Được - mất yêu sớm “tuổi teen”

Lác đác “biết yêu” từ lớp 6 và lên đến Trung học phổ thông thì trên 90% em chính thức có… “cặp đôi”! Đó là một thực trạng không thể tránh né hay phủ nhận trong cộng đồng các em học sinh còn trong lứa “tuổi teen”.

 Yêu sớm, trưởng thành nhanh - nhưng những hệ lụy của chuyện “trải đời” quá sớm cũng không phải ít…

Từ thực trạng “yêu sớm”

Vài thập niên trở lại đây, do tốc độ phát triển nhanh của xã hội, do ảnh hưởng của phim ảnh, lối sống phương Tây, hiện tượng “yêu sớm” trong cộng đồng thanh thiếu niên học sinh “tuổi teen” (dưới 20) ngày càng trở nên phổ biến. Bỏ qua những lời cấm đoán của cha mẹ, nhắc nhở của thầy cô, các em đến với ái tình ngày càng sớm, càng “dạn” hơn. Ra đường, hình ảnh những cặp đôi nam nữ tuổi teen âu yếm đèo nhau trên xe đạp điện, xe máy, đưa nhau vào quán xá, công viên… không còn là hiện tượng lạ mắt. Lác đác “biết yêu”, “tập sự yêu” từ đầu Trung học cơ sở (tức lớp 6), phổ biến dần khi lên các lớp trên và thật sự “bùng phát” yêu đương khi bước qua cánh cổng trung học phổ thông. Biết, không thể ngăn cản thì đành (miễn cưỡng) chấp nhận; nhưng cũng hiếm có bậc cha mẹ nào thật sự để tâm tìm hiểu xem con mình quan hệ yêu đương với bạn khác giới theo cung cách ra sao. Đa phần đều tự trấn an: thôi kệ, chắc chúng cũng chỉ tập tò ghép đôi ở mức… nắm tay nắm chân hoặc chở nhau đi về cho vui! Hỉ mũi chưa sạch mà yêu đương gì…

Hiện nay phần lớn học sinh trung học phổ thông “tuổi teen” yêu sớm.

Tuy nhiên, sự việc lại không đơn giản vậy.

Yêu đương, thực sự trải nghiệm mọi hình thức yêu đương “kiểu người lớn”, đó mới là thực trạng đằng sau những “cuộc tình tuổi teen”. Về bản chất, các “cuộc tình tuổi teen’ mang rõ dấu ấn của phong cách sống thời hiện đại: kết nối chóng vánh, yêu đương thực dụng và chia tay cũng khá… nhẹ nhàng. Sau đó, nếu thích thì lại đi “xây” một mối quan hệ khác tương tự…

Thử dạo một vòng qua hệ thống nhà nghỉ - khách sạn xa khu dân cư, không khó để ta chứng kiến cảnh những “cặp đôi học trò” mang túi sách trên lưng dắt díu nhau lấm lét vào ra. Nhưng ấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Cũng theo tiết lộ của em T. chuyện “quan hệ” của các em có thể diễn ra bất cứ nơi đâu điều kiện cho phép. Có thể là nhà nghỉ khách sạn. Có thể là nơi vắng vẻ. Nhưng thường nhất là… tại gia, tranh thủ lúc gia đình đi vắng! Ấy là nói các em còn đang học phổ thông; chứ nếu đã là sinh viên thì càng “vô tư”. Không hiếm những cặp đôi sinh viên thuê nhà trọ sống chung như vợ chồng…

Đến những được - mất

Trả lời cho câu hỏi “liệu các em có thấy lợi gì không khi dấn thân sớm vào chuyện yêu đương?”, em HNĐ., học sinh lớp 11 ở Tuy Hòa, Phú Yên trả lời: “Yêu sớm” giúp chúng em thấy mình “người lớn” hơn, sống tự tin hơn. Quan trọng nữa là sống… hạnh phúc, yêu đời hơn! Em TN. sinh viên năm 1 trường Đại học Sư phạm kĩ thuật TP.HCM cũng đồng quan điểm, nhưng cách nhìn “chuyên sâu” hơn chút: Nếu người lớn chịu nhìn nhận cởi mở, hiện tượng yêu sớm vẫn có nhiều điểm tích cực đáng ghi nhận. Tình yêu, và ngay cả tình dục, nếu biết cách “khu xử” cho an toàn, là những cơ hội trải nghiệm tốt để con người mau chóng trưởng thành, bộc lộ và hoàn thiện nhân cách. Cái tư duy cứ phải đợi đến gần nửa đời người mới “được phép biết” chuyện tình yêu, tình dục của các thế hệ cha anh - theo em - là đã lỗi thời….

Được hỏi, liệu chuyện yêu sớm có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng học tập hay không, đa phần các em đều khẳng định là không. Bởi “tình yêu tuổi teen” thời hiện đại: “quen chóng vánh, yêu thực dụng, chia tay nhẹ nhàng” nên nếu có buồn cũng vài ba bữa rồi thôi. Còn nữa; mới tuổi teen, nhưng không hiếm trường hợp có em “thay người yêu như… thay áo”! Trải nghiệm tương đối tự do, thoải mái, không bị ràng buộc, câu thúc bởi những định chế, khuôn thước của các thế hệ trước. Không chấp nhận dừng bước ở những kiến văn (yêu đương) lí thuyết, các em khao khát, mạnh dạn “thâm nhập thực tế” để trưởng thành. Bất trắc là điều đương nhiên; nhưng có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận: lớp trẻ ngày nay khôn ngoan, “lõi đời” hơn các thế hệ trước (nếu đem so cùng trang lứa) rất nhiều…

Đối thoại về những cái giá phải trả do“yêu sớm”, đa phần các em đều chung một nhận định: yêu sớm chỉ có hại khi các em “hành xử” không kinh nghiệm hoặc thiếu kềm chế dẫn đến… dính bầu! Không sai; “dính bầu” là cái hậu quả trực tiếp, đáng sợ nhất của “yêu sớm”. Vài năm trở lại đây, không hiếm trường hợp nữ sinh trung học dính bầu do yêu sớm phải bỏ học lấy chồng - chưa tính đến việc các em “lỡ dại” âm thầm tìm cách nạo phá thai bất kể hậu họa. Tuy nhiên mọi sự chưa dừng lại ở đó.

Tấm huy chương nào cũng có mặt trái: bước chân vào ái tình sớm tuy có giúp các em trưởng thành nhanh hơn; nhưng lại “tước đoạt” sự ngây thơ, trong trắng của tuổi học trò cũng nhanh không kém! Dạn dày và chai sạn sớm, đó là những gì chúng ta có thể nhìn thấy nơi thế hệ trẻ hôm nay. Hơi hướm lãng mạn - nhẹ nhàng mong manh nhưng ám ảnh (nghìn năm chưa dễ có ai quên - Xuân Diệu) - của những rung động đầu đời nơi các thế hệ cha anh dường như đã “lỗi mốt”. Còn nữa; sa đà vào những “cuộc yêu” một cách thiếu kềm chế, không biết điểm dừng, gây lãng phí tiền bạc, thời gian, sức lực (đáng ra nên dành cho những mục đích chính đáng hơn) chắc chắn cũng đang là thực trạng chi phối một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng tuổi teen.

Hiểu biết lớp trẻ nhiều hơn, trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là trong tình yêu đó là yêu cầu cấp thiết - không chỉ riêng với các bậc phụ huynh mà còn với toàn xã hội. Hiểu biết để có thể gần gũi, chia sẻ, cảm thông với những vấn đề “khó nói” của các em. Còn nữa, để kịp thời động viên, uốn nắn, can thiệp mỗi khi thấy các em có biểu hiện lệch lạc, “quá đà”…
Văn Nguyễn
Phát hiện thêm nhân tố để sống trường thọ
Phát hiện thêm nhân tố để sống trường thọ

Các nhà khoa học Italy đã tìm ra thêm một nhân tố mới làm tăng cao tuổi thọ của con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN