Địa phương cần thúc đẩy sớm đưa trẻ mầm non đến trường

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội thảo 'Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non'. Trong đó, nhấn mạnh những tác động nặng nề của dịch COVID-19 dẫn đến khủng hoảng tâm lý ở trẻ mầm non và đưa ra các giải pháp thúc đẩy việc đưa trẻ mầm non sớm trở lại trường.

Đại diện nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc các cơ sở giáo dục mầm non ở nhiều địa phương phải tạm ngừng đón trẻ hoặc đón trẻ gián đoạn đã ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt của trẻ. Trẻ không được đến trường ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, trong đó tương tác xã hội, cảm xúc và nhận thức của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Chú thích ảnh
Cô giáo phụ trách lớp hướng dẫn các bé rửa tay sát khuẩn. Ảnh: Nam Sương/TTXVN.

Việc trẻ ở nhà dài ngày cũng khiến cha mẹ phải xoay sở với việc đảm bảo cuộc sống, nên có thể phải gửi trẻ cho người thân trông giúp làm xáo trộn môi trường sống và gắn kết với cha mẹ, dẫn đến khủng hoảng tâm lý ở trẻ. Do đặc thù cấp học mầm non không thể tổ chức dạy học trực tuyến, nên ảnh hưởng tới thực hiện kế hoạch năm học và chương trình giáo dục mầm non của các cơ sở giáo dục.

Theo thống kê, đến ngày 12/12/2021, vẫn còn 55/63 địa phương có cơ sở giáo dục mầm non chưa được hoạt động theo yêu cầu về phòng chống dịch. Từ tháng 5/2021 đến nay, có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ em, cần thúc đẩy sớm việc đưa trẻ em trở lại trường/lớp. Các cơ sở giáo dục mầm non cần chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch COVID-19 còn ảnh hưởng lâu dài, bảo đảm an toàn trường học và hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Thứ trưởng đề nghị các cơ sở giáo dục mầm non phối hợp với ngành Y tế để đánh giá điều kiện, mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 theo quy định và chủ động báo cáo cấp quản lý quyết định đưa trẻ em trở lại trường/lớp học. Trong quá trình tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện tốt vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị và điều chỉnh việc tổ chức các hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh, chơi và học theo chế độ sinh hoạt hằng ngày của trẻ em, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 tại địa phương và đảm bảo an toàn về phòng chống dịch theo quy định.

Các cơ sở giáo dục mầm non cần quan tâm tới đội ngũ giáo viên, người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là khối trường độc lập tư thục do phải tạm nghỉ kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Động viên để giáo viên mầm non không bỏ việc, đảm bảo nguồn giáo viên khi điều kiện học tập dần quay trở lại bình thường.

Lê Vân/Báo Tin tức
Đà Nẵng tạm dừng việc đi học trực tiếp của học sinh lớp 1 từ ngày 13/12
Đà Nẵng tạm dừng việc đi học trực tiếp của học sinh lớp 1 từ ngày 13/12

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tạm dừng việc đi học trở lại của học sinh lớp 1 từ ngày 13/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN