Ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy
Trường Mầm non thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) là điển hình tiêu biểu cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô giáo Rơ Châm Lúp và cô Chu Hoàng Nhật Linh đã sáng tạo trong hoạt động giảng dạy bằng cách kết hợp tranh, ảnh, hiện vật và đồ chơi. Phương pháp này không chỉ giúp trẻ hứng thú hơn trong học tập mà còn thu hút sự chú ý, kích thích khả năng tư duy sáng tạo của các em.
Cô giáo Rơ Châm Lúp chia sẻ, nhà trường đã áp dụng phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Điều này giúp trẻ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, phát triển kỹ năng sống cần thiết. Với đặc thù trường có hơn 55% học sinh là người Jrai, việc dạy học song ngữ đã được triển khai nhằm hỗ trợ trẻ dễ dàng nắm bắt kiến thức. Các trò chơi và hoạt động trải nghiệm cũng được lồng ghép vào chương trình học, giúp các em phát triển tư duy sáng tạo và ghi nhớ tốt hơn.
Ngoài ra, Trường Mầm non thị trấn Ia Ly còn tập trung đầu tư xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức các giờ dạy mẫu và sinh hoạt chuyên môn hằng tháng để nâng chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên. Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Ia Ly Trần Thị Mơ chia sẻ, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động thực hành, trải nghiệm, học thông qua các trò chơi giúp phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách cho trẻ.
Tương tự, Trường Mẫu giáo Nghĩa Hưng (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) với cụm trường trung tâm và 5 lớp tại các thôn, làng cũng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm thực tế. Theo Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Nghĩa Hưng Đỗ Thị Nga, nhà trường lồng ghép giáo dục văn hóa truyền thống và kỹ năng sống vào giảng dạy, giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp và tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên. Đơn vị huy động đội ngũ giáo viên cốt cán giúp tư vấn, hỗ trợ và đánh giá hoạt động chuyên môn; tạo điều kiện cho các thầy cô học tập, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chuẩn nghề nghiệp.
Cô Đỗ Thị Phượng (giáo viên cốt cán của Trường Mẫu giáo Nghĩa Hưng) chia sẻ, cô được phân công giảng dạy tại điểm trường làng - nơi có gần 100% trẻ là người dân tộc thiểu số nên việc dạy vất vả hơn so với các điểm trường thuận lợi. Để những tiết học thêm phần vui tươi, kích thích sự chú ý và ghi nhớ của trẻ, cô luôn đổi mới phương pháp dạy, lựa chọn nội dung, hình thức và tổ chức các hoạt động vui chơi học tập phù hợp với khả năng các em. Cô luôn lấy trẻ làm trung tâm trong giảng dạy. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non.
Năm học 2024 - 2025, huyện Chư Păh có 16 trường, 121 lớp học với 3.434 trẻ bậc học mầm non. Ông Phạm Quang Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Păh cho biết, Hhyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung vào mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm và đảm bảo an toàn, phòng, chống bạo hành trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập. Địa phương cũng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ song song với thực hiện các đề án lớn như “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” và “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” giai đoạn 2022 - 2025. Những đề án này giúp tăng tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu số tiếp cận với giáo dục chất lượng cao. Hiện, huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với tỷ lệ trẻ từ 3-36 tháng tuổi đi nhà trẻ đạt 11,8% và trẻ từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 93,1%.
Đảm bảo trẻ em được hưởng môi trường giáo dục bình đẳng
Gia Lai hiện có 267 trường mầm non, mẫu giáo với gần 85.000 trẻ trong độ tuổi đến lớp; trong đó trên 52% là trẻ em người dân tộc thiểu số. Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng dạy học đáp ứng tốt mục tiêu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục mầm non đã thiết kế môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn về thể chất và tâm lý cho trẻ phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Phương Huệ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai) cho biết, ngoài các nguồn lực xã hội, tỉnh đã phê duyệt để Sở triển khai các dự án từ các tổ chức phi chính phủ như: Plan International (New Zealand), VVOB (Bỉ) và UNICEF Việt Nam. Những dự án này giúp bồi dưỡng năng lực giáo viên, tạo cơ hội cho đội ngũ giáo viên tiếp cận các tiến bộ trong giáo dục mầm non toàn cầu, đảm bảo trẻ em được hưởng môi trường giáo dục bình đẳng, dù ở vùng thuận lợi hay khó khăn. Đối với các trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở yêu cầu giáo viên cần có kỹ năng giao tiếp và hiểu biết về ngôn ngữ của người dân tộc bản địa để làm cầu nối trong việc dạy tiếng Việt.
Với những nỗ lực không ngừng trong đổi mới giảng dạy, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và huy động nguồn lực xã hội, Gia Lai đang dần hình thành môi trường học tập thân thiện, an toàn và hiệu quả. Những mô hình giáo dục mầm non sáng tạo đang được nhân rộng, hứa hẹn mang lại bước tiến vượt bậc trong mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ em, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.