Đề thi môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 giống cấu trúc đề năm 2017

Kết thúc môn thi ngữ văn sáng 25/6, thí sinh tại một số điểm thi trên địa bàn Hà Nội đánh giá đề thi vừa sức, nằm trong chương trình. Còn các giáo viên cho biết, đề thi đảm bảo đúng cấu trúc như mô hình đề từ năm 2017 và có tính phân loại thí sinh.

Chú thích ảnh
Thí sinh tại điểm thi trường THPT Việt Đức kết thúc môn thi ngữ văn. Ảnh: Lê Phú. 

Tại điểm thi THPT Trần Phú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, thí sinh Nguyễn Hải Duy Hưng, trường THPT Trần Phú cho biết: Đề thi ngữ văn năm nay khá dễ, phần 1 vừa sức với học sinh. Câu 5 điểm phù hợp năng lực của học sinh. Em áng chừng được 7 - 7,5 điểm.

Thí sinh Nguyễn Hà Giang, THPT Văn Hiến, Hà Nội cho biết: Đề thi năm nay nhìn chung bám sát thực tiễn và phù hợp với năng lực của học sinh. Nhất là câu viết đoạn văn ngắn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống rất gần gũi, em cũng như nhiều bạn đều làm tốt, dự đoán được 7 - 8 điểm.

Còn em Nguyễn Thanh Hằng, điểm thi THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho biết: Em làm được khoảng 70%, đề thi nằm trong chương trình học và không đánh đố học sinh. 

Nhận xét về đề thi chính thức môn ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019, tổ ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: Đề đảm bảo đúng cấu trúc mang tính thống nhất như mô hình đề từ năm 2017 với 2 phần là Đọc hiểu (3,0 điểm); Làm văn (7,0 điểm) chia thành 2 câu hỏi. Những ngữ liệu cho phần Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học có dung lượng vừa phải phù hợp với thời lượng 120 phút, có khả năng khơi gợi những suy nghĩ, xúc cảm mang giá trị nhân văn và có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc cho học trò.

Tổ ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI phân tích: Đối với phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm) có các câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao hầu như không thay đổi từ nội dung, mức độ cho đến phạm vi kiến thức, kĩ năng…

Ví dụ: Câu hỏi 1: Kiểm tra kiến thức về thể thơ đã lặp lại câu hỏi 1 của đề thi chính thức năm 2018. Nếu đối chiếu với đề thi tham khảo cho kì thi THPT quốc gia năm 2019, có thể thấy yêu cầu kiểm tra về kiến thức Tiếng Việt vẫn được lưu ý nhiều hơn so với kiểm tra khả năng suy nghĩ và cảm nhận về nội dung của ngữ liệu.

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Chu Văn An cho biết: Có cảm giác về sự chênh trong mức độ khó và các tầng nghĩa cần hướng tới của các câu hỏi 2, 3, 4. Nếu ở câu hỏi 2, sự thông hiểu chỉ dừng lại trong việc giải mã nội dung các dòng thơ tương đối hiển ngôn thì câu hỏi 3, lại yêu cầu học sinh phải chỉ ra hiệu quả của phép điệp trong 4 dòng thơ… có thể ít nhiều sẽ làm khó học trò bởi sự mơ hồ giữa một tầng nghĩa không hướng tới ý nghĩa của phần thông hiểu cũng như chủ đề sẽ hướng tới của phần nghị luận xã hội sau đó.

Bởi 15 câu thơ được trích trong bài “Trước biển” thực chất tách thành 2 đoạn với hai tầng nghĩa: 6 câu đầu là những cảm nhận về biển, 9 câu thơ sau là thể hiện khát vọng của con người trong sự liên tưởng tới những chân trời xa rộng của biển khơi - cho nên sự thiếu đồng nhất trong việc hướng tới chủ đề âu cũng là điều khó tránh.

Chính vì thế các câu hỏi 1, 2, 3 không hoàn toàn mang chức năng là sự chuẩn bị, khai phá, khơi mở cho nội dung vận dụng cao trong câu 4 và vấn đề nghị luận trong phần Làm văn. Đối với phần Làm văn (7,0 điểm), ở câu 1 (2.0 điểm) đưa ra yêu cầu nghị luận về “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống” - đây là vấn đề tương đối phù hợp với 9 câu thơ sau của ngữ liệu Đọc hiểu, cũng tương đối phù hợp với phần vận dụng cao trong câu hỏi 4 phần đọc hiểu - sự phù hợp ấy sẽ giúp cho học trò những nền tảng đầu tiên của suy nghĩ, cảm nhận trong quá trình nghị luận.

TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, có một vấn đề cần quan tâm về sự diễn đạt cần chính xác hơn trong câu lệnh. Nếu yêu cầu của câu lệnh là “viết một đoạn văn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống” thì vấn đề nghị luận sẽ là yêu cầu của một bài văn nghị luận xã hội và nội dung nghị luận sẽ phải triển khai theo một hệ thống ý giúp khám phá về toàn bộ vấn đề “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”.

Ví dụ: Có thể triển khai về “sức mạnh ý chí”, khái niệm thế nào là sức mạnh ý chí/biểu hiện của sức mạnh ý chí/vai trò, ý nghĩa của sức mạnh ý chí/giải pháp rèn luyện sức mạnh ý chí/bàn luận, phản biện về sức mạnh ý chí/bài học cho bản thân về sức mạnh ý chí…

“Sẽ hoàn toàn chính xác với yêu cầu của một đoạn văn nếu câu lệnh được thay đổi theo cách: “…viết một đoạn văn về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống”. Với yêu cầu đó, vấn đề nghị luận sẽ không phải là “sức mạnh ý chí của con người” mà là “ý chí của con người”; và giới hạn vấn đề nghị luận trong đoạn văn sẽ là “sức mạnh” của ý chí con người - khía cạnh nghị luận này tương đương với ý nghĩa, vai trò… mà học sinh đã rất quen thuộc trong quá trình ôn luyện viết đoạn văn”, TS Trịnh Thu Tuyết cho biết.

Ở câu 2 (5,0 điểm) - Câu Nghị luận văn học - Tổ Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: Nghị luận là phần mở đầu của đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng song” - một đoạn văn đẹp, giàu chất thơ, thể hiện sinh động vẻ đẹp hung vĩ, thơ mộng, đắm say của dòng sông Hương nơi thượng nguồn; cũng thể hiện đồng thời những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Tài hoa và trí tuệ, sâu sắc và tình tứ, hướng nội và đắm say… Đây là một ngữ liệu giúp khơi gợi những xúc cảm thẩm mĩ phong phú của học trò.

"Yêu cầu nghị luận được thể hiện trong hai ý của câu lệnh:

Ý thứ nhất là cảm nhận về hình tượng sông Hương là một nội dung phù hợp, chính xác với ngữ liệu, cũng là yêu cầu thể hiện vấn đề trọng tâm cơ bản của toàn bộ bài bút kí.

Ý thứ hai, “nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường” thực chất là yêu cầu học sinh phải chỉ ra được góc nhìn mang tính chất mới mẻ, độc đáo của nhà văn về dòng sông Hương của xứ Huế - bởi theo tâm thế của văn học nghệ thuật từ văn, thơ, nhạc, họa từ xưa đến nay luôn hình dung miêu tả về sông Hương chỉ với một “khuôn mặt kinh thành” của một dòng sông êm đềm, phẳng lặng, nhiều khi buồn bã, tự như không trôi chảy… và ngược dòng không gian, tìm hiểu vẻ đẹp của sông Hương nơi thượng nguồn chính là góc nhìn mới mẻ, độc đáo ấy của nhà văn giúp người đọc có thể khám phá những gương mặt khác, những vẻ đẹp khác của dòng sông, cũng giúp lí giải được “vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ” của dòng sông trong thành Huế. Và do đó, nếu diễn đạt trong câu lệnh là “góc nhìn mới về sông Hương” có lẽ sẽ chính xác hơn là cách nhìn mang tính “phát hiện”", tổ Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI phân tích. 

Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên Tuyensinh247.com nhận xét: Về cơ bản, cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2019 bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 6/12/2018. Đề thi gồm có 2 phần: Phần 1: Đọc hiểu. Phần này sẽ chiếm 30% tổng số điểm; Phần 2: Làm văn. Phần này chiếm 70% tổng số điểm bài thi.

“Cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần Đọc hiểu có ngữ liệu đọc hiểu là văn bản thơ “Trước biển” của tác giả Vũ Quần Phương, theo đó là 4 câu hỏi ở các mức độ từ nhận biết (nhận diện thể thơ), thông hiểu (cách hiểu nội dung của hai câu thơ) đến vận dụng thấp (nêu hiệu quả biểu đạt của biện pháp nghệ thuật) và vận dụng cao (suy nghĩ về hành trình theo đuổi khát vọng của con người). Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến các vấn đề ý nghĩa, có hiệu quả trong việc đánh giá năng lực của học sinh”, cô Phạm Thị Thu Phương cho biết.

Cũng theo cô Phạm Thị Thu Phương, một phần quan trọng nữa không kém là chúng ta cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, chúng ta cần dành khoảng 15 - 20 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 - 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt.

“Nhìn chung, đề thi THPT quốc gia môn ngữ Văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được công bố vào ngày 25/6/2019 là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi”, cô Phạm Thị Thu Phương nhận định.

Lê Vân - Thu Trang/Báo Tin tức
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ động viên các thí sinh thi THPT quốc gia tại Đắk Lắk
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ động viên các thí sinh thi THPT quốc gia tại Đắk Lắk

Sáng 25/6, hơn 20.000 thí sinh tỉnh Đắk Lắk cùng các thí sinh cả nước đã bắt đầu thi Ngữ văn - môn đầu tiên của Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN