chưa nắm rõ được…
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Phòng đào tạo Đại học Thủy lợi, rút kinh nghiệm từ năm trước, nhà trường tổ chức cho cán bộ coi thi đọc kỹ lại quy chế, chú ý tới việc thí sinh được mang hoặc không được mang những vật dụng gì vào phòng thi. Nhà trường nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Về phần các phụ huynh, nhiều gia đình rất lo lắng cho con em mình nên họ luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em vượt qua kỳ thi gian khó này. Anh Nguyễn Xuân Đức, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Việc gộp hai kỳ thi sẽ giúp cho việc giảm tải là rất tốt. Tuy nhiên, các cháu rất vất vả trong việc ôn thi. Nhiều gia đình mong muốn các cháu có thể vượt qua được kỳ thi và đạt được nguyện vọng vào trường mà mình mong muốn”.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm nay, thành phố có hơn 76.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Số thí sinh có đăng ký xét tuyển đại học là gần 50.000 em. Hà Nội sẽ tổ chức 6 cụm thi, trong đó có 5 cụm thi do các trường đại học chủ trì, dành cho thí sinh có xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và một cụm thi do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì, dành cho các thí sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp. |