Học sinh lớp 10 chuyên Lý trong giờ thực hành. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Để đạt được những thành tích đáng tự hào ấy, nhà trường đã đặt ra nhiệm vụ giáo dục toàn diện, tập trung mũi nhọn đào tạo nhân tài, số lượng, chất lượng các lớp chuyên ngày càng được mở rộng và nâng cao. Cơ sở vật chất như thư viện, lớp học, phòng thí nghiệm được đầu tư xây dựng khang trang hiện đại, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu dạy và học của nhà trường.
Xác định khâu tuyển chọn những học sinh thực sự xuất sắc theo học tại trường là một trong những khâu đặc biệt quan trọng, nhà trường đã liên tục đổi mới phương thức thi tuyển chọn đầu vào, khắc phục những tồn tại, bất cập, đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Tỉnh Thanh Hóa có gần 4 triệu dân, có nhiều người tài và học sinh giỏi, tuy nhiên làm sao để thu hút và lựa chọn được những học sinh giỏi nhất về theo học tại trường là điều quan trọng. Do vậy, song song với công tác tổ chức thi, nhà trường quan tâm đến công tác rà soát, nắm danh sách những học sinh xuất sắc nhất cấp Trung học Cơ sở ở các huyện thị, thành phố trong toàn tỉnh, kể cả những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.Hằng năm, nhà trường cử các đoàn công tác là các thầy cô giáo có tâm huyết, trình độ chuyên môn vững xuống các trường để khảo sát, nắm danh sách học sinh giỏi.
Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với các trường Trung học Cơ sở tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện để các học sinh làm quen và hiểu hơn về môi trường học tập của Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lam Sơn. Qua đó, các em hiểu bề dày lịch sử và những thành tích đáng nể mà các thế hệ thầy và trò của nhà trường đã dày công vun đắp; khơi dậy cho các em niềm đam mê và quyết tâm theo học tại trường.
Nắm được tâm lý của các bậc phụ huynh không muốn con em xa gia đình về thành phố trọ học, thông qua nắm bắt danh sách học sinh giỏi, nhà trường gặp gỡ, trao đổi để phụ huynh yên tâm giao con em cho trường quản lý. Đây thực sự là cách làm rất hiệu quả, bởi thực tế số học sinh giỏi, xuất sắc ở các huyện, đặc biệt là các huyện xa trung tâm của tỉnh Thanh Hóa còn rất nhiều.
Em Ngô Nam Khánh (sinh năm 2002, học sinh lớp 9B Trường Trung học Cơ sở thị trấn Cành Nàng, huyện vùng cao Bá Thước) được thầy cô, bạn bè gọi là “cậu bé vàng” bởi em đã mang về cho vùng miền núi nghèo niềm tự hào khi đạt Huy chương Vàng trong Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ MYTS 2017” do Hội Toán học Việt Nam tổ chức. Ban đầu, em chưa có ý định sẽ về thành phố theo học tại Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lam Sơn, song được các thầy cô động viên, thuyết phục, gia đình đã đồng ý và tin tưởng giao em cho nhà trường quản lý. Ngô Nam Khánh đang là một trong những học sinh có năng lực và được nhà trường đào tạo theo chế độ “đặc biệt”, hứa hẹn sẽ đạt được những thành tích cao thời gian tới.
Nhờ cách làm đó, bao thế hệ học sinh Lam Sơn đã tự tin đem kiến thức học được tại trường để thi đấu trên đấu trường trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như các em: Lê Huy Quang đã 3 lần đoạt giải Olympic Vật lý quốc tế và quốc tế khu vực để giành trọn bộ Huy chương Vàng, Bạc, Đồng về cho đất nước; Đỗ Quang Yên đã giành 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế; Mỵ Duy Hoàng Long giành 1 Huy chương Đồng châu Á, 1 Huy chương Bạc Olympic quốc tế môn Vật lý tại Đan Mạch.
Năm học 2016 - 2017, trường tiếp tục khẳng định thương hiệu khi có ba học
sinh thi đấu và đều đoạt giải; trong đó, có em Lê Quang Dũng đạt Huy
chương Vàng môn Toán, em Dương Tiến Quang Huy giành Huy chương Bạc môn
Sinh và em Nguyễn Ngọc Long, đạt Bằng khen Châu Á Thái Bình Dương môn
Vật Lý…
Lê Quang Dũng vừa đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) tổ chức tại Brazil. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN |
Thầy dạy tốt, trò học giỏi, là một trong những bí quyết để Trường
Trung học Phổ thông Chuyên Lam Sơn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi
nhận. Bởi muốn có trò giỏi trước hết phải có thầy giỏi, vì vậy nhiều
năm qua, nhà trường đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo
và tự hào với đội ngũ thầy, cô giáo giỏi chuyên môn, tâm huyết với
nghề. Trên cơ sở đội ngũ giáo viên dạy giỏi, nhà trường tuyển chọn và cử
ra những giáo viên thực sự có tâm huyết và trình độ chuyên môn giỏi phụ
trách công tác đào tạo học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Bên cạnh đó, nhà trường liên kết với các trường chuyên tốp đầu của cả nước mời các
giáo sư, tiến sỹ, các thầy cô giáo dạy giỏi ở các trường đại học, các
viện nghiên cứu về bồi dưỡng học sinh giỏi.
Để tạo nguồn giáo
viên giỏi kế cận, nhà trường tạo điều kiện cho các thầy cô giáo trẻ được
tham gia vào đào tạo, bồi dưỡng học sinh. Theo đó, cùng với những thầy
giáo có tên tuổi trong công tác đào tạo học sinh giỏi đã có thêm nhiều
thầy cô giáo trẻ có học sinh đoạt các giải cao trong các kỳ thi học sinh
giỏi quốc gia, quốc tế…
Nhà giáo ưu tú Chu Anh Tuấn, Hiệu
Trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lam Sơn cho biết, để
tiếp tục duy trì và phát huy những thành tích đạt được, nhà trường sẽ
làm tốt hơn nữa công tác thu hút học sinh giỏi ở các huyện về theo học
tại trường. Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2017, Thanh Hóa có 935
học sinh đoạt giải, tuy nhiên chỉ có 121 học sinh tham gia thi và đậu
vào Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lam Sơn, chiếm 13%. Điều này cho
thấy vẫn còn rất nhiều học sinh giỏi ở các huyện, thị không tham gia thi
tuyển, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mũi nhọn của nhà trường…
Thầy và trò lớp 10 chuyên Hóa trường THPT chuyên Lam Sơn trong giờ thực hành. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Nhà trường hiện có hơn 100 giáo viên, song các giáo viên có thể đảm nhiệm nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh quốc gia, quốc tế còn hạn chế. Trong khi đó, điểm đầu vào của ngành sư phạm ngày càng thấp, để tạo nguồn giáo viên chất lượng cao, nhà trường mong muốn UBND tỉnh Thanh Hóa tạo cơ chế để được tuyển chọn giáo viên là những cựu học sinh của trường tốt nghiệp các trường sư phạm lớn, có uy tín về công tác, giảng dạy.
Có như vậy mới tạo ra sự ổn định lâu dài để Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lam Sơn tiếp tục có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp trồng người của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và sự nghiệp giáo dục của cả nước nói chung…