Em Nguyễn Minh Thư, Trường THCS Trần Quang Khải (quận Tân Phú) bước ra khỏi phòng thi với vẻ mặt rạng rỡ cho biết: "Đề Văn năm nay hay, nhất là chủ đề lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để hiểu biết, từng cái lắng nghe ứng với từng câu. Câu thứ nhất lắng nghe để thay đổi là nói về đại dịch COVID-19, câu thứ hai lắng nghe để yêu thương dành cho đề nghị luận xã hội, câu thứ ba lắng nghe để hiểu biết gắn với những giá trị đẹp, thông điệp mà tác giả gửi gắm đến từng tác phẩm".
“Với đề bài này, em nghĩ là các bạn sẽ làm được. Tuy nhiên để làm tốt thì mỗi người cần có sự quan sát, thấu hiểu những sự việc đã xảy qua xung quanh mình trong thời gian qua. Ngoài kiến thức trong sách vở, cần cập nhật những kiến thức ở ngoài xã hội. Với đề thi Văn này, em nghĩ mình được 8 điểm”, Minh Thư nhận xét.
Bước ra khỏi phòng thi, thí sinh Minh Hà, dự thi tại điểm thi Trường THCS Đặng Tấn Tài (quận 9) hào hứng nói: "Nhìn chung đề Ngữ Văn năm nay rất dễ, không thách đố thí sinh và hầu hết đều nằm trong chương trình ôn tập, các câu hỏi đều rất rõ ràng. Em rất thích chủ đề “lắng nghe” của đề thi năm nay. Vấn đề em lựa chọn quan tâm là lắng nghe mọi người xung quanh, bởi theo em chỉ khi lắng nghe người xung quanh thì mình có thể học hỏi đươc nhiều thứ và từ đó cố gắng hoàn thiện mình hơn”, Minh Hà chia sẻ.
Thí sinh Trị Thị Bảo Châu, Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ chia sẻ: "Các nội dung trong đề thi em đã được ôn gần hết. Môn Văn là một trong những môn em tự tin nhất trong 3 môn thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Em nghĩ bài làm này em được khoảng 8 điểm".
Theo nhận định của nhiều giáo viên dạy Ngữ Văn, đề thi năm nay tương đối dễ và nằm trong chương trình ôn tập; các câu hỏi hướng về những vấn đề mang tính cấp thiết, nóng hổi và có tính thời sự cao. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi năm nay rất mới so với những năm gần đây. Đặc biệt là ở câu hỏi nghị luận xã hội khác hẳn so với năm trước. Riêng ở phần phần đọc – hiểu mỗi năm thường cho hai văn bản, năm nay thì chỉ có một văn bản. Các câu hỏi đều ra theo hướng mở để thí sinh lựa chọn.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn trường THCS Hồng Bàng (quận 5) đánh giá: "Đề vừa có kiến thức, phương pháp làm bài, vốn sống, có kỹ năng phân tích đề thì sẽ làm được bài tốt, từ đó phân hóa được trình độ học sinh. Đề nhìn dễ nhưng tính phân hóa cao, kiến thức vững và có hiểu biết về cuộc sống thì làm tốt, hạn chế về kiến thức cuộc sống vẫn làm được nhưng ở mức độ thấp hơn. Đề hay và mở, tạo cho học sinh có khả năng và cơ hội bộc lộ quan điểm riêng của mình; không gò bó học sinh vào khuôn cụ thể".