Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi là một trong những nhiệm vụ cấp bách, nhằm thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Nhiều năm qua, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để quyết liệt triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực ở khu vực này đang gặp nhiều trở ngại.
Số lượng thiếu, chất lượng yếu
Hiện cả nước có khoảng 30 triệu người sống trong vùng dân tộc và miền núi, trong đó có hơn 12 triệu người (chiếm 14,27%) là đồng bào các dân tộc thiểu số; đa phần hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Nhiều khu vực như miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm hơn 70% cơ cấu lao động.
Cơ sở vật chất giáo dục như thế này thì không thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi. |
Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 87,21%, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số còn hạn chế về số lượng và chất lượng, tỷ lệ người không biết đọc, biết viết, trẻ em trong độ tuổi đến trường nhưng không học còn cao. Chất lượng giáo viên yếu và không đồng đều, đã dẫn đến việc dạy và học tiếng dân tộc còn hạn chế... Đây là những trở ngại trong việc phát triển nguồn nhân lực, cũng như những hạn chế đối với đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Theo Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nguyên nhân chính làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi là trình độ học vấn của người dân ở vùng này rất thấp. Công tác đào tạo, dạy nghề cho thanh niên dân tộc còn nhiều hạn chế. Mạng lưới các trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề vùng dân tộc và miền núi vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, phân bố chưa hợp lý, ngành nghề đào tạo đơn giản, chưa theo kịp nhu cầu của xã hội, nên người học khó tìm được công việc phù hợp sau khi được đào tạo. Bên cạnh đó, giáo dục chuyên biệt cho đồng bào DTTS còn nhiều bất cập. Đối với hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), một số địa phương vùng miền núi phía Bắc có hiện tượng quá tải. Trong khi đó, một số địa phương vùng ĐBSCL thường chỉ có một trường PTDTNT ở trung tâm tỉnh, nên ít học sinh vì trường xa nhà. Số học sinh dân tộc được đi học so với nhu cầu rất thấp, học lực trung bình và yếu kém chiếm tỉ lệ lớn (THCS là 56,6%; THPT 62,4%).
Với hệ thống trường PTDT bán trú, thì nơi ăn ở của học sinh còn nhiều thiếu thốn, chưa an toàn, 92,19% trường chưa có chỗ ở đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Trong khi tỉ lệ hộ đói nghèo vùng dân tộc còn cao, việc cung cấp lương thực của gia đình không liên tục, nên nhiều học sinh ăn uống thiếu dinh dưỡng, thậm chí bị đứt bữa vào kỳ giáp hạt. Chị Phùng Thị Lan, dân tộc Pà Thẻn, thôn Nghi Bát, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho hay: “Nhà tôi có hai đứa con, đứa đầu học đến lớp 10 thì phải bỏ dở vì nhà nghèo. Đứa thứ hai đang học lớp 10 cũng đòi nghỉ vì nhà xa, nhà cách trường 15km, không có phương tiện đi học. Đối với chúng tôi, học nghề cũng rất khó khăn. Học nghề tốn nhiều tiền, nào là tiền cho con đi học, tiền mua dụng cụ học thực hành, tính ra cũng mất khoảng 10 - 20 triệu đồng. Số tiền đó với các hộ nghèo là không thể lo cho con”.
Chính sách nhiều, hiệu quả chưa cao
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để nâng cao nguồn nhân lực ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; đồng thời đã dành 41 chương trình, dự án, trong đó có 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Tuy nhiên, hiệu quả của chương trình, dự án còn chưa cao. Bằng chứng là tỉ lệ nghèo đói của vùng dân tộc và miền núi còn rất cao và tốc độ giảm nghèo còn chậm.
Giờ lên lớp của học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: QUÝ TRUNG-TTXVN |
Theo TS Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, dù tất cả những chính sách ban hành đều có chung một mục tiêu là nâng cao nguồn nhân lực của vùng có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nơi đây. Nhưng trên thực tế, chất lượng của nguồn nhân lực còn quá nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất có lẽ nằm ở công tác giáo dục. Dù chúng ta đã đạt được những thành tích quan trọng trong phổ cập tiểu học, xóa mù chữ cho bà con nhưng đến nay, tỷ lệ dân số không biết chữ tại các vùng dân tộc miền núi vẫn còn khá cao. Ví dụ, ở vùng trung du miền núi phía Bắc, tỷ lệ dân số trên 15 tuổi không biết chữ là 12,7%; vùng Tây Nguyên là 11,73% và đồng bằng sông Cửu Long 8,4%. Để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của một địa phương, vấn đề chuyên môn kỹ thuật của người lao động cũng đóng vai trò quan trọng. Thế nhưng, ở hầu khắp vùng có đông đồng bào thiểu số sinh sống đa số vẫn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Theo thống kê của UBDT, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo cao rất nhiều lần so bình quân chung của cả nước. Trong đó, hai vùng Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long lao động chưa qua đào tạo chiếm trên 90%, có nơi lên tới trên 94%...
