Để học sinh Hà Nội không còn phải khai giảng dưới lòng đường

Cảnh học sinh phải xếp hàng chào cờ, khai giảng dưới lòng đường bởi trường không có quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất, vẫn diễn ra ngay ở trung tâm Thủ đô ngay trước thềm năm học mới. Thực trạng này thật sự khiến người dân phải trăn trở và các cấp chính quyền của Hà Nội cần để tâm...


Chỉ có chỗ để học


Tận mắt chứng kiến cảnh các em học sinh trường Tiểu học Bà Triệu (phố Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xếp hàng dưới lòng đường để tập dượt cho lễ khai giảng năm học mới, nhiều người không khỏi bất ngờ và đặt câu hỏi: "Sao vẫn còn tình trạng này ở giữa trung tâm Thủ đô". Tuy nhiên, với những người dân ở khu vực xung quanh trường, cũng như những người thường xuyên đi qua đây, thì điều này không có gì lạ. "Thậm chí chúng tôi đã quen với cảnh cứ thứ hai hàng tuần, học sinh trường lại mang ghế ra xếp hàng chào cờ dưới lòng đường, còn giáo viên xếp thành hàng rào bảo vệ phía sau, công an phường phải chặn đường xe đi qua”, chị M, một người dân ở phố Tô Hiến Thành cho biết.

Cảnh chào cờ dưới lòng đường diễn ra thường xuyên ở trường Tiểu học Bà Triệu. Ảnh: Tuấn Anh


Trường Tiểu học Bà Triệu tại phố Tô Hiến Thành là cơ sở chính, gồm 8 lớp, với hơn 200 học sinh. Tất cả "khuôn viên" của trường chỉ là một ngôi biệt thự cổ, vì vậy ngoài chỗ học ra, học sinh không có chỗ nào để vui chơi. Còn mọi hoạt động sinh hoạt tập thể như chào cờ, khai giảng, ngày lễ, tết, 20/11… thì phải đem ra... lòng đường; vừa không đảm bảo an toàn cho các em học sinh, vừa vi phạm an toàn giao thông. Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bà Triệu chia sẻ: Biết là như vậy, nhưng với tình trạng thiếu đất xây dựng cơ sở vật chất hiện nay, thì cũng đành "chấp nhận".
Không chỉ riêng trường Tiểu học Bà Triệu, tại Hà Nội còn khá nhiều trường đang thiếu quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập của học sinh như: Tiểu học Võ Thị Sáu (35 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm); Tiểu học Lê Ngoc Hân, Chu Văn An (Tây Hồ)… Các trường này đang phải đi thuê, mượn địa điểm để giảng dạy.


Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội (Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội) cho biết: Đúng là hiện nay một số trường nội thành đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất như thiếu đất xây trường, khu sinh hoạt... Các trường này thường phải mượn hoặc thuê địa điểm bên ngoài trường mới đủ cơ sở vật chất. “Về lâu dài, cần có những giải pháp hỗ trợ các trường này. Qua những đợt kiểm tra trong năm học, Sở đã có báo cáo, kiến nghị lên thành phố xin cấp đất, giải quyết cho những trường đang thiếu đất, mặt bằng xây dựng cơ sở vật chất như hiện nay và đang chờ thành phố ra hướng giải quyết”, ông Dũng cho biết.


Theo các chuyên gia giáo dục, việc một số trường thiếu quỹ đất không chỉ ảnh hưởng đến những sinh hoạt chung mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện của trẻ. Học sinh không có sân chơi, không có giờ thể dục sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của các em. Đây cũng là một trong những điều khiến các bậc phụ huynh ngần ngại khi cho con đến học các trường này. “Phụ huynh rất tin tưởng chất lượng của trường nhưng họ cũng rất băn khoăn vì trẻ không được hoạt động nhiều, do vậy khi tuyển sinh vào trường cũng là một vấn đề”, bà Nguyễn Ngọc Thúy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bà Triệu, chia sẻ.


Nỗ lực vào cuộc


Vừa qua, 10/29 quận, huyện của Hà Nội đã gửi kiến nghị đề nghị thu hồi 40.000 m2 đất bỏ không làm quỹ đất xây trường cho những trường thiếu cơ sở vật chất. Kiến nghị này đã nhanh chóng được Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, xem xét.


Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên cơ sở rà soát, xem xét, vừa qua sở đã kiến nghị UBND thành phố thu hồi hàng nghìn m2 đất của các doanh nghiệp bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả, để xây dựng trường học công lập tại 10/29 quận, huyện trên địa bàn. Hiện đã có 3 dự án được giao cho UBND các quận, huyện xây dựng trường học.


Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, để đảm bảo hiệu quả của dự án, với mạng lưới trường học tại các dự án khu đô thị, khu nhà ở, các đơn vị nhận bàn giao quỹ đất xây dựng trường học phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, khẩn trương lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định... Với các địa điểm xây dựng trường học công lập tại các khu dân cư mật độ cao do UBND các quận, huyện đề xuất, các đơn vị có trách nhiệm phải khẩn trương tổng hợp hồ sơ sử dụng đất, các tài liệu liên quan đến giải quyết tranh chấp, để rà soát quy hoạch và đề xuất phương án sử dụng đất; trong đó có việc thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường học theo quy định.

 

Ông Phan Đăng Long, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Luôn coi giáo dục là ưu tiên hàng đầu

Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tăng dân số cơ học, gây áp lực lên hạ tầng giáo dục. Thành phố luôn coi giáo dục là ưu tiên hàng đầu, trong đó có việc hoàn thiện cơ sơ vật chất, giáo dục đào tạo để tạo thuận lợi cho học sinh học tập. Chính vì vậy Hà Nội chủ trương thu hồi một số quỹ đất sử dụng kém hiệu quả sang xây trường học.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai: Thu hồi đất để xây dựng trường công lập

Chúng tôi đã đề nghị thu hồi 7 lô đất thuộc các khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp; Linh Đàm và khu nhà ở Vĩnh Hoàng để xây trường công lập. Trên thực tế, khi thực hiện dự án, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến đầu tư xây dựng nhà. Còn các công trình hỗ trợ như trường học, y tế thường giao cho các nhà đầu tư thứ phát. Tuy nhiên các chủ đầu tư này cũng không đầu tư các công trình trường học, y tế, trong khi cư dân các khu đô thị này đông đúc và nhu cầu về giáo dục, y tế đều rất cao. Chính vì vậy quận đã đề xuất thu hồi đất để đầu tư xây dựng trường học.

Chị Lê Thanh Bình (Hai Bà Trưng, Hà Nội): Không vận động trẻ sẽ ỳ trệ

Hai cháu nhà tôi đều đang học tại trường Tiểu học Bà Triệu. Bình thường ở nhà các cháu rất nghịch ngợm, chạy nhảy nô đùa nhưng đến trường hầu như chỉ là hoạt động tĩnh, các cháu không được tập thể dục, không được vận động giữa giờ khiến tôi khá lo lắng. Mặc dù trường có đưa ra một số trò chơi dân gian như cờ vua, cờ tướng, mở rộng thư viện cho các em đọc sách… nhưng phần lớn thời gian các con ở trường mà không được vận động, tôi sợ các cháu bị ỳ trệ và ảnh hưởng đến sự phát triển.

Những điểm “đất vàng” nằm trong đề xuất thu hồi

Hiện đã có 10/29 quận, huyện của địa bàn thành phố Hà Nội trình đề xuất bổ sung quỹ đất xây dựng các trường học công lập tại khu dân cư mật độ cao. Cụ thể như sau:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN