Tuy nhiên, trong thực tế, từ những người làm công tác giáo dục đến các bậc phụ huynh, học sinh thường có những định kiến, biểu hiện lệch lạc đáng lo ngại về các môn học.
Các môn Toán, Lí, Hóa, Ngoại ngữ... thì được hết sức coi trọng, xem là môn chính, còn các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Công nghệ... lại bị xem thường, bị coi là môn phụ, không đáng học. Nhiều thầy cô giáo gặp phụ huynh, lên lớp đứng trước học sinh cũng quen miệng nói, đây là các môn chính, cần phải học thật nhiều, thật kỹ, kia là các môn phụ, học ít thôi cũng được. Nhiều trường, từ lâu, có dạy thêm, dạy phụ đạo cho các đối tượng học sinh tại trường, cũng chủ yếu dạy - học các môn tự nhiên, còn các môn xã hội thì không.
Để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường, cần loại bỏ tư tưởng môn chính - môn phụ. |
Từ đây, dẫn đến chuyện bên trọng - bên khinh giữa thầy cô môn tự nhiên - môn chính với thầy cô môn xã hội - môn phụ. Đến các kỳ thi thử, kiểm tra kết thúc học kỳ, cả năm cho học sinh, không ít các sở giáo dục, phòng giáo dục, nhà trường lại có cách chỉ đạo, cách làm mang tính phân biệt giữa các môn chính với các môn phụ. Đối với những môn phụ như Sử, Địa, Giáo dục công dân... thì giáo viên tự lo mà kiểm tra, tự chấm bài, tỉ lệ bao nhiêu cũng được. Trong khi đó, các môn chính như Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ... được tổ chức thi chung, đề chung, rọc phách chấm chung, phân loại tỉ lệ điểm các lớp. Các công đoạn bài bản, nghiêm túc y như thi tốt nghiệp THPT vậy.
Cách đây, mấy năm, ở TP Hồ Chí Minh từng có chuyện phân biệt đối xử các em học sinh đã thích học sử, đầu tư vào môn học để đạt giải cấp TP nhưng lại không được ưu tiên khi thi tuyển vào lớp 10, các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn... thì lại được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp chuyên. Một phụ huynh từng búc xúc: “Nếu biết trước có sự phân biệt, bất công như thế, tôi chẳng muốn cho con theo đuổi những môn học phụ như Sử, Địa đâu”.
Ngay cả cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo cũng có những nhận thức, biểu hiện lệch lạc, không đúng đắn về quan điểm, chủ trương giáo dục toàn diện học sinh thì làm sao đòi hỏi, mong mỏi học sinh, phụ huynh không phiến diện, không lệch lạc trong cách ứng xử, học tập các môn học, nhất là các môn khoa học xã hội - nhân văn? Đây cũng là nguyên nhân rất cơ bản để trả lời cho câu hỏi vì sao học sinh, sinh viên học xong lớp 12 mà vẫn hụt hẫng nhiều về kỹ năng sống, kiến thức hiểu biết xã hội.
Tư tưởng, tâm lý học tập quá thực dụng, học tập chỉ để thi cử, đỗ đạt đã ăn sâu, bám chặt trong máu thịt nhiều học sinh, phụ huynh, góp phần làm cho mục tiêu của chương trình phân ban ở bậc THPT được triển khai, thực hiện trong 10 năm qua bị lạm dụng, lệch vẹo đến mức báo động.
Chúng ta hay đề cập nhiều đến giáo dục toàn diện cho học sinh về mọi mặt. Từ quan điểm, chủ trương đến cấu tạo chương trình dạy học đều thấm thía sâu sắc tinh thần trên. Song, không hiểu vì sao, khi triển khai vào thực tế lại vấp phải quá nhiều vật cản, mục tiêu giáo dục toàn diện càng trở nên xa vời? Theo chúng tôi, trước tiên phải bắt đầu chỉnh đốn từ nhận thức, lề lối chỉ đạo, làm việc của các cấp quản lý giáo dục, của ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên.
Các môn học tại nhà trường không có chuyện phân biệt môn chính, môn phụ, trả lại vị trí bình đẳng, ngang hàng giữa các môn, giữa học chữ với học người. Các năm học tới, Bộ GD - ĐT nên phát động phong trào “học tập toàn diện, nói không với học lệch”; kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những biểu hiệu học tập lệch lạc từ học sinh cũng như tác động tiêu cực của phụ huynh. Công tác kiểm tra, chỉnh đốn của cấp trên cần được tăng cường về dạy - học toàn diện của các cơ sở giáo dục.
Không chỉ dừng lại đó, Bộ GD và ĐT cần có những điều chỉnh, cải tiến, đổi mới hơn nữa về công tác đánh giá, kiểm tra, thi cử nhằm tác động hiệu quả đến hoạt động dạy - học của thầy và trò ở nhà trường. Tôi thấy Thông tư 58, năm 2011 đang áp dụng, về đánh giá, xếp loại Hạnh kiểm, học lực của học sinh phổ thông, bỏ tính hệ số đôi đối với các môn Toán, Ngữ văn, chuyển cho điểm sang đánh giá mức độ (đạt, chưa đạt) đối với các môn Thể dục, Nhạc họa… là hoàn toàn phù hợp, bớt đi áp lực và phân biệt môn chính, môn phụ. Dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD và ĐT có một số điểm mới đáng chú ý.
Theo đó, về nội dung thi: Năm 2017 nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT (năm 2018 nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, từ năm 2019 trở đi, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm THPT). Về cách thức thi, ngoài 3 môn thi bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ, còn có 2 bài thi tổ hợp các môn khoa học xã hội và các môn khoa tự nhiên bằng phương thức trắc nghiệm khách quan (kiểu như trường ĐH quốc gia từng làm 2 năm nay). Những điểm mới trên sẽ góp phần chống được “bệnh” học tủ, học lệch trong học sinh, giảm bớt chuyện phân biệt giữa môn chính, môn phụ, xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, toàn diện.
Ngay cả, thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng cần có các thay đổi cho phù hợp, thống nhất, đồng bộ giống như thi THPT quốc gia vậy, tức là ra những bài thi tổng hợp bằng hình thức trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn) thì cách dạy và học ở bậc THCS sẽ tốt lên, bớt đi chuyện học tủ, học lệch do cách thi truyền thống, chậm được cải tiến.
Tôi tin rằng, hiện tại ngành giáo dục có đủ nguồn lực và sức mạnh để đẩy lùi “bệnh“: học tủ, học lệch, phân biệt môn chính - môn phụ.