Chuyển đổi số trong giáo dục đại học - Bài cuối: Các trường đại học chủ động nhập cuộc

Những yêu cầu mới đặt ra trong công tác đào tạo nhân lực vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội, động lực để các cơ sở giáo dục đại học thúc đẩy chuyển đổi số. Từ đó, nhiều hình thức học tập hiện đại như học trực tuyến, từ xa... đang được nhiều trường áp dụng.

Cùng với đó, các mô hình "đại học chia sẻ", "đại học số" cũng đang được nghiên cứu, tiếp cận để từng bước thực hiện trong định hướng chuyển đổi của nhiều cơ sở giáo dục.

Chú thích ảnh
Sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh trong giờ thực hành nghề điện máy ô tô. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Hình thức học tập mới

Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới giáo dục đào tạo theo hướng giảm lý thuyết, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, thúc đẩy khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi. Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đang được thực hiện với nhiều hình thức như ứng dụng công nghệ trong lớp học, trong phương pháp dạy học và trong quản trị. Từ đó, hình thành nhiều phương thức học tập mới, cũng như mở rộng không gian học tập cho sinh viên như học trực tuyến, từ xa, triển khai mô hình thư viện thông minh...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, áp dụng chuyển đổi số, đầu năm 2019 trường đã cho thành lập Trung tâm dạy học ảo (UTEx) để tổ chức các khóa học trực tuyến. Các khóa học vẫn tổ chức theo hình thức truyền thống nhưng được tăng cường đưa tư liệu học tập lên mạng, ra bài tập, tính điểm qua mạng. Hình thức này thu hút rất nhiều sinh viên tham gia tương tác.

Mới đây, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng hệ thống thư viện thông minh với hạ tầng được đầu tư hiện đại và tự động trong tất cả các khâu với hơn 398.000 đầu sách thuộc lĩnh vực kinh tế. Cùng với đó, thư viện kết nối cơ sở dữ liệu với hơn 90 nhà xuất bản các trường đại học danh tiếng của nước ngoài, người học có thể đăng ký các phòng tự học, tra cứu tài liệu online trên website. Theo lãnh đạo trường, chuyển đổi số là một trong số nhiều đề án trường triển khai thúc đẩy trường phát triển vượt bậc. Việc hình thành thư viện thông minh nằm trong đề án chuyển đổi số, nhằm mang lại nhiều lợi ích lớn tạo ra hệ sinh thái tương tác và cá nhân hóa cho người sử dụng thư viện.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sinh, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số, trường tập trung đầu tư và sử dụng nguồn lực sẵn có để triển khai các ứng dụng chuyển đổi số và thực hiện công tác bảo đảm chất lượng. Trường đang thực hiện một số mô hình chuyển đổi số phổ biến nhất hiện nay trong lĩnh vực giáo dục như giảng dạy trực tuyến, họp trực tuyến, quản lý điều hành công việc. Tất cả các bậc học, cấp học từ mầm non đến đại học đều có thể triển khai và thực hiện. Do đặc điểm dạy trực tuyến nên hình thức đánh giá thi, kiểm tra đối với các môn học có sự khác biệt so với cách truyền thống.

Hướng tới mô hình "Đại học chia sẻ"

Chú thích ảnh
Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng thực hành về sinh hoá. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 54 trường đại học, học viện với hơn 200.000 sinh viên đang theo học với nhiều ngành nghề khác nhau. Việc thành lập Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học phát huy nguồn lực từ các trường đại học nhằm góp phần xây dựng, phát triển Thành phố.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện Sở đang phối hợp với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học xây dựng Đề án tổng thể “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ”. Trong đó, những bước đi ban đầu là xây dựng học liệu mở, cơ chế, chính sách hình thành mô hình đại học chia sẻ. Khái niệm Đại học chia sẻ đã xuất hiện nhiều ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, phát triển. Các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao ý nghĩa và tác động của mô hình Đại học chia sẻ nhưng để thực hiện ngay một cách rộng rãi sẽ không dễ dàng. Hiện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang là đơn vị chính trong xây dựng và triển khai thí điểm mô hình đại học chia sẻ để làm cơ sở phát triển trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, để hình thành được đại học theo mô hình giáo dục Đại học sẻ chia, các trường cần phải công nhận chương trình đào tạo với nhau, chia sẻ để xây dựng kho học liệu mở dùng chung. Để làm được điều đó, cùng với nền tảng công nghệ thông tin thật tốt, cũng đòi hỏi tính liên thông giữa các phương thức đào tạo, chương trình giữa các trường phải trên một chuẩn chung.

Cùng với mô hình "Đại học chia sẻ", “Đại học số” cũng đang được một số cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu chuyển đổi. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thuân, Trưởng khoa Hệ thống thông tin, Trường Đại học công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây, khi đề cập đến ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục thường đề cập đến giáo dục từ xa, giảng dạy trực tuyến, xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên học tập…. Hiện nay, cùng với công nghệ 4.0 và kinh tế số, khái niệm về “Đại học số” được một số trường đại học trên thế giới nghiên cứu và được xem là nhân tố tác động mạnh mẽ trong giáo dục đại học ở thế kỷ 21. Thực tế, có rất nhiều quan điểm về khái niệm “Đại học số”, nhìn chung đại học số được cho là kết hợp giữa con người (giảng viên, nhân viên, sinh viên) và tiến bộ công nghệ, định hình các kỹ năng, xác định các động cơ phù hợp, quản lý tốt nguồn dữ liệu, áp dụng tốt công nghệ số trong quản trị trường.

Với đặc thù chuyên đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan, Trường Đại học công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có ưu thế về đội ngũ cũng như cơ sở vật chất để triển khai nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, với việc chuyển đổi sang “Đại học số” sẽ khai thác được tiềm năng của trường, nâng cao hiệu suất giảng dạy, học tập và tạo cho đại học lợi thế cạnh tranh. Đây là thách thức lớn về các mặt hoạt động của đại học, tác động sâu sắc đến giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên và sinh viên. Vì thế, trường đang đề ra từng bước đi cho chiến lược chuyển đổi sang đại học số từ việc áp dụng công nghệ số trong giảng dạy và nghiên cứu, kết nối trong khoa học và phục vụ cộng đồng.

T.Hoài (TTXVN)
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học - Bài 1: Thích ứng với nhu cầu nhân lực mới
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học - Bài 1: Thích ứng với nhu cầu nhân lực mới

Với vai trò đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển của đất nước, giáo dục đại học đang từng bước “chuyển mình” mạnh mẽ trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN