Chuyên gia chia sẻ về việc giúp con tránh áp lực tuổi teen

Thời gian qua, những vụ nhảy lầu tự tử của học sinh tiếp tục gây rúng động xã hội. Một lần nữa, những bậc phụ huynh, người làm giáo dục nhìn lại về những tác động xã hội, gia đình, tâm lý lứa tuổi đã và đang dẫn đến hành vi tiêu cực này.

Chú thích ảnh
Một giờ học vui vẻ của học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Lê Vân. 

Nhìn nhận rõ những xung động tâm lý  

Một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến tâm lý, hành vi của học sinh độ tuổi teen được các chuyên gia giáo dục chỉ ra là áp lực từ các kỳ thi.  

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Có lẽ, với thế hệ trẻ ngày nay, những kỳ thi ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Những kỳ thi này tác động trực tiếp đến cơ hội học tập tốt hơn, cơ hội nghề nghiệp tương lai, thậm chí là vị trí xã hội và thu nhập của từng cá nhân”.  

PGS TS Trần Thành Nam khẳng định: “Con cái chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thi cử - nơi mà những cơ hội cuộc sống bị quyết định một phần bởi “điểm số” của những cuộc thi. Vì vậy, nhiều em sau đợt ôn thi cật lực phải đi tìm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vì quá căng thẳng. Những trường hợp khác khi đối diện với thất bại đã mất hết động lực và sự cố gắng, coi mình như một kẻ bỏ đi thậm chí xuất hiện ý định tự tử”.  

Phân tích về hành vi này, PGS TS Trần Thành Nam chỉ ra: “Điểm số của một kỳ thi đồng nghĩa với điểm số lòng tự trọng và giá trị. Nhiều học sinh tự quy đổi điểm số của những kỳ thi quan trọng ra giá trị và lòng tự trọng của bản thân. Thất bại hoặc không đạt thành tích như kỳ vọng đồng nghĩa với việc cá nhân là vô giá trị. Cá nhân làm mọi người xấu hổ, không xứng đáng được tôn trọng”.

Tuy nhiên, PGS TS Trần Thu Hương, Giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Các con gặp áp lực trong học tập là một phần. Bởi xung quanh các con còn có các hoạt động, mối quan hệ khác như bạn bè, thầy cô, gia đình. Trong đó, những áp lực từ phía bố mẹ, gia đình vẫn là áp lực chính khiến các con có hành vi mang tính kích động”.  

Trong hai năm qua, PGS.TS Trần Thu Hương có những nghiên cứu về ứng xử của cha mẹ với con cái tuổi teen. Dựa trên các mẫu nghiên cứu, PGS TS Trần Thu Hương chỉ ra, việc cha mẹ kiểm soát con một cách quá chặt như: Con đi chơi với ai? Đến bao giờ con về? Hoặc có những cha mẹ còn kiểm tra những vấn đề riêng tư của con… khiến con tức giận hoặc không muốn chia sẻ. Tiêu cực hơn còn dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, rối loạn tâm thần ở con. Trong khi, ở nhóm tuổi này có quá nhiều thay đổi trong tâm lý lứa tuổi, hormone về giới và những thách thức của các con phải vượt qua. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng hiểu rõ vấn đề của các con.

“Trên thế giới có khá nhiều nghiên cứu này về ứng xử của cha mẹ với con cái. Trong đó, chỉ ra những phong cách làm cha mẹ như: Độc đoán, tự do, nuông chiều, dân chủ… Tuy nhiên, Việt Nam chưa phổ biến những nghiên cứu này”, PGS TS Trần Thu Hương cho biết.  

Giúp con giám sát bản thân từ việc nhỏ  

Cha mẹ cần hiểu rõ tâm lý lứa tuổi và những vấn đề liên quan là điều quan trọng nhất mà các chuyên gia chỉ ra.

Theo PGS TS Trần Thu Hương, độ tuổi teen có những thay đổi rất lớn về nhiều mặt.

“Về thể chất với những thay đổi trong hormone, ngoại hình từ bên ngoài đến nhận thức, cảm xúc và khả năng kiểm soát cảm xúc… Có những em khi tôi làm việc đã bị sốc tâm lý với chính những thay đổi của bản thân này. Tiếp đó là những tác động từ bên ngoài. Nếu các con chưa đủ kỹ năng ứng phó thì rất dễ có có những hành vi vượt tầm kiểm soát. Độ tuổi có nhiều hành vi nguy cơ cao là từ 14-19 tuổi. Thậm chí, ở một nhóm người còn kéo dài đến năm 24 tuổi. Bố mẹ thực sự hiểu rõ đặc trưng này của các con để dễ dàng đồng hành các con trong cuộc sống”, PGS TS Trần Thu Hương cho hay.

Trong những hành vi nhảy lầu tự tử vừa qua, PGS TS Trần Thu Hương cho rằng: "Chúng ta không nên đổ nỗi cho bất cứ một tác nhân nào. Rõ ràng, các con không còn nữa nên không xác định được nguyên nhân cuối cùng. Tuy nhiên, trong hành vi của cha mẹ được chỉ ra  trong các mẫu nghiên cứu của tôi có hai hành vi điển hình là: Hỗ trợ, kiểm soát. Thì thật đáng buồn thay kiểm soát quá chặt chẽ của cha mẹ đã làm nên những vấn đề tiêu cực cho các con. Một giải pháp mà các chuyên gia đưa ra chính là cha mẹ đồng hành trong việc dẫn dắt giúp con vừa có thể chất tốt và tinh thần sẻ chia".

Bên cạnh việc hiểu tâm lý, lứa tuổi thì cha mẹ vẫn cần chăm sóc con có một cơ thể khoẻ mạnh và tinh thần vững vàng. 

Theo PGS TS Trần Thành Nam, cha mẹ nên duy trì phong cách sống lành mạnh cho con. Đó là ngủ đủ, ăn cân bằng, luyện tập. Nên để con duy trì các mối quan hệ xã hội như nói chuyện với người thân và bạn bè hàng ngày. Khi con gặp căng thẳng thì cách dễ nhất là tìm người để tâm sự, đừng ngại việc tìm trợ giúp. Cha mẹ nên đưa ra phương châm hành động với các con trong giai đoạn này là: “Mỉm cười là công cụ, nhờ vả là con đường”, PGS TS Trần Thành Nam nói.

PGS TS Trần Thành Nam nhấn mạnh một công cụ rất quan trọng để con tự kiểm soát hành vi chính là cha mẹ nên là người hướng dẫn con xây dựng những mục tiêu bé nhỏ để từng bước giám sát bản thân. 

Lê Vân/Báo Tin tức
Cha mẹ ứng xử thế nào khi con tuổi teen nhận được lời tỏ tình
Cha mẹ ứng xử thế nào khi con tuổi teen nhận được lời tỏ tình

Ở lứa tuổi 13-14, giờ đây nhiều em học sinh đã nhận được lời tỏ tình. Không phải bậc làm cha mẹ nào cũng biết cách "ứng xử" trong hoàn cảnh này. TS Tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) sẽ "mách nước" cho các bậc cha mẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN