Ngày 18/8 tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông với sự tham dự của 500 nhà giáo, nhà sử học đầu ngành.
Đây là lần đầu tiên một hội thảo khoa học quy tụ đông đảo giáo viên dạy sử ở 63 tỉnh thành.
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu cho rằng việc dạy và học môn sử đang “có vấn đề” và càng ngày không chỉ học sinh mà chính các nhà quản lý giáo dục cũng coi thường môn học lịch sử.
Theo giáo sư Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, mấy năm gần đây thực trạng dạy và học lịch sử trong trường phổ thông đã gây ra sự bức xúc, nỗi lo âu của xã hội. Điều đó không chỉ được phản ánh qua điểm số các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng mà còn qua kết quả điều tra xã hội học, qua các sân chơi truyền hình và qua dư luận xã hội.
Mặt hạn chế nặng nề nhất của giáo dục môn sử là đại bộ phận học sinh không thích học môn sử, coi như môn học của các sự kiện, năm tháng, môn học của trí nhớ, khô khan, nhàm chán. Thái độ đó thật đáng buồn nhưng hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của học sinh mà là trách nhiệm của nền giáo dục và chính là biểu hiện của việc dạy và học môn sử chưa có hiệu quả.
“Lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong các trường phổ thông. Minh chứng rõ nét nhất là trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông, môn sử bị coi là môn phụ, có năm thi, năm không. Năm nào không thi thì nhà trường cho học dồn để dành thời gian cho các môn khác. Thầy cô dạy sử cũng dễ dàng được thay thế bằng thầy cô các môn khác, có khi là môn thể thao chẳng hiểu gì về lịch sử. Một môn học bị coi nhẹ đến như vậy thì làm sao có thể nhận được sự quan tâm của học sinh” - giáo sư Phan Huy Lê nói.
TheoTuoitre.vn