Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong đổi mới giáo dục 10 năm qua, giáo dục thường xuyên đã vượt khó, nỗ lực và làm được nhiều việc, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự đổi mới ở mảng giáo dục thường xuyên còn vừa phải, còn nhiều việc phải làm phía trước. Mục tiêu đặt ra là đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cho tương xứng với đổi mới của toàn ngành.
Theo Bộ trưởng, trước mắt, một trong những vấn đề cần bàn là đánh giá, định vị, nhận thức lại để có thái độ, ứng xử cần có đối với giáo dục thường xuyên. Xã hội càng phát triển, đất nước càng giàu có, đời sống càng thay đổi, nhu cầu học tập kiến thức mới, kỹ năng mới để thích ứng lại càng lớn. Giáo dục thường xuyên cần có kế hoạch đổi mới về cách thức, quản trị, chính sách, đầu tư… để cung cấp nhân lực trong tương lai.
Chỉ ra hàng loạt công việc mà giáo dục thường xuyên sẽ phải tiếp tục làm “nòng cốt”, Bộ trưởng nhắc tới việc vẫn phải tích cực thực hiện xóa mù chữ, tái mù ở người trưởng thành; tích cực xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và chuẩn bị cho xây dựng Luật Học tập suốt đời; chuẩn bị cho phong trào bình dân học vụ số, “xóa mù số”, phổ cập số; cùng với toàn bộ hệ thống giáo dục triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các trung tâm giáo dục thường xuyên bám sát địa phương, nắm bắt chiến lược phát triển, nhu cầu nhân lực của địa phương; quan tâm tổ chức mô hình đa dạng, linh hoạt, phát huy hơn nữa giáo dục cá thể hóa…
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Đức Minh cho biết, cả nước có 92 trung tâm giáo dục thường xuyên, 526 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm đến nay cơ bản đã đảm bảo tối thiểu cho việc dạy học các chương trình giáo dục thường xuyên.
Năm học 2023 - 2024, cả nước đã huy động được 90.508 học viên tham gia học các lớp xóa mù chữ (tăng gần 2,8 lần so với năm học trước), trong đó học viên người dân tộc thiểu số chiếm 93,73%. Số lượt người học tham gia các lớp chuyên đề phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng và các lớp bồi dưỡng thường xuyên khác tại các trung tâm là hơn 23,6 triệu lượt người học (tăng gần 7,3 triệu lượt người học so với năm học 2022-2023).
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm này. Đó là chất lượng giáo dục chưa đồng đều; cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu thốn; khả năng cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; một số địa phương còn thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra chất lượng giảng dạy và học tập hiệu quả…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là do nhận thức của xã hội về giáo dục thường xuyên, nguồn lực tài chính đầu tư cho quy mô phát triển trung tâm còn hạn hẹp; thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn. Chương trình đào tạo chưa linh hoạt và chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Cơ sở vật chất và trang thiết bị lạc hậu, đặc biệt là ở vùng nông thôn và miền núi; thiếu sự đổi mới và ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Công tác chỉ đạo trực tiếp tại các địa phương chưa có sự phân hóa đối với từng vùng miền.
Từ thực trạng trên, ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh, chính sách phát triển trung tâm giáo dục thường xuyên thời gian tới cần tập trung vào việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, bền vững và hiệu quả, với sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Các giải pháp chính sách phải hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện học tập cho mọi đối tượng, cũng như đảm bảo rằng các trung tâm có thể cung cấp những chương trình giáo dục - đào tạo phù hợp với nhu cầu thay đổi của xã hội cũng như thị trường lao động
Trao đổi về công tác tự chủ đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên, ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hải Dương cho biết, chính sách tự chủ tài chính đã mang lại những thay đổi quan trọng trong cách thức hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên như: Tăng tính chủ động trong quản lý, có quyền tự quyết định về các vấn đề tài chính, khuyến khích các trung tâm tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn thu nhập…
Từ đó, ông Hoàng Tiến Dũng kiến nghị, cần hoàn thiện cơ chế chính sách và khung pháp lý để hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc thực hiện tự chủ tài chính; đồng thời, cần có chính sách đào tạo chuyên biệt về đội ngũ cung cấp cho hệ thống giáo dục thường xuyên để đảm bảo nguồn nhân lực về lâu dài cho hệ thống.
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm để triển khai công tác quản lý chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam cho biết, cần nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời hướng dẫn các trung tâm triển khai đồng bộ, tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo tổ chức các chương trình giáo dục thường xuyên đúng quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa ngành Giáo dục với các địa phương trên địa bàn để quản lý các trung tâm; quan tâm đầu tư, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng điều kiện tổ chức các chương trình giáo dục thường xuyên; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, cập nhật những phương pháp giảng dạy mới, góp phần xây dựng uy tín và thương hiệu cho các trung tâm, thúc đẩy các trung tâm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.