Cô Lê Nguyễn Ngọc Hân hiện là giáo viên dạy lớp 4 A; đồng thời là tổ trưởng chuyên môn khối lớp 4 và 5 của Trường Tiểu học Bỉnh Nghĩa. Như có duyên nợ với học sinh ở những vùng xa, vùng khó khăn, ngay từ khi tốt nghiệp sư phạm tiểu học (Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận) vào năm 2002, cô Ngọc Hân đã nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường Tiểu học xã Phước Đại thuộc huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận).
Cô giáo Lê Nguyễn Ngọc Hân chia sẻ, trong ký ức của mình, cô vẫn còn nhớ cảm giác những ngày đầu tiếp cận học sinh dân tộc Raglai ở trường miền núi này. Sau thời gian tiếp xúc, cô nhận ra các em thật dễ thương và đều có chung hoàn cảnh, cuộc sống gia đình khó khăn. Những năm dạy học ở đây, khi có học sinh nghỉ học, cô thường tới từng nhà em vận động, tự bỏ tiền mua thước, mua viết và lúc nào trong túi cũng có bánh kẹo để phát cho các em nhằm tạo niềm vui cho các em đến trường.
Năm 2006, cô Hân về dạy tại Trường Tiểu học Bỉnh Nghĩa cho đến nay. Nhờ từng có 4 năm dạy học trong môi trường đặc biệt có học sinh toàn con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Bác Ái, cô không bỡ ngỡ khi về trường mới công tác, nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống. Theo cô Hân, học sinh Chăm trong trường rất ngoan, hiền, lễ phép nhưng vẫn có tình trạng học sinh bỏ học. Cô lại vận dụng kinh nghiệm sẵn có khi còn dạy ở Bác Ái vào thực tiễn ở khu vực đặc biệt khó khăn này.
Thôn Bỉnh Nghĩa có 800 hộ/4.212 khẩu, là làng Chăm theo đạo Bàlamôn duy nhất của xã Bắc Sơn và huyện Thuận Bắc, có quá nửa là hộ nghèo, cận nghèo. Hầu hết phụ huynh của các em có công việc là làm thuê theo thời vụ. Vào mùa thu hoạch cà phê, gần như học sinh các khối 1 và 2 đều bỏ học theo cha mẹ lên Lâm Đồng. Học sinh khối 4 và 5 nghỉ học để trông coi nhà cửa. Việc các em bỏ học là khó tránh khỏi. Các thầy, cô của trường đã đi từng nhà để vận động các em khắc phục hoàn cảnh, khuyên nhủ phụ huynh cho con đi học lại.
Cách đây 3 năm, em Sầm Thị Khánh, con một gia đình nghèo ở địa phương, đang học lớp 4 do cô dạy đã bị cha mẹ cho nghỉ học để lên Đà Lạt làm giúp việc giữ em bé thuê cho một gia đình. Thương học trò, cô đã đến trao đổi với gia đình. Phụ huynh em Khánh cho biết phải có 1 triệu đồng trả lại chủ nhà, Khánh mới được nghỉ việc. Sau khi nhờ bà nội của Khánh gọi điện thoại lên, chủ nhà đã đồng ý cho em về học. Cô Hân đã hỗ trợ tiền cho bà đi xe lên Đà Lạt đón Khánh về học. Nhà Khánh rất nghèo, chỉ vỏn vẹn diện tích 10 m2. Em Khánh nghỉ học khi lên cấp 2, nay em đã đi làm xa nhưng câu chuyện ấy vẫn còn đọng lại trong cô - Cô Hân kể.
Trường Tiểu học Bỉnh Nghĩa có 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 24 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Toàn trường có 16 lớp, bao gồm các bậc học từ lớp 1 đến lớp 5 với tổng số 470 học sinh và 100% đều là dân tộc Chăm. Do đặc điểm trên, ngay khi về trường, cô Ngọc Hân xác định muốn dạy cho học sinh nơi đây, cần hiểu rõ phong tục, tập quán bà con địa phương. Vì vậy, cô Hân luôn ứng xử đúng mực, gần gũi, tôn trọng phụ huynh và yêu thương học sinh. Trường hợp có học sinh học yếu, cô phân công học sinh giỏi ngồi gần kèm cặp và cô trực tiếp hướng dẫn, dạy cặn kẽ cho các em học kịp chương trình. Nhờ sự quan tâm và cách làm này, các lớp mà cô dạy không có tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng, tỷ lệ học sinh lên lớp luôn đạt 100%.
Lớp 4 A do cô Hân phụ trách hiện tại có 31 học sinh, trong đó có 17 học sinh là con em của những gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo trong thôn. Các em đều yêu quý cô. Em Sầm Thị Như Băng, 9 tuổi, học sinh giỏi nhất lớp nhận xét về cô: “Cô dạy hay, viết chữ đẹp. Cháu rất thích cô vì cô dịu dàng, vui vẻ và thương yêu học sinh”. Em Sầm Văn Kiên, học sinh khá của lớp tâm sự: “Ba con không muốn cho con đi học nhưng cô luôn khuyến khích, an ủi nên con rất thích học”. Em Mang Tài Đức chia sẻ: “Em học không giỏi. Nhờ cách dạy của cô dễ hiểu, em đã lấy lại căn bản và thích đi học hơn.
Thầy Phạm Cảnh Toàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bỉnh Nghĩa cho biết, cô Hân rất quan tâm và gần gũi học sinh, thường xuyên đến nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn tìm hiểu, giúp đỡ, động viên các em đi học. Trong công tác giảng dạy, cô luôn chủ động nghiên cứu, sáng tạo trong việc áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với khả năng tiếp thu bài học thực tế của học sinh của lớp mình.
Thầy Phạm Cảnh Toàn cho biết thêm, chẳng những nhiệt tình giảng dạy mà cô Hân còn rất tích cực tham gia đầy đủ các phong trào thi đua của ngành, của trường; đặc biệt là phong trào thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi viết chữ đẹp. Nhiều năm liền, cô đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với đồng nghiệp, cô luôn gần gũi, giúp đỡ, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nhất là với giáo viên trẻ mới vào nghề nên được mọi người yêu mến.
Với những thành tích và sự cống hiến trong nghề dạy học, năm nay, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.