Kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Các chuyên gia nhìn nhận về bộ tiêu chí đảm bảo chất lượng

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Dự thảo Kiểm định chất lượng giáo dục đại học, các chuyên gia kiểm định đã có những ý kiến xung quanh về các bộ tiêu chí mà dự thảo đưa ra như: bộ đánh giá bao gồm 61 tiêu chí, bộ tiêu chuẩn của AUN-QA (bộ tiêu chuẩn 2.0).

GS.TS Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á trao chứng chỉ đạt chuẩn kiểm định chất lượng AUN- QA cho đại diện các ngành của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

PGS.TS. Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- Đại học Đà Nẵng:


Về kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) cần chuẩn hóa bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và giữ tính ổn định ít nhất trong vòng 5 năm. Ban hành và áp dụng cơ chế thưởng phạt hợp lý đối với các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo tham gia hay không tham gia kiểm định chất lượng, đạt hay không đạt chất lượng theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục. Định kỳ tổ chức bồi dưỡng năng lực, tạo điều kiện cho các đánh giá viên, kiểm định viên được tham gia các khóa tập huấn cũng như đánh giá ở khu vực và quốc tế. Đầu tư tốt hơn và nâng cao năng lực cho các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) để có thể kiểm định được theo các tiêu chuẩn trong nước cũng như tư vấn hoặc kiểm định được theo các tiêu chuẩn quốc tế.


Về phía các cơ sở giáo dục đại học cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa, nội dung của KĐCLGD. Tập huấn rộng rãi về các tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo để các cán bộ, sinh viên của các cơ sở giáo dục biết và triển khai thực hiện cho tốt. Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ chuyên trách về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đảm bảo về chuyên môn, nghiệp vụ. Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng và triển khai thường xuyên, hiệu quả các hoạt động đảm bảo chất lượng trong toàn cơ sở giáo dục. Đảm bảo nguồn kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục.


Việc đánh giá theo bộ tiêu chuẩn61 tiêu chí vẫn đang được tiến hành trong thời gian gần đây. Tính tới 30/11/2016, đã có 24 trường đại học được đánh giá ngoài, trong đó 12 trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn này. Hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu áp dụng bộ tiêu chuẩn này và hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Một số cơ sở giáo dục đã đăng ký kiểm định và đang chờ được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn này.


Khi sử dụng bộ tiêu chuẩn có vai trò nhất định trong thời gian vừa qua, giúp các cơ sở giáo dục tự rà soát lại chất lượng của đơn vị mình. Các văn bản liên quan đến việc áp dụng bộ tiêu chuẩn 61 tiêu chí đã hoàn chỉnh. Đặc biệt đã có văn bản "mốc chuẩn" vừa được Bộ GD- ĐT ban hành năm 2016, khá rõ ràng trong việc phân định các mức độ đạt và chưa đạt. Các cơ sở giáo dục đại học, các Trung tâm KĐCLGD, các kiểm định viên am hiểu và sử dụng thành thạo Bộ tiêu chuẩn. Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá theo tiêu chuẩn 61 tiêu chí.


Tuy nhiên, đánh giá theo tiêu chuẩn 61 tiêu chí này có lịch sử hình thành cũng khá lâu nên một số tiêu chí chỉ còn mang tính chung chung hoặc không còn thích hợp trong tình hình hiện nay, không còn có tác dụng thúc đẩy sự cải tiến, tiến bộ. Chưa có tính hội nhập đối với khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN mà hiện nay Việt Nam đang là một thành viên tích cực. Chỉ mới đánh giá được 2 mức đạt và chưa đạt. Nếu đánh giá được mức độ mạnh yếu của từng tiêu chí thì sẽ góp phần giúp tiêu chí được đánh giá thể hiện rõ hơn độ mạnh yếu của tiêu chí đó. Ngoài ra cách đánh giá này còn hạn chế trong việc giúp cho các cơ sở giáo dục phấn đấu, nâng cao chất lượng giáo dục. Còn thiếu nhiều vấn đề mà thế giới hoặc khu vực quan tâm ví dụ như sở hữu trí tuệ, hệ thống quản lý thông tin...


PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh:


Khung đảm bảo chất lượng chung của AUN-QA (AUN-QA Framework) được xác định bao gồm 3 mảng lớn: Đảm bảo chất lượng chiến lược (cấp trường), ĐBCL hệ thống (hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong) và đảm bảo chất lượng chức năng (đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ - chính là 3 sứ mạng lớn nhất của một trường đại học). Phiên bản 2.0 của Khung AUN-QA cho cấp trường được thiết kế là một khung tích hợp rất bao trùm, gồm 03 mảng trên và tích hợp thêm mảng các kết quả cụ thể (Results) của toàn bộ hoạt động của trường - nhằm thể hiện cụ thể sự phản hồi của hệ thống ĐBCL. Như vậy, có thể nói khái quát nhất, phiên bản 2.0 bao gồm các điều kiện đảm bảo chất lượng (chủ yếu nhấn mạnh, xem xét các quá trình ở tất cả các khía cạnh) cũng như chính chất lượng.


Các chuyên gia của AUN-QA đã chứng minh được rằng, Khung AUN-QA cho cấp trường có tính quốc tế cao độ, vì đó là khung ĐBCL xuyên quốc gia, hỗ trợ cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng như đẩy mạnh sự cơ động xuyên biên giới (croos-border mobility) của người học, của giảng viên cũng như sự quốc tế hóa đại học. Khung này cũng có sự phù hợp sát sao với các Khung ĐBCL khác trên thế giới, chẳng hạn với Khung Baldrige Performance Excellence Framework của Khu vực Bắc Mỹ, với Khung của European Higher Education Area (ESG) ở Châu Âu và với Khung đảm bảo chất lượng ASEAN (AQAF - ASEAN Quality Assurance Framework).


Khung AUN-QA cho cấp trường có 4 phạm trù lớn: đảm bảo chất lượng chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí), đảm bảo chất lượng hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí), đảm bảo chất lượng chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí) và Kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí). Tổng cộng, có 25 tiêu chuẩn, được chi tiết hóa thành 111 tiêu chí. Triết lý chung cho đại đa số các tiêu chuẩn là các tiêu chí trong tiêu chuẩn sẽ được phân thành quy trình PDCA (Plan, Do, Check, Act). Ví dụ, sứ mạng và tầm nhìn của trường trước hết được soạn thảo cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan, sau đó “Sứ mạng và Tầm nhìn” cần được phát biểu rõ ràng, được quán triệt và được triển khai thực hiện, tiếp theo cần được rà soát, cuối cùng quá trình phát triển của “Sứ mạng và Tầm nhìn” cần được cải tiến nhằm tiếp tục mục đích xuyên suốt và cao nhất là đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.


Chính vì triết lý rất tích hợp đó, tính chất xem xét quá trình đó mà Việt Nam cần bộ tiêu chuẩn mới để kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học dựa trên bộ tiêu chuẩn 2.0. Việc đánh giá tập trung vào thực tiễn xây dựng văn hóa chất lượng trong trường, vào các quá trình đảm bảo chất lượng, vào các nguyên lý phát triển và mức độ đạt được mà trường tuân theo, nhấn mạnh vào xu hướng chứ không nhấn mạnh vào bức tranh tĩnh của trường sẽ là cách tiếp cận nhằm thúc đẩy các trường phát triển bền vững, lâu dài, không đối phó rồi dừng cải thiện, đồng thời tạo nên tính khoa học trong quá trình và kết quả đánh giá.


PGS. TS. Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam


Trước tình hình mới này, các tổ chức KĐCLGD cần thực hiện các nhiệm vụ như: Phối hợp cùng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để tập huấn cho các trường về tự đánh gái theo Bộ tiêu chuẩn 2.0. Tập huấn cho các kiểm định viên về đánh giá ngoài theo Bộ tiêu chuẩn 2.0. Truyền thông về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mới ban hành của Bộ GD- ĐT và những tác động của KĐCLGD tới chất lượng các hoạt động của các trường ĐH. Cuối cùng là đóng góp ý kiến để xây dựng các Thông tư và các văn bản liên quan về kiểm định chất lượng giáo dục.


Lê Vân (ghi)
Trường đại học đầu tiên nhận Chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục
Trường đại học đầu tiên nhận Chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục

Ngày 23/3, Trường đại học Giao thông Vận tải đã tổ chức lễ nhận quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và cấp Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN