Đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo không có sự thay đổi so với năm ngoái

Nhận định về một số đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT, các giáo viên cho biết, nhìn chung không thay đổi so với đề tham khảo năm 2021 và đề thi chính thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái.  

Trái với mong đợi

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2022, nhiều giáo viên tỏ ra khá bất ngờ khi đề không có nhiều thay đổi. Thậm chí, cấu trúc và kiểu dạng câu hỏi cơ bản giống như đề tham khảo và đề chính thức từ năm 2019-2020.  

Chú thích ảnh
Một phần đề tham khảo môn Ngữ văn. Ảnh: Chụp màn hình. 

TS Trịnh Thu Tuyết, Giáo viên dạy Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: “Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT quốc gia từ năm 2017 tới nay: phần Đọc hiểu (3,0 điểm), phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lý, nhận thức của học trò".

Cụ thể, phần Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại theo các cấp độ nhận thức đã được giảm tải. Cũng như đề tham khảo và đề chính thức kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2020 – 2021, hai câu hỏi 1 và 2 cho phần Đọc hiểu của đề tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm học 2021 – 2022 đều dừng lại ở mức độ câu hỏi nhận biết với những tín hiệu khá rõ ràng.  

Câu hỏi số 1 yêu cầu nhận biết về một yêu tố hình thức của ngữ liệu, đó là thể thơ; câu hỏi số 2 yêu cầu nhận biết về một yếu tố nội dung của ngữ liệu, đó là yêu cầu: “Theo đoạn trích, sông Hồng đã để lại những gì trước khi về với biển”. Với yêu cầu nhận biết, đây sẽ là những câu hỏi giúp học trò dễ dàng đạt mức điểm tuyệt đối dành cho mỗi câu hỏi, thường có thể từ 0,5 tới 0,75 điểm.

Câu hỏi số 3 hướng tới mức độ thông hiểu khi yêu cầu thí sinh giải thích một chi tiết nội dung của ngữ liệu đọc hiểu “Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam?...”.

Câu hỏi số 4 có thể coi là câu hỏi vận dụng cao khi yêu cầu học trò chỉ ra ý nghĩa của hai dòng thơ “…máu ta mang sắc đỏ sông Hồng/nỗi khổ và niềm vui bất tận” với suy nghĩ, xúc cảm… của các em. 

TS Trịnh Thu Tuyết nhận định: Với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kỳ thi THPT Quốc gia trước đây, phần Đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kỹ năng hứa hẹn khả quan cho quỹ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài. Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần Đọc hiểu trước đó, và đó cũng là những kỹ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học THPT. Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp THPT đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian…

Theo đề tham khảo năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kỹ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi đặt ra yêu cầu trong hai câu lệnh: “Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ” và “Nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân đươc thể hiện trong đoạn trích”. Với cấu trúc của câu nghị luận văn học, thí sinh sẽ xác định rất rõ ràng các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, có ý thức gắn kết giữa nội dung cụ thể của câu lệnh chính “Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ “ với việc nâng lên mức độ khái quát của một trong những tư tưởng quan trọng nhất của tác phẩm văn học là “tư tưởng nhân đạo”.  

TS Trịnh Thu Tuyết cũng cho biết, đề tham khảo đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm học 2021 – 2022, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới, dù không có được nhiều cảm giác hồi hộp đón chờ sự mới mẻ, bất ngờ, điều vốn luôn là những thách thức thú vị cần có của mỗi kì thi.  

Trước đó, lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nên có sự phân hoá và tăng độ khó để thí sinh được thử sức một cách thực sự thì các trường đại học mới tuyển được thí sinh phù hợp.  

Vẫn các chủ đề quen thuộc  

Nhận định của tổ Toán, Hệ thống giáo dục HOCMAI, cấu trúc đề thi tham khảo Tốt nghiệp THPT môn Toán giữ được tính ổn định, gần như không có sự thay đổi so với năm 2021. Điều này là hoàn toàn hợp lý, không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, phù hợp với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp.

Tuy nhiên, trong đề vẫn có một số câu hỏi ở dạng mới, cách cho dữ kiện đề bài mới lạ mang tính thử thách dành cho những thí sinh muốn lấy điểm tuyệt đối. Đề thi bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi Tốt nghiệp THPT những năm gần đây và tuân thủ đúng cấu trúc mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút. Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11.  

Khoảng 45 câu hỏi trong đề (90%) là các dạng bài quen thuộc, học sinh đã được làm quen trong quá trình ôn tập. Trong đó, 39 câu đầu là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu, học sinh chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết, có 5 câu hỏi mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12 thuộc các chủ đề Số phức, hàm số, mũ – logarit, hình Oxyz và tích phân (tương tự đề thi Tốt nghiệp năm 2021). Các câu hỏi vận dụng cao hầu hết là các dạng bài quen thuộc đã từng xuất hiện trong các đề thi trước đây (như cực trị hàm hợp, diện tích hình phẳng,…).  

Ngoài ra, đề thi xuất hiện dạng câu hỏi mới liên quan đến tiếp tuyến của mặt cầu (câu 49) và mang tính phân loại cao. Để giải quyết câu hỏi này, học sinh cần kết hợp nhiều kiến thức về hình học Oxyz như vị trí tương đối của điểm và mặt cầu, của mặt phẳng và mặt cầu; cách tính khoảng cách...

Còn theo nhận định của tổ Tiếng Anh, Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi có khoảng 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.  

Phần lớn các các câu hỏi kiến thức ngữ pháp và một số câu từ vựng rất quen thuộc với thí sinh trong quá trình học và ôn tập lớp 12. Các dạng bài ngữ âm hầu hết kiểm tra các từ cơ bản, xuất hiện trong sách giáo khoa; câu giao tiếp rất gần gũi với đời sống - đáp lại lời cảm ơn và lời đề nghị; dạng bài tìm câu đồng nghĩa, nối câu không xuất hiện các kiến thức mới, vẫn là các câu hỏi liên quan đến biến đổi thì, modal verb, câu gián tiếp, câu điều kiện và đảo ngữ. Đây là các dạng bài để gỡ điểm, học sinh có thể đạt điểm tối đa ở những nội dung này.

Bài đọc hiểu là các chủ đề quen thuộc như: Tầm quan trọng của giấc ngủ; Bản chất của việc đọc trong thế giới hiện đại; Công nghệ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta như thế nào. Bên cạnh đó, các bài đọc không xuất hiện nhiều từ khó đọc hay lối hành văn bay bổng nên học sinh dễ dàng hiểu được nội dung và tìm thông tin nhanh hơn.

Các câu hỏi có độ phân hóa học sinh tốt vẫn là các câu hỏi về từ vựng (từ cùng trường nghĩa, cặp từ dễ gây nhầm lẫn,…) và đọc hiểu suy luận như câu số 3, 12, 30, 44, 49, 50.

LV/Báo Tin tức
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2022
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2022

Tối 31/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN