Thí sinh làm bài tại Hội đồng thi ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội:
"Không nên tuyển sinh ngành sư phạm bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu. Những thí sinh mà đầu vào chỉ 9-10 điểm, đào tạo 3 năm ra, sẽ dạy học thế nào, lấy đâu ra người giỏi nữa. Thầy kém thì trò kém, trò kém khi vào trường đại học thì lại càng kém. Cứ thế cả một thế hệ sẽ ra sao?
Điểm đầu vào rất có ý nghĩa trong quá trình học tập trong nhà trường. Do đó, nên có tiêu chuẩn riêng cho điểm vào trường sư phạm. Nghề giáo là nghề đặc thù đòi hỏi thí sinh có phổ kiến thức rộng.
Năm nay tình hình tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ Sư phạm trở nên cực kỳ thảm hại và điều đó dự báo cho một nền giáo dục ngày càng xuống cấp. Cách đây khoảng 10 năm, trong số gần 1000 học sinh lớp 12 trường Lương Thế Vinh không có lấy một em thi vào ĐH Sư phạm. Tôi rất lấy làm buồn lòng và viết mấy câu thơ tâm sự gửi các em: “Các em vào đại học, thầy vui/ Dù chút băn khoăn, chút ngậm ngùi/ Không ai mong muốn vào Sư phạm/ Ai sẽ thay Thầy tuổi bảy mươi”. May sao năm ấy “kêu gọi” đó của tôi có khoản 10 em nộp đơn vào ĐH Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, các em đều có nguyện vọng về trường Lương Thế Vinh và tôi đã nhận các em".
Đại diện lãnh đạo trường ĐH Đà Lạt:
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có quy hoạch mạng lưới các trường đại học, nhất là đối với ngành sư phạm. Vấn đề này cần phải làm một cách bài bản và trách nhiệm vì đó là "máy cái" của ngành giáo dục.Ví dụ khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) mỗi nơi chỉ cần 1 trường đào tạo sư phạm trọng điểm, có chất lượng. Khi xác định được như vậy thì sẽ có những đầu tư phù hợp, chứ không như hiện nay.