Tiến sĩ Mạc Văn Tiến, Bộ LĐTB&XH cho hay: Đã có nhiều chính sách đối với đồng bào thiểu số, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, Bộ LĐTB&XH đang phối hợp cùng UBDT thực hiện chính sách đào tạo nghề (miễn học phí đào tạo, được hỗ trợ đi lại, ăn ở trong thời gian đào tạo...) nhưng rất ít người tham gia hoặc có tham gia rồi cũng bỏ giữa chừng. Những chính sách tốt đẹp như vậy không giúp đồng bào nâng cao trình độ tay nghề là vì, cách thức tổ chức thực hiện của chúng ta còn kém, trong khi đó nguồn hỗ trợ của Nhà nước lại quá ít không đủ sức hút nhiều người tham gia.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách của Bộ NN&PTNT cho rằng: Có quá nhiều chính sách phủ khắp các vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hẳn đã tốt. Thực tế cho thấy, lĩnh vực nào cũng thấy chính sách ưu đãi, vùng đất nào cũng muốn nhận hỗ trợ trong khi nguồn lực từ ngân sách rất hạn hẹp và đương nhiên hệ quả của việc hỗ trợ này sẽ là những kết quả chung chung không rõ nét. Vì vậy, cần phải xây dựng khung chính sách toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó sẽ có những chính sách chung nhưng cũng có những chính sách riêng biệt để hỗ trợ từng vùng đồng bào thiểu số chứ không thể ưu tiên dàn đều, cào bằng như hiện nay.
Cũng theo ông Phan Văn Hùng, về lâu dài, các chính sách giúp phát triển vùng đồng bào dân tộc phải được gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Tập trung xóa đói, giảm nghèo, thực hiện thành công công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở… Ngoài những chính sách vĩ mô, đối với dạy nghề cũng rất cần những chính sách cụ thể hơn, như thay vì đào tạo nghề, phải tính chuyện đầu ra cho từng con người cụ thể. Hiện nay, nguồn nhân lực ở vùng dân tộc, miền núi còn thiếu và có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, miền. Vì vậy, chính sách phát triển nhân lực đối với vùng đồng bào dân tộc, miền núi nên phù hợp với thực tế từng vùng, miền.
Ông K’Sor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Coi giáo dục là khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực “Vấn đề then chốt chính là năng lực nội sinh của vùng dân tộc thiểu số. Các vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng được với những thay đổi nhanh và mạnh của nền kinh tế thị trường, trong đó gốc rễ là do giáo dục và đào tạo lao động ở các vùng này còn hạn chế về số lượng và chất lượng so với mức trung bình của các huyện trong tỉnh. Coi giáo dục - đào tạo là khâu đột phá cho việc phát triển nguồn nhân lực ở miền núi và vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều này có liên quan đến hàng loạt chính sách về giáo dục - đào tạo cần được bổ sung, điều chỉnh như: Chính sách cử tuyển nhằm tạo điều kiện cho học sinh được vào đại học, cao đẳng nhiều hơn; Đầu tư cho các đại học Tây Bắc, Tây Nguyên…; Đào tạo kỹ thuật thực hành, liên thông dạy nghề với đại học, cao đẳng; Rà soát chương trình, sách giáo khoa phổ thông cho phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”. Bà Pratibha, Điều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam: Tiếp cận đến dịch vụ giáo dục có chất lượng và phù hợp với văn hóa “Rào cản ngôn ngữ là một trong những rào cản chính ngăn không cho trẻ em dân tộc thiểu số tiếp cận đầy đủ tới các dịch vụ cơ bản. Thế giới đã chứng minh rằng trẻ em sẽ học tốt nhất nếu được học bằng tiếng mẹ đẻ và được dùng những hình ảnh minh họa, ẩn dụ từ chính nền văn hoá của mình. Do vậy, cần điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp với văn hóa của người dân tộc thiểu số và áp dụng phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm để tạo cho các em bé dân tộc thiểu số đủ tự tin và sự ham học để đi học, duy trì việc học và học tốt ở trường”. PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, nGUYÊN Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương: Tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục dân tộc thiểu số và miền núi “Nhân tố quan trọng dẫn đến thành công trong công nghệ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là trình độ nguồn nhân lực. Chính phủ nên tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tìm giải pháp buộc con em các dân tộc phải học để đạt trình độ phổ cập một cách có chất lượng, đích thực có trình độ. Đầu tư ở đây cần chú ý không chỉ đơn thuần là cơ sở vật chất, mà phải là đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực”. |