Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

"Cây" sáng kiến của ngành giáo dục Phú Yên

Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người", cô Trần Thị Lệ Thuỷ, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên), luôn được đánh giá là một giáo viên tận tâm, nhiệt tình với công việc, được các thế hệ học sinh và phụ huynh yêu mến, tin tưởng.

Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Ba, từ nhỏ, cô Thuỷ đã ấp ủ ước mơ với nghề “Ươm chữ, trồng người”. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định), cô Thủy về nhận công tác tại Trường THPT Lê Hồng Phong, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hoà. Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo để những bài giảng của mình sinh động, thú vị hơn, giúp học trò dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Cô giáo Trần Thị Lệ Thuỷ là một giáo viên tận tâm, nhiệt tình với công việc, được nhiều thế hệ học sinh yêu mến, tin tưởng. Ảnh: Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Phú Yên)

Nhớ về những ngày đầu đứng bục giảng, cô Trần Thị Lệ Thủy tâm sự: “Lúc chấm bài, nhận thấy nhiều em không thể viết được một bài văn kể chuyện, tôi không giận, mà tự nhủ phải hướng dẫn các em từng bước một. Khi học trò quậy phá không chịu học, tôi áp dụng đến các biện pháp mạnh như chép phạt, gọi lên đọc bài nhiều lần, thậm chí là giao cho các em phụ trách nhóm học tập nhỏ trong lớp. Đối với những giờ học truyện thơ, văn xuôi, tôi thường nán lại thêm chút thời gian tại lớp để phân vai đóng kịch, hướng dẫn soạn bài, để cho các em không cảm thấy chán khi giờ Văn học đến …”.

Năm 2011, sau 16 năm trực tiếp giảng dạy với nhiều thành tích nổi bật và được sự tín nhiệm, ủng hộ của đồng nghiệp, cô Thủy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng phụ trách mảng ngoài giờ lên lớp của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Trường có hơn 1.300 học sinh, trong đó, tỷ lệ học sinh yếu, xếp loại đạo đức kém chiếm khá lớn. Đảm nhiệm trọng trách mới, cô Thuỷ ra sức hoàn thành tốt vai trò của người làm công tác quản lý, cũng như tham gia giảng dạy học cho học sinh yếu kém của trường.

Nhiều sáng kiến của cô được cấp trên công nhận và áp dụng vào thực tiễn như xây dựng Câu lạc bộ Văn học nhằm giáo dục đạo đức học sinh với các chương trình hoạt động ngoài giờ, hoặc thông qua tiết chào cờ hàng tuần, thành lập các tổ chức trong trường để tư vấn sức khỏe, tâm sinh lý, giáo dục đạo đức học sinh.

Đặc biệt là sáng kiến “Chúng tôi nói về chúng tôi” ở tiết chào cờ thứ hai hàng tuần. Không còn đơn điệu, thay vào đó các em học sinh được trình bày những kiến thức hiểu biết và chia sẻ suy nghĩ của bản thân về những vấn đề nóng trong xã hội qua các tiểu phẩm ngắn, hát, đố vui và bản tin. Em Nguyễn Văn Long, học sinh lớp 10A1 chia sẻ: “Nhiều vấn đề liên quan đến học sinh như vai trò học tập, trách nhiệm của học sinh với xã hội đều được các đội chơi thể hiện sinh động và hấp dẫn, tạo dấu ấn sâu sắc trong em và các bạn. Không những thế, khi chúng em có tâm tư nguyện vọng đều được thầy cô định hướng, giúp đỡ tìm cách giải quyết”.

Bên cạnh đó, tổ chức trường học “Ban sinh vụ” do cô đề xướng thành lập, chủ chốt là những thầy cô giàu kinh nghiệm cùng với Ban chấp hành Đoàn, đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong trường học. Ban có nhiệm vụ chia sẻ trách nhiệm với giáo viên làm công tác chủ nhiệm, tìm hiểu sức khoẻ và tâm sinh lý của các em học sinh ngay khi các em vừa xảy ra xích mích, để kịp thời tư vấn, giáo dục. Từ ngày có “Ban sinh vụ” hoạt động, văn hoá học đường của trường chuyển biến rõ rệt. Nếu như năm học 2012-2013 trường có 28 vụ việc liên quan đến bạo lực học đường thì nay tình trạng này ở nhà trường không còn và luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Không dừng ở đó, tháng 10/2016, mô hình “Văn hoá sử dụng mạng, điện thoại di động trong học sinh” được cô Thủy đưa vào triển khai trong nhà trường với mục đích khắc phục những hệ lụy xấu từ việc sử dụng thế giới mạng; tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hướng dẫn các em biết cách khai thác sử dụng điện thoại di động, các trang mạng xã hội hiệu quả, lành mạnh. Cô Ngô Thị Anh Thơ, một thành viên trong Ban chỉ đạo của mô hình chia sẻ: “Trường đưa vào sử dụng hộp kính đặt tại các lớp để các em tự bảo quản điện thoại. Trong giờ học, lớp trưởng sẽ quản lý chìa khoá. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo nhà trường làm công tác kiểm tra thường xuyên ở các lớp. Đến nay, hoạt động này đã tạo được nề nếp rất lớn trong các em ”.

Những cố gắng không mệt mỏi của cô giáo Trần Thị Lệ Thuỷ trong những năm qua đã được các cấp chính quyền khen ngợi và trao tặng bằng khen. Gần đây nhất, tháng 10/2016 cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm học 2015 -2016.
Phan Sáu (TTXVN)
Có một người thầy

Tôi được nhận về một trường huyện dạy học trong niềm hạnh phúc vô bờ sau một thời gian dài dằng dặc chờ đợi. Chân ướt chân ráo, tôi bước vào cổng trường vừa rụt rè, sợ sệt, vừa hào hứng, phấn chấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN