Đại biểu mong ngành giáo dục có giải pháp tổng thể với việc dạy và học online

Sáng 11/11, Quốc hội tiếp tục phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba, thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, như: Vẫn còn khoảng cách lớn trong việc dạy và học trực tuyến giữa các vùng miền; chất lượng học trực tuyến chưa được cải thiện; Việc đón học sinh trở lại trường trong bình thường mới… Bên lề Quốc hội, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, một số đại biểu kỳ vọng vào phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về các giải pháp cho những vấn đề nêu trên.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội): Làm thế nào để giáo dục thích ứng trong tình hình mới?

Video Đại biểu Bùi Hoài Sơn trả lời báo Tin tức: 

Có rất nhiều vấn đề liên quan dịch COVID-19 tôi quan tâm nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến những tác động của dịch COVID-19 đến giáo dục. Học sinh phải học trực tuyến trong một thời gian dài, những bất cập đã nảy sinh. Học sinh chưa sẵn sàng với hình thức học này; phương pháp dạy học trực tuyến vẫn chưa sẵn sàng. Bên cạnh đó, những vấn đề như thiếu thiết bị dạy học, hệ thống băng thông, đường truyền yếu ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh, bài giảng của giáo viên. Tôi băn khoăn làm thế nào để ngành giáo dục thích ứng trong tình hình mới khi hiện nay chưa biết bao giờ dịch bệnh kết thúc. Nhìn xa một chút, chất lượng người học sẽ ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Tôi mong muốn Bộ trưởng đưa ra câu trả lời xác đáng, từ đó giúp cho cử tri yên tâm hơn để đồng hành cùng với ngành giáo dục.  

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình):  Khoảng cách học online giữa các vùng miền cần thu hẹp  

Công tác giáo dục trong dịch bệnh khiến tôi rất trăn trở. Nhất là giáo viên, học sinh ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa, học trực tuyến với muôn vàn khó khăn. Cụ thể, hệ thống đường mạng internet chưa ổn định ở vùng sâu, vùng xa. Chưa kể, sự thiếu thốn các thiết bị dạy và học trực tuyến là rào cản lớn nhất. Tôi rất mong Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng và có định hướng cụ thể về việc học online trong bình thường mới. Đây cũng là mong mỏi của cử tri, nhân dân ở những vùng khó khăn trong đại dịch.    

Đại biểu Nguyễn Văn Hoà, Đồng Tháp:  Cần làm rõ chất lượng học online thế nào?  

Tôi có hai vấn đề muốn đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ nhất, Bộ trưởng cần làm rõ chất lượng học online thế nào. Bộ nên có đánh giá về hình thức này như được gì và không được gì để thời gian tới nếu tình hình dịch COVID-19 ổn định sẽ có hướng kết hợp học tập trung. Nếu học online có khó khăn như Bộ trưởng trình bày hoặc Đại biểu đặt ra thì giải pháp của ngành trong thời gian tới là gì. Nghĩa là cần có giải pháp học online hoàn chỉnh trong tình hình hiện nay.

 

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Văn Hoà. Ảnh: Lê Vân 

Vấn đề thứ hai tôi quan tâm là tình trạng bán sách giáo khoa vẫn kèm theo sách tham khảo như ngày bao cấp. Phụ huynh rất không hài lòng về vấn đề này. Nhưng họ phải mua vì giáo viên chủ nhiệm giới thiệu sách tham khảo bên cạnh sách giáo khoa. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, Đại biểu cũng đã nói ở những kỳ họp trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần có văn bản chỉ đạo nhưng vẫn còn tình trạng này. Chắc hẳn có lợi lích nhóm trong việc xuất bản và in sách.  

Trong hai vấn đề này, thì vấn đề học online là vấn đề cấp bách. Ở một mặt nào đó, học online không đảm bảo chất lượng. Thầy, cô giáo dạy trên màn hình nhưng có học sinh tập trung, có học sinh không. Nhiều em ngồi một mình, tự chơi game và ảnh hưởng xấu từ internet. Bên cạnh đó, những em học sinh nhỏ hơn phải có bố mẹ ngồi kèm. Một khó khăn nữa đặt ra với việc học online là sự chênh lệch vùng miền. Nơi hệ thống băng thông bị đứt gãy, thiếu thiết bị thì việc học thế nào. Cuối cùng là những hệ luỵ về tâm lý của việc học online quá dài. Như mấy tháng học trong điều kiện giãn cách, học trò xa thầy cô và bạn bè thì thời gian tới sẽ phải bù đắp bằng việc đảm bảo an toàn khi đến trường ra sao. Học online trong dịch bùng phát là cần thiết nhưng hạn chế thấp nhất mà ngành giáo dục cần làm gì học sinh đến trường học tập trung trong bình thường mới. Ngành Giáo dục phải làm rõ về việc đến trường không bị F0. Nếu có thì xử trí thế nào. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp để sớm có vaccine, đưa học sinh đến trường.  

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn Thừa - Thiên Huế: Cần đầu tư hơn nữa cho giáo dục      

Làm thế nào để đảm bảo an toàn khi học trực tuyến là vấn đề được đặt ra gần đây. Những hệ luỵ về tâm lý của học trực tuyến sẽ trở thành vấn đề học đường trong thời gian tới. Ví dụ, học sinh không được hoạt động ngoài trời, các hoạt động trải nghiệm không được triển khai, điều này làm hạn chế sự phát triển của các em. Tôi sẽ gửi nội dung này chất vấn Bộ trưởng.      

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu. Ảnh: Lê Vân 

Hạ tầng việc học online, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chưa có gì nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc phân bổ nguồn ngân sách ra sao, mức độ sử dụng thế nào. Đặc biệt, vấn đề đầu tư cho đội ngũ quản lý, đổi mới nhà quản lý, giáo viên hậu COVID-19 ra sao? Việc thích ứng và thích nghi của người học? Đặc biệt là học sinh mầm non, tiểu học rất cần phát triển toàn diện về nhân cách cũng như thể chất thì giải quyết ra sao?     

Đến nay, việc thích ứng với giảng dạy online chỉ một bộ phận giáo viên ở những vùng thuận lợi, thành phố đã kịp thời nhưng ở những vùng sâu, vùng thiểu số là khó khăn. Dịch COVID-19 đã khiến rất nhiều trường học ở vùng biên, vùng nông thôn trở thành khu cách ly. Những nơi ấy chưa phủ hệ thống internet, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, họ lại chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt thường xuyên. Dù vậy, ở các mức độ khác nhau, những vùng này đã có sự đồng hành, ưu tiên căn cơ của Đảng và Nhà nước để giáo viên kịp thích ứng theo phương pháp mới. Ở một số vùng trung tâm các xã, huyện biên giới được trang bị hạ tầng công nghệ thông tin nhưng chưa đồng bộ được. Điều này cần được quan tâm hơn. Bên cạnh đó là sự hạn chế của các gia đình khi sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh, ipad hay máy tính. Để trang bị được điều đó dường như là không thể.     

Giáo dục đang là quyết sách hàng đầu, các vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục dưới những ảnh hưởng của dịch COVID-19 là chưa đạt được mục tiêu. Tôi cho rằng, cần đầu tư toàn diện hơn nữa cho ngành giáo dục: Kinh phí, đất đai, nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng đội ngũ thầy cô trong nhà trường. Những người thầy là điểm sáng nhân cách về đạo đức chắc chắn truyền nhanh, mạnh cho người học để ngay từ bé bồi dưỡng, trang bị cách đối nhân xử thế, hài hoà trong mối quan hệ. Đây là điều rất cần trong giáo dục. 

Lê Vân/Báo Tin tức
Khủng hoảng tâm lý học đường vì học online kéo dài
Khủng hoảng tâm lý học đường vì học online kéo dài

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh nhiều nơi trên cả nước phải học trực tuyến. Việc học trực tuyến kéo dài khiến chất lượng học tập của một bộ phận học sinh giảm sút, tâm lý bất ổn. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vừa phải đảm bảo công việc, vừa phải hỗ trợ con trong thời gian học trực tuyến là một thách thức không nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN