Đại tướng với sự nghiệp chấn hưng giáo dục

LTS: GS.TSKH, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD, Chủ tịch Hội cựu giáo chức Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người - người đã vinh dự có thời gian được làm việc với Đại tướng đã dành riêng cho báo Tin Tức bài viết của ông về những kỷ niệm với Đại tướng.

 

Nghe tin Đại tướng từ trần, tôi thực sự đau lòng, buồn và thương tiếc một vị Đại tướng tài ba lỗi lạc. Đại tướng ở thế hệ cha, chú, Người đúng bằng tuổi bố tôi. Đối với tôi, ông như người cha, người thầy luôn nói chuyện ân cần, có những lời dặn dò sâu sắc quý hóa mà tôi không bao giờ quên. Bản thân tôi cũng như ngành giáo dục rất biết ơn những tư tưởng, chỉ đạo cũng như sự quan tâm của Đại tướng đối với ngành giáo dục nói chung và bản thân tôi nói riêng.


Vào những năm 1980, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách văn xã và khoa giáo, tôi đang làm Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, nên có cơ hội được tháp tùng Đại tướng đi công tác và có một số buổi làm việc. Trong 25 năm, từ năm 1981 - 2006, được đi công tác, gặp gỡ nói chuyện, trao đổi với Đại tướng nhiều lần, với tôi, Người thực sự là một tấm gương vĩ đại, một Đại tướng của nhân dân, đồng thời như là người cha luôn ân cần chỉ bảo điều hay, lẽ phải.

 

Ngày 7/5/2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội đồng Đội thiếu niên nhi đồng đến thăm và chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.Tư Liệu


Còn nhớ vào những năm 1984, tôi được đi công tác cùng Đại tướng khoảng 3 tuần. Trong khoảng thời gian đó, tôi được bố trí ở cạnh phòng Đại tướng, ăn cơm chiều xong Người thường gọi tôi sang nói chuyện rất gần gũi và giản dị. Là một Đại tướng nhưng Người không có những đại ngôn, dùng từ đao to búa lớn mà rất đời thường, giản dị. Người luôn tâm niệm tư tưởng phục vụ nhân dân, làm việc vì sự cống hiến, vì nước, vì dân, không màng quyền lợi hay những điều hẹp hòi. Trong chuyến đi đó, khi đến Bình Định, sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Người đã hỏi han về đặc sản nơi đây là bánh đa Bình Định. Như vậy đủ thấy Người quan tâm và gắn bó đến đời sống người dân như thế nào. Một ấn tượng nữa là trong chuyến đi của Đại tướng luôn có một sĩ quan mang theo mấy hòm sách. Các sĩ quan kể, hồi chiến tranh đi chiến dịch, Đại tướng luôn có người gánh sách theo, con người rất sát với đời sống nhân dân, nhưng luôn học tập, học tập không ngừng và học tập suốt đời.


Điều gây ấn tượng nhất với tôi là sự quan tâm thường xuyên của Đại tướng đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ nước nhà. Mỗi lần đến với Đại tướng, khi nói đến tình hình giáo dục thì Đại tướng luôn nắm tình hình rất kỹ, có thể cảm nhận được sự phân tích sâu sắc và sẵn có các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục nước nhà trong bộ óc vĩ đại của Người. Sự quan tâm đó đúng là một nhà giáo trở thành vị tướng lỗi lạc cũng như một vị tướng lại luôn là một nhà giáo hết sức tiêu biểu trong thế kỷ 20 của chúng ta. Ngày hôm nay, khi Đại tướng đã đi xa nhưng những tư tưởng cũng như tấm gương ngời sáng của Người còn sống mãi đối với nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, tôi xin nhắc đến một vài điều quan trọng về quan điểm, tư tưởng và đường lối phát triển giáo dục cũng như bài học mà tôi, cùng những người làm giáo dục thu nhận được qua các buổi làm việc, những bài viết và lời căn dặn của Đại tướng.


Tư tưởng giáo dục của Đại tướng thấm nhuần tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó là muốn thoát khỏi lạc hậu, nghèo khổ, nô lệ thì phải làm giáo dục để sánh vai với các cường quốc năm châu. Điều thứ 2 có thể nói là bài học phục vụ nhân dân. Đấy là một điều hết sức cốt yếu mà tôi thấy trong việc noi gương Bác Hồ của Đại tướng. Nói rộng ra, chúng ta xây dựng nền giáo dục để đem chữ nghĩa, tri thức đến đông đảo mọi tầng lớp xã hội và nhân dân. Từ đó có thể nói đến điểm thứ ba là công việc của giáo dục chính là một nguồn quan trọng để vun đắp, nuôi dưỡng và phát huy “sức mạnh văn hóa”.

