Cần quan tâm hơn nữa đến công tác y tế học đường trong tình hình mới

Thời gian qua, hoạt động giáo dục trực tiếp cho học sinh TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả tích cực.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế khám sàng lọc trước tiêm cho học sinh. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Tuy nhiên, cần quan tâm hơn nữa đến công tác y tế học đường, tăng cường sự phối hợp giữa ngành Giáo dục với ngành Y tế, địa phương và phụ huynh để vừa đảm bảo yêu cầu chất lượng giáo dục vừa đảm bảo phòng dịch. Đó là ý kiến thống nhất được đưa ra tại buổi làm việc trực tuyến do Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức sáng 4/3 về giám sát tình hình học sinh đi học trực tuyến trên địa bàn thành phố. 

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy tầm quan trọng và cần thiết của lực lượng nhân viên y tế học đường. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ y tế tại các trường mầm non, tiểu học, phổ thông trung học, giáo dục thường xuyên tại thành phố đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Theo quy định hiện hành, tại các trường học chỉ có 3 biên chế cho 4 vị trí: văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế nên nhiều cán bộ y tế học đường làm việc kiêm nhiệm. Vì vậy, Sở Y tế đề nghị thành phố xây dựng cơ chế thí điểm đặc thù cho nhân viên y tế học đường để đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe cho giáo viên, học sinh tại các trường trong tình hình mới.

Qua kiểm tra thực tế tại một số trường học, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học quan tâm hơn nữa đến vấn đề sức khỏe của học sinh ngoài dịch COVID-19 như bệnh lý về tật khúc xạ, cong lệch cột sống, béo phì… Các nhà trường cần quan tâm đến việc tạo môi trường thông thoáng cho học sinh tại trường, hạn chế việc lạm dụng sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, tăng cường hoạt động thể chất cho học sinh…

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, từ ngày 14/2/2022, thành phố Thủ Đức, các quận, huyện của thành phố đồng loạt tổ chức việc dạy học trực tiếp cho học sinh từ mầm non đến trung học. Tính đến ngày 18/2 đã có 85,34% cơ sở giáo dục bậc mầm non và 100% trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố tổ chức học trực tiếp với số học sinh mầm non đi học là trên 70% và trên 95% ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, 98,9% ở bậc trung học phổ thông. 

Tính từ 7/2 đến 2/3/2022, toàn thành phố ghi nhận 3.689 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nghi mắc COVID-19 (phát hiện tại trường là 318 ca); 40.385 học sinh nghi mắc COVID-19 (2.160 ca phát hiện tại trường). Riêng tại các trung tâm giáo dục chuyên biệt hòa nhập ghi nhận khoảng 70% học sinh trở lại học tập và tỷ lệ nghi mắc COVID-19 tại trung tâm rất thấp.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, thời gian qua, khi ca mắc COVID-19 tăng cao, các nhà trường nỗ lực vượt khó khăn để hoàn thành việc tổ chức dạy trực tiếp và chuyển đổi vừa trực tiếp kết hợp trực tuyến, trong đó vẫn duy trì lớp bán trú. Nhà trường tốn thêm chi phí phòng dịch, giáo viên mất nhiều công sức, thời gian để vừa đảm bảo chất lượng giáo dục vừa đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Vì vậy, rất cần thành phố quan tâm xem xét có cơ chế đặc thù với giáo viên, nhất là các giáo viên phải thực hiện hoạt động giáo dục ngoài thời gian chính thức. Đối với hoạt động giáo dục trực tiếp cấp mầm non rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh để đảm bảo yêu cầu phòng dịch cho trẻ không chỉ trong thời gian học tập tại trường mà cả thời gian trẻ sinh hoạt tại gia đình. 

Tổng kết các ý kiến của đại biểu, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố đánh giá cao nỗ lực của các thầy, cô giáo, nhà trường cũng như công tác phối hợp giữa Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai hoạt động dạy-học trực tiếp cho học sinh. Thực tế kiểm tra tại một số trường học, cơ sở giáo dục mầm non cho thấy, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa hai ngành, giữa nhà trường và địa phương, giữa thầy cô giáo và phụ huynh học sinh để tạo sự thống nhất hành động, sự đồng thuận của xã hội, vừa đảm bảo nhu cầu học tập trực tuyến của học sinh vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. 

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu về vấn đề nâng cao chất lượng y tế học đường, ông Cao Thanh Bình cho rằng, Sở Y tế cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng đề án đánh giá tổng hợp về công tác y tế học đường, tham mưu, đề xuất chính sách, chế độ phù hợp cho lực lượng cán bộ y tế làm việc tại các nhà trường; đồng thời, đề nghị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với việc tiêm vaccine cho học sinh cũng như thực hiện nghiêm yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh trong thời gian tại trường cũng như sinh hoạt tại gia đình.

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hà, đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, Ngân hàng cam kết hỗ trợ không hạn chế bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 đảm bảo yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn của ngành Y tế cho tất cả các trường học, cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố. MB Bank sẵn sàng xem xét yêu cầu hỗ trợ dung dịch khử khuẩn, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà trường.

Xuân Khu (TTXVN)
Nghệ An: Khó khăn trong bố trí nhân lực, chi trả kinh phí cho y tế học đường
Nghệ An: Khó khăn trong bố trí nhân lực, chi trả kinh phí cho y tế học đường

Công tác y tế học đường tại các nhà trường ở Nghệ An chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc bố trí con người và có nhiều vướng mắc trong quá trình chi trả kinh phí cho y tế học đường theo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN