Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát 94 hồ sơ của các ứng viên
Giáo sư và Phó giáo sư (GS, PGS) đề nghị công nhận năm 2017, bị để lại do có dấu hiệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc có khiếu kiện.
Kết quả là có 53 ứng viên đủ điều kiện, 41 ứng viên không đủ điều kiện, trong đó có một số ứng viên tự xin rút hồ sơ. Trong 53 ứng viên đủ điều kiện được công nhận GS, PGS có 9 GS và 44 PGS.
Theo danh sách 53 ứng viên đạt tiêu chuẩn GS,PGS vừa được công bố, 9 GS được công nhận gồm: Lê Quân, thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội; Phạm Văn Toản, Viện Nông Nghiệp Việt Nam; Dương Tấn Nhựt, Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên; Hoàng Khắc Nam, Nguyễn Vũ Hảo trường ĐH KHXH&NV ĐH QGHN; Lâm Quang Thành, Viện Khoa học Thể dục Thể thao; Nguyễn Huy Dân, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Nguyễn Minh Hà, Viện Y học Cổ truyền Quân đội – Bộ Quốc phòng; Nguyễn Đức Trọng, Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội.
Trong 41 ứng viên không được công nhận đợt này, có 2 ứng viên GS là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Nguyễn Duy Lâm, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và 39 ứng viên PGS.
Xem Danh sách công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư kèm theo Quyết định số 11/QĐ-HĐCDGSNN ngày 3/4/2018 tại đây.
Từ kết quả này, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước sẽ thực hiện theo đúng quy định là chỉ công nhận những ứng viên đủ tiêu chuẩn.
Bộ cũng sẽ tiếp tục xử lý các cơ sở giáo dục công nhận số giờ giảng cho các ứng viên không chính xác và sẽ công bố công khai cho công luận.
Lý giải về nguyên nhân 41 hồ sơ chức danh GS, PGS bị loại, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT nêu ra ba thiếu sót cơ bản về hồ sơ của các ứng viên:
“Theo quy định trong hồ sơ của ứng viên thỉnh giảng phải có hợp đồng, thanh lý hợp đồng và có đánh giá của hiệu trưởng cơ sở giảng dạy; nhưng một số hồ sơ không có hợp đồng hoặc không có thanh lý hợp đồng, thậm chí hợp đồng môn này nhưng lại thanh lý môn khác. Thậm chí có trường hợp làm mới hồ sơ của các năm trước mà không có căn cứ.
Cũng có ứng viên kê khai loại giáo trình trong hồ sơ và được tính điểm, tuy nhiên khi xác minh giáo trình này lại chưa được hiệu trưởng chọn. Mà theo quy định của pháp luật thì giáo trình chỉ được công nhận khi hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học chọn và thừa nhận lựa chọn để sử dụng.
Lại có trường hợp vi phạm quy định về thâm niên. Ví dụ, quy định về thâm niên của GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ đại học, tức là phải dạy các lớp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ nhưng lại kê khai dạy chương trình bồi dưỡng thì giờ giảng đó là không đúng quy định của pháp luật. Từ đó đi tới kết luận không đủ giờ dạy, không đủ thâm niên". |