Đại tướng nói đây là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã trình bày quan điểm này trong hồi ký viết trong những ngày sau chiến thắng Biên giới (1950), trên đường Đại tướng đi công tác về miền trung du Bắc Bộ. Bây giờ, học tập và nghiên cứu lịch sử Cách mạng kháng chiến của quân và dân ta thì ngày càng rõ nội dung của quan điểm “sức mạnh văn hóa”. Đó là sức mạnh tinh thần, sức mạnh trí tuệ, sức mạnh của con người... có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng và kháng chiến. Tất nhiên, tinh thần, trí tuệ và con người phải có công cụ như trong chiến tranh phải có vũ khí, đạn dược, máy bay, xe tăng... Nhưng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp thì sức mạnh tinh thần, trí tuệ và con người khái quát là “sức mạnh văn hóa”, giữ vai trò quyết định đối với thắng lợi của cách mạng và kháng chiến. Nhưng tinh thần, trí tuệ và con người không phải tự nhiên có mà phải giáo dục. Như Đại tướng đã thực hiện các chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam. Đối với thế hệ trẻ, muốn có “sức mạnh văn hóa” thì phải tổ chức hệ thống giáo dục làm sao có thể phục vụ cách mạng, đất nước từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Trong giáo dục rất coi trọng các tri thức khoa học tự nhiên và ở bậc cao hơn là các kiến thức về khoa học - kỹ thuật - công nghệ, nhưng Đại tướng vốn là giáo viên dạy lịch sử nên người hiểu hơn ai hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc dạy và học lịch sử và công tác giáo dục đạo đức (giáo dục công dân). Đồng thời phải coi trọng quốc văn, quốc ngữ, quốc sử và địa lý nước nhà để thế hệ trẻ tiếp thu và phát triển được tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và nói chung lại là tinh thần công dân, biết đem năng lực do nhà trường, xã hội và gia đình hình thành cho để tạo lập cuộc sống bản thân, gia đình, đồng thời đóng góp cho xã hội và cống hiến cho Tổ quốc. Tất nhiên, "sức mạnh văn hóa" mà cốt lõi là sức mạnh tinh thần còn có cả năng lực trí tuệ và các năng lực (kỹ năng) vận dụng khoa học - kỹ thuật - kinh tế vào sản xuất, kinh doanh và đời sống. Nói tóm lại, Đại tướng hết sức quan tâm thực hiện những lời dạy của Bác hồ, coi trọng giáo dục thế hệ cách mạng.

Và trong quá trình công tác bản thân tôi đã đi sâu vào phát triển quan điểm này để xây dựng bộ môn giá trị học ở Việt Nam, biến "sức mạnh văn hóa" thành ra phẩm chất và năng lực cụ thể và khái quát lên là tâm lực, trí lực, thể lực và sức mạnh văn hóa ở mỗi người là do gia đình, xã hội hình thành nên và xã hội sẽ đánh giá, sử dụng, tôn vinh con người theo sự hình thành phát triển giá trị bản thân (các kết quả nghiên cứu Giá trị học đã báo cáo với Bộ Chính trị tháng 4/2008, đã đưa vào Báo cáo tổng kết sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam, trình Đại hội XI (1/2011), vận dụng xây dựng Triết lý giáo dục Việt Nam thời nay).


Về tư tưởng phát triển giáo dục của thời đại ngày nay Đại tướng viết sau Đại hội X (2007), đã chỉ ra chúng ta phải đổi mới nền giáo dục nước nhà một cách “căn bản và toàn diện”. Trong các buổi nói chuyện khác, Đại tướng còn đề xuất một ý kiến mạnh mẽ hơn là chúng ta phải “cách mạng nền giáo dục nước nhà”. Trong đó, Đại tướng nhấn mạnh vấn đề xác định mục tiêu số một của giáo dục trong nền giáo dục hiện đại mới, chuyển từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp, hiện đại, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đại tướng nhấn mạnh, thời đại mới có yêu cầu mới thì ngành giáo dục (cả đào tạo) phải vận dụng được các bài học của thế giới phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, nhằm đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam.


Đại tướng cũng nói đến các điều kiện để phát triển giáo dục, trong đó coi trọng số một là đội ngũ các nhà giáo và nhà quản lý giáo dục. Đại tướng cũng đánh giá cao vai trò của khoa học giáo dục, các chuyên gia trong sự nghiệp này và các vấn đề khác như: chương trình sách giáo khoa, cơ sở vật chất... Đại tướng rất lưu ý đến vấn đề chuyên môn như hướng nghiệp, phân luồng mà ngành giáo dục cần phải quan tâm thích đáng thì mới đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - là một trong 3 khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ 2011 - 2020 mà Đại hội 11 đã thông qua.


Tôi cũng như các bạn đồng nghiệp cùng các em sinh viên và học sinh ghi lòng tạc dạ những điều Đại tướng đã mong muốn chấn hưng nền giáo dục nước nhà đi vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21. Chúng tôi cùng nhau theo gương Đại tướng rèn luyện bản thân cả đạo đức lẫn trí tuệ, tiếp bước cha anh, góp phần thực hiện những điều mong ước của Đại tướng: Bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền, xây dựng một xã hội tốt đẹp, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.


GS. TSKH Phạm Minh Hạc
(Thu Trang ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN