Ngày 18/3, cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến « Kỳ thi THPT quốc gia 2015, những điều cần biết». Những lo lắng về tính công bằng giữa hai cụm thi (địa phương và liên tỉnh), những băn khoăn của học sinh về một kỳ thi mới… đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) giải đáp.Không ít câu hỏi bày tỏ sự băn khoăn về tính công bằng giữa hai cụm thi: Cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với các trường ĐH, cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì phối hợp với các Sở GD-ĐT. Nhiều câu hỏi tỏ ra nghi ngại khi để cho Sở GD-ĐT chủ trì dễ có hiện tượng “tháo khoán”, “thương cho học sinh tỉnh nhà mà buông lỏng”.
Tọa đàm trực tuyến đã giải đáp phần nào những lo lắng của hàng nghìn học sinh về đề thi, tính công bằng trong chấm thi, coi thi. Ảnh: MĐ
|
Trước những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Chúng tôi đã tính toán, chuẩn bị và cân nhắc trước khi đưa ra phương án thi. Có thể căn cứ vào phổ điểm để biết được việc học sinh làm bài có thực chất hay không. Nói chung, phổ điểm sẽ phân theo bộ môn. Nếu một bài làm chung mà có nhiều bài thi giống nhau, nghĩa là học sinh nhìn bài của nhau. Trong lịch sử, có những lúc thi tốt nghiệp không nghiêm, có bệnh thành tích, chuyện đó là cả quá trình. Bây giờ việc ra đề thi khoa học hơn, việc coi thi có nhiều kinh nghiệm hơn; do vậy, kỳ thi tốt nghiệp sẽ đảm bảo nghiêm túc. Bộ chủ trương để các trường đại học cùng tham gia cũng là một cách giám sát. Chỉ khác là cụm thi liên tỉnh là các trường ĐH chủ trì. Cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT địa phương chủ trì. Còn lại, tất cả các khâu tổ chức kỳ thi, thanh tra, kiểm tra đều áp dụng một quy trình chung”.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết thêm, việc tổ chức thi theo cụm như hiện nay không khó khăn hơn trước. Mặc dù, có thể ở nơi này, nơi kia việc đi về Thủ đô dễ dàng hơn việc đi lại giữa các tỉnh; nhưng Bộ GD - ĐT đã tính toán tới những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ thí sinh và người nhà.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết thêm, để xây dựng phương án cụm thi, Bộ đã đi khảo sát từng khu vực; tính toán về sự di chuyển và nơi ăn ở cho lượng học sinh và phụ huynh dự kiến của từng cụm.
Những lo ngại giữa chấm thi của tỉnh và liên tỉnh cũng được đặt ra. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đề thi năm trước và đề thi năm nay không có sự khác biệt. Đối với chấm thi cũng như mọi năm, khi Bộ có bộ đề, có hướng dẫn chấm chung cho các nơi, các nơi thực hiện việc chấm giống nhau. Từng hội đồng chấm thử, rồi chấm tập thể, có thanh tra, giám sát. Do đó không có chuyện một kỳ thi mới, mà cách chấm thi lại khác.
Đề thi là một trong những băn khoăn, lo lắng nhất của nhiều thí sinh. Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, đề thi THPT quốc gia được quyết định theo số 3538 về quy chế thi THPT, căn cứ vào đó, đề thi như những năm trước, nằm trong chương trình THPT chủ yếu lớp 12. Tuy nhiên, với đề thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ thì sẽ phân loại ra làm hai nhóm câu hỏi: Nhóm câu hỏi tương tự như đề thi tốt nghiệp những năm trước kia, đặc biệt là như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Nhóm câu hỏi này tính đến thí sinh giáo dục thường xuyên, thậm chí cả những học sinh trung bình, trung bình - yếu cũng có thể làm bài được và đạt tốt nghiệp. Nhóm câu hỏi thứ hai tương tự những câu hỏi đề thi ĐH, CĐ những năm trước kia, đặc biệt đề thi ĐH, CĐ 2014. Với định hướng như vậy, các em học sinh có thể tham khảo đề thi tốt nghiệp năm trước. Còn với những em thi môn thi để xét tuyển ĐH, CĐ thì có thể tham khảo đề thi Đại học năm trước, đặc biệt năm 2014.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Bộ vẫn sẽ có hướng dẫn cách ôn tập, dạy học. Lo lắng trước một kỳ thi quan trọng là đúng nhưng không nên lo lắng quá.
“Tôi khuyên các em không nên tham khảo quá nhiều tài liệu. Tài liệu tham khảo không có chất lượng tốt hiện nay vẫn rất nhiều. Thời gian đó nên dành cho việc tự học, hệ thống kiến thức”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.
Lê Vân